Cháy rừng gây phát thải carbon
Theo CAMS, tình trạng hạn hán nghiêm trọng tại khắp Nam Mỹ góp phần gây ra các đám cháy thiêu rụi nhiều cánh rừng ở khu vực này trong tháng 2/2024. Lượng phát thải khí carbon do cháy rừng ở Brazil và Venezuela ước tính lần lượt là 4,1 triệu và 5,2 triệu tấn carbon; còn tại Bolivia, lượng khí thải này cũng cao kỷ lục ở mức 0,3 triệu tấn. Hồi tháng 2/2003, lượng khí thải của ba quốc gia này chỉ lần lượt vào khoảng 3,1, 4,3 và 0,08 triệu tấn.
Nhà khoa học cấp cao Mark Parrington tại CAMS cho biết, cơ quan này thường xuyên theo dõi sự gia tăng số vụ cháy rừng trong tháng 2, mùa cao điểm cháy rừng trong năm. Nhiều khu vực ở Nam Mỹ đang phải hứng chịu tình trạng hạn hán, làm gia tăng nguy cơ xảy ra cháy rừng. Dự báo về thành phần khí quyển của CAMS cũng cho thấy khói đang bao phủ một khu vực rộng lớn trong vùng này và khiến tình trạng ô nhiễm không khí tại các khu vực đông dân cư trở nên nghiêm trọng.
Một số chuyên gia cho rằng, hiện tượng thời tiết El Nino là nguyên nhân gây ra đợt hạn hán lịch sử ở lưu vực sông Amazon hồi năm ngoái, dẫn đến các vụ cháy rừng thảm khốc, phá hoại mùa màng và khiến các tuyến đường thủy quan trọng bị thu hẹp lại gây khó khăn cho hoạt động vận tải. Tuy nhiên, một nghiên cứu của các nhà khoa học tại World Weather Attribution (WWA) - tổ chức chuyên đánh giá tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan trên thế giới, lại cho thấy BĐKH do tình trạng ô nhiễm khí carbon liên quan hoạt động của con người là nguyên nhân chính gây ra tình trạng nêu trên. Điều này khiến cho nguy cơ xảy ra hạn hán tăng gấp 30 lần trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 11/2023.
Kỷ lục số vụ cháy tại rừng Amazon
Tháng 2 vừa qua, gần 3.000 đám cháy xảy ra tại rừng Amazon khu vực thuộc lãnh thổ Brazil. Đây là số vụ cháy rừng cao nhất xảy ra trong tháng 2 hằng năm kể từ khi số liệu này bắt đầu được thống kê năm 1999, trong đó BĐKH được cho là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này. Báo cáo do Viện Nghiên cứu không gian quốc gia (INPE) Brazil công bố, các vệ tinh của viện này phát hiện 2.940 vụ cháy rừng trong tháng 2/2024, cao hơn tới 67% so mức cao nhất ghi nhận trước đó là 1.761 vụ hồi tháng 2/2007 và cao gấp bốn lần tháng 2/2023. Phần phía bắc của rừng nhiệt đới Amazon là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhất là tại bang Roraima - nơi có khu bảo tồn bản địa Yanomami.
Tiến sĩ khoa học của Viện Nghiên cứu môi trường Amazon (IPAM), bà Ane Alencar cho rằng, yếu tố khí hậu đóng vai trò cơ bản trong sự bất thường này, trong đó có việc Trái đất liên tiếp trải qua các mốc kỷ lục mới về nhiệt độ cộng hưởng với các hiện tượng khí hậu như hạn hán. Từ tháng 6 đến 11/2023, hạn hán đã tàn phá rừng Amazon khu vực thuộc Brazil, gây ra những đám cháy lớn, làm giảm hoặc cạn lượng lớn trữ lượng nước, gây thảm họa cho động vật hoang dã và ảnh hưởng hàng triệu người dân sinh sống, canh tác trong khu vực này.
Nghiên cứu của WWA về tác động của BĐKH đến cường độ và khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan xác nhận, BĐKH là nguyên nhân chính gây ra hạn hán nghiêm trọng ở rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này. Theo bà Alencar, ngoài tình trạng thời tiết cực đoan, nhiều đám cháy cũng là hậu quả của việc đốt, phát quang rừng để canh tác.
Thực tế, tình trạng phá rừng ở Brazil năm 2023 giảm 50% so năm 2022 trong bối cảnh chính phủ nước này tăng cường kiểm soát môi trường và đặt mục tiêu chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. Dù vậy, dữ liệu vệ tinh cho thấy 5.152 km2 có rừng che phủ đã biến mất ở khu vực rừng nhiệt đới của Brazil trong năm 2023.