Bản lĩnh người lính áo blouse trắng

Thượng tá Trần Xuân Trường, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây cứ xuýt xoa: “Bác sĩ bệnh xá này giỏi lắm nhé. Hôm trước mấy cậu ấy cố định xương một ca, dùng khoan dân dụng mà làm được đấy”. Ở quần đảo Trường Sa, mỗi ca bệnh đều có thể là một ca khó.
0:00 / 0:00
0:00
Khám bệnh cho ngư dân tại bệnh xá đảo Sinh Tồn.
Khám bệnh cho ngư dân tại bệnh xá đảo Sinh Tồn.

Phép thử tay nghề và bản lĩnh

Đó là một ngày tưởng bình thường, bệnh xá đảo Song Tử Tây tiếp nhận một bệnh nhân bị gãy xương ngón tay, khi vào tới bệnh xá là đã qua 18 tiếng. Thời điểm vàng để cứu chữa mỗi lúc một ngắn lại. “Vấn đề cần giải quyết là làm sạch vết thương và cố định xương gãy. Mà cố định xương gãy rất khó khăn vì ở đây không có dụng cụ gì”, Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Trường - Bệnh xá trưởng - kể lại. Lúc đó, bác sĩ Trường đã cử người tới đơn vị bộ đội để mượn một cái khoan… dân dụng. Thượng tá Trần Xuân Trường cho mượn khoan mà nửa tin nửa ngờ. Nhưng giải pháp tình thế ấy, lại có hiệu quả. Bệnh xá đã dùng chiếc khoan, với cây kim y tế khoan vào xương và cố định được xương ngón tay, sau đó khâu vết thương và đặt thêm nẹp 1. “Bệnh nhân đáp ứng rất tốt, 2-3 ngày sau có thể ra viện rồi’, bác sĩ Trường nhớ lại.

Ca bệnh đó, như bác sĩ Trường kể, “Nếu ở đất liền thì ca này rất nhỏ thôi nhưng ở đây điều kiện chưa đầy đủ, sự sáng tạo của anh em có thể chữa được cho bệnh nhân thì niềm vui cũng sẽ khác hơn”. Ở giữa biển, việc khám, chữa bệnh đều có thể trở nên đặc biệt như thế. Thượng úy, bác sĩ Hoàng Xuân Bảo, bệnh xá trưởng bệnh xá đảo Sinh Tồn, cũng nói: “Khi làm trong bệnh viện ở đất liền mình có cả một đội ngũ, có bác sĩ chẩn đoán, bác sĩ gây mê hồi sức, ở đây mình kiêm nhiệm mọi thứ, siêu âm, mổ, chăm sóc sau mổ. Chỉ mấy anh em làm cùng nhau”. 29 tuổi, bác sĩ Hoàng Xuân Bảo xung phong tình nguyện nhận nhiệm vụ ở bệnh xá đảo Sinh Tồn. Công việc của một bác sĩ như Bảo ở đảo, rất khác khi Bảo còn ở Khoa Ngoại chung - sản, Viện Y học hải quân. Nhưng Bảo cũng nói đó là điều kiện tốt để mình rèn luyện tay nghề, bản lĩnh người bác sĩ.

Thời điểm nhận ca cố định xương ngón tay, bác sĩ Trường mới ra bệnh xá chưa lâu, đây gần như là ca khó đầu tiên của người thiếu tá, khi lần đầu rời Thủ đô ra đảo xa. Ca cố định xương thành công khiến Trường có thêm niềm tin vào những ngày trên đảo. “Mới ra đảo mình cũng lo lắng, không biết có hoàn thành nhiệm vụ không, đảo xa xôi thế này thì xử lý như thế nào. Rất may là nhờ sự phối hợp của mọi người mà đến giờ vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, Trường cười.

Ông Cao Văn Thơ, một ngư dân kỳ cựu chuyên đánh bắt trên khu vực quần đảo Trường Sa, nói rằng không phải bây giờ mà nhiều năm trước, bà con ngư dân ra khơi đều đã rất yên tâm khi có bộ đội, có y, bác sĩ ở các đảo để làm chỗ dựa vững chắc cho những chuyến tàu cá. Ông Thơ vẫn nhớ một chuyến đi biển năm 2021, tàu mới ra khơi vài ngày thì ông lên cơn đau. Đó là căn bệnh mà sau này ông mới biết là viêm tuyến tụy cấp. Nhưng tàu mới rời cảng, chi phí đã tới 400 triệu đồng, ông không dám quay về và không dám lên đảo vì mỗi ngày nằm nghỉ là một ngày tàu không làm việc được. Chỉ tới khi cơn đau vượt quá ngưỡng chịu đựng, tới ngày 11/3/2021, ông mới gọi vào đảo Trường Sa xin cấp cứu. Bác sĩ trên đảo Trường Sa nói với ông: “Tôi chích cho anh một mũi thuốc này, ba tiếng sau mà anh không thuyên giảm thì chỉ có cách dùng trực thăng đưa anh về đất liền”. Nhưng hơn hai tiếng sau, ông Thơ tỉnh lại nhờ mũi thuốc kịp thời. Mở mắt, hình ảnh đầu tiên ông thấy là người bác sĩ quân y ngồi chờ bên giường bệnh. Hơn hai tiếng ấy, những người lính mặc áo blouse trắng đã túc trực cạnh bệnh nhân, theo dõi từng diễn biến bệnh của ông Thơ. “Lúc đó là hơn một giờ chiều, bác sĩ trực quên cả ăn trưa, mình tỉnh lại nhìn họ mà xúc động dễ sợ”, ông Thơ rưng rưng. Sau lần đó, ông Thơ còn quay lại đảo Trường Sa vài bận, mang chút cá tươi lên gửi những ân nhân cứu mạng mình, “Cho các anh đổi bữa”. Nhưng Đại úy, bác sĩ Nguyễn Quang Huy, bệnh xá đảo Trường Sa, nói: “Ngư dân khỏe mạnh, họ quay trở lại là điều quan trọng nhất. Họ xuất hiện trước mặt mình đó là một món quà quý nhất của người bác sĩ rồi, đâu cần quà gì nữa”.

Dù được đầu tư, quan tâm hơn trước rất nhiều, nhưng ở đảo xa điều kiện vẫn còn thiếu thốn, công tác y tế vì thế cũng còn nhiều khó khăn. Nhưng khó khăn và thiếu thốn ấy cũng khiến các y, bác sĩ khám phá thêm những giới hạn của bản thân và nhận ra, mình có thể làm được nhiều hơn, tốt hơn những gì mình nghĩ. Và khi ấy, niềm vui của một bác sĩ quân y ở đảo xa cũng trở nên thật đặc biệt so khi ở đất liền.

Và phép thử của những chuyến xa nhà

Chuyến tàu vào Song Tử Tây cuối năm 2022 mang theo món quà vô giá đến tay bác sĩ Nguyễn Văn Trường. Đó là lá thư tay của người vợ trẻ và hình ảnh cậu con trai 3 tuổi, cùng cô con gái bé bỏng anh chưa được gặp mặt. Ngày Trường nhận nhiệm vụ ra đảo, cô bé đang nằm trong bụng mẹ. Chỉ vài phút trước, Trường vẫn cười, bảo rằng “giờ còn ai viết thư tay nữa”, rằng anh vẫn thi thoảng gọi điện thoại cho vợ, nói chuyện với con nên xa nhà cũng không có gì để nói đâu. Nhưng khi cầm trên tay ảnh con, thì bàn tay người thiếu tá cầm khoan dân dụng khoan xương cho bệnh nhân vẫn bình tĩnh, lại bỗng run run. Đó là lần đầu, Trường ngắm con kỹ như thế: “Cái tóc này giống bố này”, người thiếu tá cười mà ánh mắt đỏ hoe.

Chuyến tàu vào Song Tử Tây, còn có bác sĩ, Thiếu tá Tạ Đức Thao. Thao nằm trong số các bác sĩ ra đảo Song Tử Tây nhận nhiệm vụ lần này. Gấp gọn lại tư trang, vuốt cho phẳng nếp áo, Thiếu tá - bác sĩ Tạ Đức Thao, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chỉ cười khi ai đó nhắc tới gia đình với người vợ và hai đứa con nhỏ. Hành lý lên đảo, trong điều kiện gió bão, chỉ gói ghém đủ cho ba-lô tư trang bộ đội. Cũng như Thiếu tá Nguyễn Văn Trường hay Thượng úy Hoàng Xuân Bảo mấy tháng trước, lần này, Thiếu tá Thao sẽ bắt đầu hành trình xa nhà, xa đất liền - một hành trình rất dài mà khó ai có thể tưởng tượng trước. Đó sẽ là những ngày dài đằng đẵng, cách liên lạc chỉ là cái điện thoại “cục gạch” nho nhỏ.

Nhưng hành trang họ mang theo ra đảo không chỉ có thế. Ai cũng có niềm vinh dự, tự hào của riêng mình, là được thực hiện nhiệm vụ của người thầy thuốc nơi quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Và đó cũng là vinh dự, tự hào của bao thế hệ các y, bác sĩ đã và đang ở Trường Sa. “Nhận nhiệm vụ tại Song Tử Tây đã là truyền thống của Bệnh viện Quân đội 108 rồi, chúng tôi cũng được những tiền bối dặn dò nhiều. Ra đảo chắc sẽ không thể như đất liền, nhưng chúng tôi đều rất vinh dự, tự hào”, bác sĩ Thao nói.

Những nỗ lực của các y, bác sĩ Trường Sa không chỉ là những nỗ lực cá nhân. Chữa bệnh, cứu người ở Trường Sa không chỉ dựa vào ý chí và đôi tay của người thầy thuốc. Đất liền và đảo xa đang ngày càng gần lại. Yên tâm thực hiện nhiệm vụ, đó là cảm nhận của tất thảy những y, bác sĩ Trường Sa. Yên tâm đánh bắt khơi xa, đó là cảm nhận của những ngư dân đang ngày đêm vươn khơi, bám biển.

Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Trường luôn trăn trở về những câu hỏi: “bao giờ được ra viện” của những ngư dân. Anh nói mỗi ngày nằm bệnh xá là một ngày công của họ, là cơm ăn áo mặc, nên bác sĩ ở đây càng phải nỗ lực hết mình, để họ có thể khôi phục sức khỏe nhanh nhất có thể. Còn thượng úy Hoàng Xuân Bảo nói rằng: “Mình luôn cảm thấy mình phải làm thế nào để người ta hưởng những quyền lợi sức khỏe tốt nhất. Người ta đã ra đây vươn khơi bám biển rồi thì mình có trách nhiệm, nghĩa vụ phải chăm sóc họ”.