Bảo đảm thực thi chính sách giảm thuế VAT 2%

Từ ngày 1/7/2023, theo Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa được thông qua hôm 24/6, nhiều mặt hàng có mức thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% sẽ được giảm xuống còn 8%, áp dụng đến hết ngày 31/12/2023. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số ý kiến chung quanh quá trình thực thi chính sách này.
0:00 / 0:00
0:00
Người tiêu dùng quan tâm đến giá niêm yết trên sản phẩm. Ảnh: HẢI NAM
Người tiêu dùng quan tâm đến giá niêm yết trên sản phẩm. Ảnh: HẢI NAM

Doanh nghiệp thuộc diện kê khai giá chờ hướng dẫn

Chỉ còn vài ngày nữa là đến thời hạn áp dụng chính sách giảm 2% thuế VAT nhưng một số doanh nghiệp trong nhóm ngành được thụ hưởng chính sách này vẫn băn khoăn, chưa biết áp dụng thế nào.

Trao đổi ý kiến với phóng viên, lãnh đạo một công ty kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách ở Hà Nội cho biết, doanh nghiệp thuộc diện phải đăng ký giá với Nhà nước, hiện đang chờ văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính để xem có phải đăng ký lại giá sau khi giảm VAT không.

Liên quan đến chính sách này, trước khi Nghị quyết của Quốc hội được thông qua, Bộ Tài chính đã gửi công văn đến một số cơ quan đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết của Quốc hội (gọi tắt là Dự thảo).

Trong công văn phúc đáp Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phản ánh, một số doanh nghiệp có hàng hóa, dịch vụ đang được áp dụng các biện pháp quản lý giá (như Nhà nước định giá, đăng ký giá, kê khai giá và niêm yết giá) và đã kê khai giá, đăng ký giá (đã bao gồm thuế) hiện đang băn khoăn có cần phải giảm giá tương ứng với phần giảm thuế 2% không? Hay vẫn áp dụng giá cũ? Doanh nghiệp có cần làm thủ tục kê khai, đăng ký giá đã điều chỉnh không?...

Ngoài ra, một số loại hàng hóa, dịch vụ có thể giảm giá 2% khá dễ dàng, nhưng một số loại hàng hóa, dịch vụ có giá đã được làm tròn để dễ thanh toán thì việc điều chỉnh giá biên độ nhỏ (2%) sẽ không khả thi.

“Thí dụ, doanh nghiệp bưu chính chuyển phát đã kê khai giá 5.000 đồng/km, nếu phải giảm xuống còn 4.909 đồng/km sẽ rất phức tạp”, văn bản của VCCI nêu.

Bảo đảm thực thi chính sách giảm thuế VAT 2% ảnh 1

Từ ngày 1/7/2023, nhiều mặt hàng có mức thuế giá trị gia tăng 10% sẽ được giảm xuống còn 8%. Ảnh: ANH HẢI

Chưa thống nhất danh mục hàng hóa dịch vụ được giảm VAT

Một yếu tố nữa đang gây cản trở quá trình thực thi chính sách là cách xác định danh mục hàng hóa được hưởng ưu đãi vẫn chưa thống nhất.

Trước đó, khi đánh giá tình hình thực hiện giảm VAT theo Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó có quy định giảm 2% VAT áp dụng từ 1/2/2022 đến 31/12/2022, cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, việc giảm thuế này gặp một số khó khăn, vướng mắc như cách xác định hàng hóa, dịch vụ giảm VAT.

Theo đó, mô tả hàng hóa tại Phụ lục kèm Nghị định 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 (Nghị định hướng dẫn Nghị quyết 43) dựa trên Danh mục Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam hiện nay không tương ứng với mô tả hàng hóa tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, dẫn đến khó khăn khi xác định mã hồ sơ đối với hàng hóa nhập khẩu tại các Phụ lục, đặc biệt là các dòng hàng có mô tả “hàng hóa … chưa được phân vào đâu”.

Trên thực tế, các doanh nghiệp cũng phản ánh với VCCI rằng, việc phân loại hàng hóa, dịch vụ nào được hưởng thuế suất 8% hay 10% theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP rất phức tạp và quá nhiều rủi ro.

Các doanh nghiệp không biết mình thực hiện đúng hay sai. Nhiều trường hợp hai doanh nghiệp mua bán hàng hóa với nhau nhưng không thống nhất được áp dụng thuế suất 8% hay 10% khiến hợp đồng không thể thực hiện được.

“Bản thân cơ quan thuế, cơ quan hải quan cũng lúng túng trong việc phân loại hàng hóa, dịch vụ để áp dụng. Điều này thậm chí còn gây nguy cơ nhũng nhiễu, tiêu cực khi doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra do cơ quan nhà nước có thể diễn giải quy định theo nhiều cách khác nhau”, VCCI nêu quan điểm.

Mặt khác, Dự thảo bổ sung quy định “Mã HS trong Phụ lục I và Phụ lục III chỉ để tra cứu. Việc xác định mã số HS của hàng hóa nhập khẩu thực hiện theo quy định pháp luật hải quan”. Tuy nhiên, Phụ lục I và Phụ lục III vẫn có các trường hợp không có mã HS mà được ký hiệu (*), và sẽ khai báo mã HS theo thực tế hàng hóa nhập khẩu. Đây là điểm khiến các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn vì không có cơ sở để biết hàng hóa của mình (đã có mã HS khi nhập khẩu) có thuộc Phụ lục hay không.

Từ đó, nhiều doanh nghiệp kiến nghị nên sử dụng bảng phân loại hàng hóa nhập khẩu theo pháp luật hải quan làm cơ sở để xây dựng Phụ lục I và Phụ lục III của Nghị định này, thay cho việc sử dụng Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Giải pháp này có thể giúp hàng hóa nhập khẩu dễ dàng xác định được thuế suất, thay vì tình trạng hiện nay là cả hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa trong nước đều gặp khó khăn khi xác định thuế suất.

Đây chính là một trong những lý do mà ở lần áp dụng giảm thuế trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp than rằng, chi phí giao dịch, điều chỉnh hồ sơ, chi phí quản lý… sau khi áp dụng giảm 2% VAT còn cao hơn giá trị mà doanh nghiệp được hưởng từ chính sách, chưa kể tâm lý sợ áp dụng sai luôn thường trực. “Chuẩn bị được giảm VAT lần thứ hai mà tôi cảm thấy áp lực nhiều hơn là vui mừng”, một lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất ở Hải Phòng bày tỏ băn khoăn.

Chờ tháo gỡ từ Nghị định hướng dẫn

Góp ý cho Dự thảo, VCCI đề xuất cơ quan soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn các trường hợp đang được quản lý giá khi giảm VAT, theo hướng doanh nghiệp không cần làm thủ tục điều chỉnh giá và được phép áp dụng giá đã đăng ký, kê khai.

Trong trường hợp không kịp sử dụng bảng phân loại hàng hóa nhập khẩu thì cần liệt kê đầy đủ các mã HS hàng nhập khẩu áp dụng thuế 10%. Nói cách khác, cần loại bỏ toàn bộ các trường hợp ngoại lệ được ký hiệu (*).

Trao đổi ý kiến với báo Thời Nay, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, một số doanh nghiệp có hoạt động tương đối đặc thù có thể tách luôn ra để không hỗ trợ như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…, nhưng một số doanh nghiệp lại có hoạt động (giao dịch, dự án…) đan xen, rất khó phân định như bất động sản, xây dựng…

“Năm ngoái, nhiều doanh nghiệp cũng đã kêu rất khổ vì có khi trong cùng một mảng hoạt động của doanh nghiệp nhưng chỗ này được giảm, chỗ kia lại không được giảm…”, vị chuyên gia nói, đồng thời nhấn mạnh, điểm nhấn là hỗ trợ thì phải giảm thiểu chi phí thực thi chính sách, có văn bản hướng dẫn rõ ràng để đơn giản hóa các loại quy trình thực hiện.

Đối với đề xuất của một số doanh nghiệp thuộc đối tượng kê khai giá, niêm yết giá nói trên, TS Nguyễn Quốc Việt nêu quan điểm, việc giảm VAT là để kích cầu tiêu dùng, giá niêm yết phải thật sự giảm thì xã hội và người tiêu dùng mới cảm nhận được hiệu quả của giảm thuế, từ đó kích hoạt tâm lý tiêu dùng của hộ gia đình, cá nhân…

“Việc giảm giá sản phẩm do chính doanh nghiệp thực hiện, doanh nghiệp còn phải bỏ thêm chi phí để quảng bá, vậy tại sao bây giờ không thể bỏ thêm chi phí và hy sinh chút quyền lợi trước mắt để đạt được lợi ích mục tiêu của chính sách lẫn lợi ích cuối cùng của doanh nghiệp là đẩy mạnh được tiêu dùng nội địa, giảm hàng tồn, tháo gỡ đóng băng thị trường sản xuất, dịch vụ?”, ông Việt nói.

Theo ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên thường trực Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, để chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống, Nghị định hướng dẫn cần chi tiết, cụ thể.

“Đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê xác định mã ngành nào ở ranh giới được giảm và không được giảm. Nghị định lần này cũng cần có một khoảng mở để giao cho Bộ Tài chính, Cục Thuế hướng dẫn chi tiết cho người dân và doanh nghiệp, nếu trong quá trình thực hiện có vướng mắc”, ông Được nói.

Chính sách giảm 2% thuế VAT được coi là “mũi tên trúng nhiều đích”: từ việc giảm giá cho người tiêu dùng dẫn đến tăng vòng quay sản xuất, kích thích doanh nghiệp phát triển, từ đó kích thích kinh tế phục hồi.

Việc thực hiện giảm VAT theo Nghị quyết 43/2022/QH15 đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 44,5 nghìn tỷ đồng. Sau giảm VAT, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, thu thuế VAT nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ.