Băn khoăn thống kê việc làm sinh viên

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường là một trong những nội dung các trường bắt buộc phải đưa lên website của mình. Tuy nhiên, nhiệm vụ này chưa được các trường thực hiện một cách nghiêm túc.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên ra trường tìm kiếm việc làm.
Sinh viên ra trường tìm kiếm việc làm.

Thống kê khác với thực tế

Tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm là vấn đề nan giải trong nhiều năm nay. Báo cáo phân tích ngành giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phối hợp với UNESCO tại Việt Nam thực hiện, dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2019, hơn 3% số sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và 2,8% số cử nhân đại học thất nghiệp, trong khi trình độ trung cấp chỉ 1,1% thất nghiệp.

Tại TP Hồ Chí Minh, năm 2022, có gần 150 nghìn lao động mất việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì có đến 83 nghìn lao động phổ thông và gần 46 nghìn lao động có trình độ đại học trở lên. Như vậy chiếm đến 88% số lao động mất việc là người không có tay nghề và... cử nhân đại học.

Tỷ lệ cử nhân có tấm bằng đại học lại thất nghiệp cao được các chuyên gia chỉ ra là các cơ sở giáo dục đại học tổ chức đào tạo chưa quan hệ chặt chẽ với thị trường lao động, chưa nắm bắt được nhu cầu nhân lực. Việc đăng ký tuyển sinh và lựa chọn ngành, trường đào tạo là do học sinh tự quyết định, tuy nhiên, họ lại thiếu thông tin dự báo nguồn nhân lực, thông tin về thị trường lao động…

Chính vì vậy, để giải quyết một phần lỗ hổng về thông tin giữa các bên, từ năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường phải công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp và đưa thông tin này lên website của nhà trường cùng với các nội dung công khai cam kết chất lượng đào tạo, nguồn lực phục vụ đào tạo, thu chi tài chính.

Thế nhưng, nội dung công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm lại được các trường làm rất hình thức. Bên cạnh một số trường đưa ra các con số chi tiết, nhiều trường chỉ cập nhật các dòng thông tin mang tính hình thức, chung chung như: “phần lớn sinh viên có việc làm đúng ngành đào tạo sau khi tốt nghiệp”. Trong khi đó, với nhiều nền giáo dục đại học, đây là tiêu chí quan trọng. Ở nhiều nước, bảng xếp hạng đại học lấy căn cứ từ tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm với các thông tin về công việc, mức lương, công ty... Số liệu được cập nhật định kỳ sau mỗi niên học hoặc hằng năm.

Điều đáng nói, ngay cả những trường đưa ra các con số chi tiết, tính xác thực cũng chưa được kiểm chứng khiến nhiều người “hoang mang” khi so sánh với con số cử nhân thất nghiệp trên thị trường lao động. Nhiều cơ sở giáo dục đại học công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường đạt hơn 90%, thậm chí 97-98%.

Tại Học viện Tài chính, tính đến ngày 30/6/2022, tỷ lệ sinh viên hệ đại học chính quy có việc làm trong một năm sau khi tốt nghiệp đạt bình quân hơn 97%. Còn Học viện Nông nghiệp Việt Nam, theo kết quả khảo sát, hơn 97% số sinh viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp hoặc tự khởi nghiệp. Theo Trường đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội, 95% số sinh viên tốt nghiệp trong vòng 12 tháng có việc làm ngay. Trung bình, mỗi năm có từ 94-98% sinh viên ngành Công nghệ may của nhà trường tìm được việc làm phù hợp chuyên môn đào tạo. Kết quả khảo sát sinh viên có việc làm của Trường đại học Kinh tế quốc dân năm 2021 dao động từ 84,24%-97,73%....

Thiếu thông tin khảo sát và kiểm chứng

Một trong số ít các trường đã thực hiện khá kỹ công tác nói trên là Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Một đại diện nhà trường cho biết, việc thực hiện khảo sát đã được nhà trường thực hiện từ năm 2008, bao gồm thống kê, nghiên cứu tình hình việc làm với các thông tin về chỗ làm, mức lương, thời gian tìm việc sau khi ra trường... Việc khảo sát được tiến hành hai đợt, trước khi sinh viên tốt nghiệp một tháng và sau đó một hoặc hai năm. Nhìn chung, kết quả sau vài năm cho thấy, mỗi năm trường có từ 1.500-2.000 sinh viên tốt nghiệp nhưng chỉ có khoảng 35% số sinh viên phản hồi thông tin.

Giải thích về sự thiếu hụt thông tin, lãnh đạo các trường đều cho rằng việc tổ chức thu thập thông tin rất khó thực hiện. Phần lớn các trường yêu cầu sinh viên để lại địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ email khi nhận bằng tốt nghiệp để duy trì liên lạc. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa hai bên vẫn rất lỏng lẻo. Đại diện Trường đại học Giao thông vận tải cho biết, cho tới nay, việc này được giao về từng khoa. Các khoa có trách nhiệm thống kê thông tin về sinh viên sau khi ra trường và nhà trường vẫn nhận được báo cáo hằng năm từ các khoa. Vị này cũng thừa nhận, rất khó tránh tình trạng nhiều khoa chỉ “làm cho có” vì nói chung quan hệ giữa nhà trường với sinh viên phần lớn phụ thuộc một vài sinh viên hạt nhân - chủ yếu là cán bộ lớp trước đây. Chưa kể là với sinh viên mới ra trường, địa chỉ và số điện thoại thường không ổn định, thông tin thu thập được thường có độ tin cậy không cao.

Những yếu tố nói trên dẫn đến thực tế là số liệu khảo sát của các trường thường khả quan hơn rất nhiều so tình hình thực tiễn hoặc so với số liệu thống kê tình trạng việc làm do các cơ quan quản lý nhà nước tiến hành. Điều này là do thống kê từ các trường khó bao quát được toàn bộ số sinh viên tốt nghiệp, trong khi đó, số sinh viên chưa tìm được việc tham gia khảo sát thấp hơn nhiều so số sinh viên đã có việc. Bên cạnh đó, dường như việc thống kê số sinh viên có việc làm đồng nghĩa với việc chỉ ra số sinh viên thất nghiệp, nên phần lớn các trường tỏ ra ngại đi vào cụ thể. Hơn nữa, thống kê là việc không đơn giản, đòi hòi nguồn nhân lực và tài chính nhất định. Đơn cử, tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội, việc khảo sát, thống kê, công bố thông tin cần chi phí lớn, mỗi năm tới 100 triệu đồng.

PGS, TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận, thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường là một phần quan trọng mà các cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai. Đây cũng là một trong những hình thức cam kết chất lượng đào tạo với xã hội. “Tôi mừng khi nhìn vào tỷ lệ sinh viên có việc làm của nhiều trường lên đến 95-98%. Con số này thể hiện việc đào tạo đã đáp ứng được thị trường lao động. Ở góc nhìn khác, nó thể hiện cung - cầu đã gặp nhau. Song, đó phải là con số thực chất, không phải số liệu ảo cho đẹp”, PGS, TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Khẳng định khi khảo sát tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp, cần làm rõ các ngành đào tạo của giáo dục đại học khác với ngành nghề kinh tế - xã hội, PGS, TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, cần phân định tường minh giữa số liệu sinh viên ra trường có việc làm với việc làm đúng chuyên ngành đào tạo. Đây là hai số liệu khác nhau nên ý nghĩa khác nhau.

Ông Bùi Tiến Dũng, chuyên viên Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, một cơ sở đào tạo tốt cần phải có những sản phẩm đầu ra tốt. Sản phẩm đó chính là sinh viên phải đáp ứng được nhu cầu của xã hội, nhà tuyển dụng. Số liệu về việc làm sinh viên sau tốt nghiệp là rất quan trọng đối với các cơ sở đào tạo, là căn cứ để giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo; phản ánh chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo và cũng là cơ sở để doanh nghiệp đặt hàng đào tạo theo nhu cầu, căn cứ để giao nhiệm vụ.

Sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp cũng là một chỉ số quan trọng tác động lên chỉ số việc làm chung của cả nước, thước đo quan trọng của nền kinh tế. Ông Dũng cũng cho rằng, thống kê của các trường về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau ba tháng đến một năm tương đối cao nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp để kiểm chứng lại kết quả thống kê này cũng là bài toán đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra.