Ngược thượng nguồn

Bán tình tôi qua miền chợ nổi

Theo lời của thương hồ, sông Kinh Xáng, nếu tính từ thành phố Cà Mau, sông chạy xuyên qua chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng) và về chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang) rồi đổ về sông Hậu tại điểm chợ Cái Côn (Kế Sách, Sóc Trăng)... Nghe cũng thú vị đấy, tôi sẽ bán duyên tình tôi qua miền chợ nổi!
0:00 / 0:00
0:00
Những ghe hàng trên chợ nổi Ngã Năm.
Những ghe hàng trên chợ nổi Ngã Năm.

Cho em một chỗ trên sào

Cứ khi nào có buổi tụ tập nhóm sẽ y như rằng có ca sĩ không chuyên ôm cây đàn hát chờ người đến đủ mới thông báo sự kiện. “Cuối tuần có đi chợ nổi với tụi anh hông, cưng?”, anh Lương Mạnh Tích buông cây đàn ghi-ta, lúc kết thúc bài hát, cũng là lúc mắt anh mở ra nhìn mọi người, nhìn tôi, buông lời rủ rê.

Tôi đến nãy giờ nhưng bài hát của anh chưa hết, nên cứ lặng thinh mà ngồi. Tôi quyết định vứt đi cái sự dịu dàng của mình, hất hàm, kêu: “Chợ nổi là chợ nổi nào?”.

“Rồi, bữa nay tôi gặp phải mớ bà chằng”, anh Tích nói, tay gỡ tấm bìa các-tông thùng bia, giơ lên, bút bi gạch hai đường song song thẳng tắp, rồi vòng hai cái vòng tròn trên đó, anh nói: “Đây là một chợ nổi, đi đến đây lại có thêm một chợ nổi nữa, bất ngờ luôn. Không phải chợ nổi Cái Bè ở Tiền Giang, cũng không phải chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ nha”. Chúng tôi vỗ tay cho một sáng kiến của người anh luôn tìm chỗ đi chơi mới. Bạn Võ Thị Hường thêm vào: “Rồi đến đâu, anh cũng rao bán một vài đứa trong nhóm phải hông?”.

Đoàn tám người chúng tôi xuống đò ở bến chợ Cái Cồn (Kế Sách, Sóc Trăng), vậy là chúng tôi phiêu cùng dòng sông. Trên đò, anh Tích giải thích: “Ngày xưa, cụ Vương Hồng Sển đi từ Sóc Trăng lên Sài Gòn bằng đò nha. Chỗ ni, cụ cũng có viết bài đó, nhưng tui hổng nhớ”.

Anh Tích từng học kiến trúc, ra trường anh lại làm bên công ty quản lý tòa nhà trên Sài Gòn, chúng tôi gọi anh là ông từ, đi chơi, chúng tôi gọi anh là “thợ đụng” vì anh luôn nghĩ đến bữa tối trải nghiệm món ăn, chưa nói đến chuyện những nhà trọ trong nông thôn cúp điện, anh không tách đoàn, không khuyến khích mọi người tách đoàn đi tìm khách sạn mà nói lời động viên, ở lại, chỉ một đêm thôi.

Ca ngợi anh Tích nhiều quá mà tôi quên không nói chuyện dòng sông. Trên sông, chúng tôi bắt gặp nhiều ghe thuyền chở chiếu, dưa cải muối, thơm (dứa), mít tố nữ, rau củ quả như bí nâu, bí xanh… họ đem đi đâu? Bán ở đâu? Một câu hỏi cứ mông lung trong đầu, nhiều sản vật miền Tây, chạy trên con sông miền Tây, bán cho những người miền Tây, ắt hẳn họ sẽ tìm ra chỗ nào thiếu để cung, chỗ nào trồng ra, sản xuất được để mua nó, đó là một câu hỏi khó mà chỉ có những thương hồ biết được.

Đò đến chợ nổi Ngã Bảy, mặt nước mở rộng mênh mông, nhiều ghe chở mía dập dềnh, chạy về đâu không biết. Nhiều ghe thuyền bán rau quả neo đậu sát mé bờ, mé chợ thị xã Phụng Hiệp (Hậu Giang). Hường nói: “Hổng thấy anh ghe chiếu Cà Mau nào hò bên thuyền cho mình nghe, mình thương? Hay tại chúng ta đi nhầm sông, lộn chợ?”. Anh Tích gãi tai, nói: “Quên phứt, đáng lý ra in ảnh hai cô thiệt to kèm số điện thoại rồi gửi treo cây “bẹo” (Cây bẹo: cây sào cao để người bán hàng trên ghe treo những mặt hàng để quảng bá cho khách biết). Hường nói: “Bán được đã may mắn. Không bán được, họ đòi tiền mặt bằng, kêu ai. Hay treo thêm ảnh của anh nữa, biết đâu mấy bả trong xóm cần người đuổi vịt”.

Bán tình tôi qua miền chợ nổi ảnh 1

Một góc chợ nổi Ngã Năm.

Đêm Ngã Năm nằm nghiêng nhớ “bẹo”

Qua chợ nổi Ngã Bảy, anh Tích được cả nhóm bầu là thương hồ. Dọc theo Kinh Xáng cũng là dọc theo tuyến đường Quản Lộ-Phụng Hiệp, thỉnh thoảng sông sát lộ, lộ gần sông, tiếng xe cộ chạy trên lộ vọng xuống, inh còi. Có con người ồn ào đến mức không còn tý mỡ trong cơ thể lại đang tính ốc, cá, rau cho bữa tối trên thuyền. Và đêm, tám con người với chủ đò ngủ trên thuyền hay tìm homestay ven sông?

Kinh Xáng đang trong những ngày nước nổi, lục bình trôi sông tan tác theo dòng. Rồi nước đầy, nước đẩy, nước đưa lục bình ra biển dạt vào bờ cát nát đời lục bình. Cùng bình nhưng không trôi sông, đó là cây bình bát mọc ven bờ, trái nhỏ chín vàng như trái lê, mùi thơm dễ chịu. Ăn trái bình bát cũng là một thách thức, phải cho nhiều đường, sữa mới trôi qua họng được.

Đò đến Búng Tàu thì trôi chậm về chợ Long Hưng, người lên bờ uống nước giải khát và tìm chỗ nghỉ ngơi. Lượn chợ chút cho thảnh thơi, rồi lên đò đi tiếp. Đò qua chợ Trà Cú cũng là lúc con Kinh Xáng đổi thành kinh Trà Cú, qua chợ nổi Ngã Năm nó lại về với cái tên Kinh Xáng của người ven sông, trên sông.

Xuồng chạy được nửa đường Kinh Xáng hướng về thành phố Cà Mau thì quay đầu, lý do anh Tích muốn về thị xã Ngã Năm sớm để in mấy tấm ảnh thật to, treo bẹo vào buổi chợ đông đúc mờ sớm mai. Chúng tôi vỗ tay cho điều đó và biết đâu, chúng tôi bàn tán cùng nhau, hình mình phấp phới trên bẹo, phận cũng gởi được vào một anh thương hồ đứt gánh như anh Tích, long đong gặp lận đận dệt nên tấm vợ tấm chồng. Anh Tích nghe vậy, kéo cây đàn ghi-ta ra tưng tưng hát bài Tự: “Đã thôi không nhiều/đã quen thêm vài điều, tự sông, tự yêu”...

Xe ô-tô đưa chúng tôi từ TP Hồ Chí Minh đến chợ Cái Côn cũng về đến chợ nổi Ngã Năm. Đoàn chúng tôi cũng lượn vài vòng chợ nổi mua đồ ăn cho bữa tối nhưng đều thất vọng vì chợ nổi không bán lẻ và cũng không đa dạng mặt hàng, đành rằng đi chợ trên bờ. Món ốc bươu (ốc nhồi) vì anh Tích có sở trường nướng ốc này. Bữa tối được trải bạt trên vườn bên bờ sông trong gia đình anh Tích quen biết.

Bữa tối kéo dài vì những tiếng tích tịch tình tang cùng với tiếng đàn của anh Tích-trời đặt cho anh cái tên chứ không phải do ba mẹ ảnh đặt. Những bài hát năm xửa năm xưa “tình ơi và Thụy ơi” với “em còn nhớ hay em đã quên”… mà sau mỗi chuyến đi, chúng tôi vẫn đùa nhau rằng “em đã quên, rằng em không muốn nhớ”.

Sau bữa tối, những âm thanh của con người tạo ra đã ngắt, nghe tiếng đồng vọng từ làng xa mà cảm giác mình đã có một thuở nào đó ở đây. Dòng sông như một đường thẳng đưa tôi đến đây mặc dù trên sông vẫn thấy những ngã rẽ của những dòng sông chảy vào dòng sông, của những nỗi niềm chảy vào nỗi niềm, của những tình bạn kết giao mở ra những tình bạn và như một câu thơ “sông rộng thì sâu”.

Chợ nổi Ngã Năm nằm sâu trong đường quốc lộ và họp lúc gần sáng và cả ngày. Chính chợ nổi này đã tạo nên một thị xã Ngã Năm sầm uất. Về chợ nổi Ngã Năm, ăn món mít tố nữ trên sông vô cùng ngọt lịm, không những ngọt lịm về sản vật mà còn ngọt lịm vì giá cả bình dân.