Bác sĩ khám bệnh dạo nơi xã đảo

Giờ nghỉ trưa, giữa cái nắng hè khô khốc của xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh), nghe cuộc điện thoại ngắn, bác sĩ Luân Thanh Trường ngừng bữa cơm, lật đật lấy thêm thuốc cho vào thùng rồi gọi bác sĩ trẻ Nguyễn Tấn Hưng cùng đi. Họ rảo bước thật nhanh đến nhà hai vợ chồng bị tai biến cách trạm y tế xã không xa để thăm khám đột xuất.
0:00 / 0:00
0:00
Gần 20 năm gắn bó với xã đảo Thạnh An, bác sĩ Trường (ngồi giữa) đã có nhiều kỷ niệm khó phai với nghề.
Gần 20 năm gắn bó với xã đảo Thạnh An, bác sĩ Trường (ngồi giữa) đã có nhiều kỷ niệm khó phai với nghề.

Những lần cấp cứu “vã mồ hôi”

Thấy thùng thuốc quen thuộc của Trạm trưởng Y tế xã Thạnh An Luân Thanh Trường lấp ló trước cửa nhà, ông Nguyễn Văn Xê nhìn vợ là bà Nguyễn Thị Bé mừng rỡ, mếu máo nói mấy từ bằng chất giọng run yếu đến khó nghe: “Bác sĩ đến rồi bà. Đừng lo”. Nhà nghèo, hai vợ chồng đủ bệnh nền còn bị tai biến nên việc đi lại, sinh hoạt hết sức khó khăn. Cách đây không lâu, biến chứng tiểu đường còn “cướp mất” một nửa chân trái của ông Xê khiến đôi vợ chồng già đã sống thui thủi nay thêm phần bế tắc. Mỗi lúc vợ trở mệt, ông Xê không còn nhanh nhẹn tới hỏi han, chăm sóc ân cần như trước nữa vì toàn thân cũng đau nhức, khó thở. Con cái quá thiếu thốn lại ở xa, hai ông bà đành sống nương tựa nhau.

Bác sĩ Trường dặn, bất cứ khi nào cần giúp cứ gọi điện thoại, đừng ngại mưa gió, nắng nôi. Vậy là lúc mệt mỏi quá, ông Xê bấm bụng nhờ “quyền trợ giúp”. Thăm khám cho bà Bé xong, bác sĩ Trường cùng cộng sự trẻ quay sang đo huyết áp, trao đổi tình hình với ông Xê. Biết ông Xê đủ bệnh, nhà thiếu người chăm sóc, đỡ đần, mỗi khi kê thuốc, bác sĩ Trường đều viết ra giấy, dặn đi dặn lại từng mục vì sợ bệnh nhân gần 70 tuổi đãng trí quên đi.

Ngoài thuốc trị bệnh như mọi khi, hôm nay, bác sĩ Trường bổ sung thêm vài loại thuốc bổ cho đôi vợ chồng già. Cầm chặt túi thuốc trong tay như sợ rơi mất món quà quý, ông Xê xúc động nói: “Bác sĩ không tới nhà khám chắc vợ chồng tôi chịu chết. Không tiền, không ai phụ giúp, muốn đi cũng chẳng được”. Bác sĩ Trường cười hiền, siết chặt đôi tay đang run của ông Xê, chào tạm biệt. Ra tới đường, đồng hồ hơn một giờ trưa, áo đẫm mồ hôi.

Ông Xê, bà Bé là hai trong số rất nhiều bệnh nhân thuộc danh sách thăm khám ngoại viện, tức “Công tác quản gia” mà bác sĩ Trường thực hiện từ ngày về trạm y tế xã đảo này. Cái khó lớn nhất ở Thạnh An hiện nay vẫn là chuyện đi lại. Xã có ba ấp là Thạnh Hòa và Thạnh Bình nằm trên cùng một hòn đảo nhỏ, trong khi ấp Thiềng Liềng lại nằm cách biệt. Cả xã hiện có một trạm y tế và một điểm khám chữa bệnh Đông y phục vụ gần năm nghìn dân. Ở Thiềng Liềng chỉ duy trì phòng y tế ấp do một y sĩ địa phương túc trực cấp cứu. Mấy năm nay, thành phố bổ sung thêm nhân sự trẻ luân phiên về Thạnh An hỗ trợ chuyên môn. Nhờ vậy, mỗi tuần, bác sĩ Trường mới có thể sắp xếp cùng cộng sự sang

Thiềng Liềng thăm khám, phát thuốc theo bảo hiểm y tế cho người dân. Chứ trước kia muốn cũng chẳng biết giúp cách nào.

Bác sĩ Trường kể, 18 năm về Thạnh An, không biết bao lần anh “mướt mồ hôi” vì trường hợp khẩn cấp. Cả trạm y tế nhiều năm ròng chỉ có mình anh là bác sĩ, việc gì cũng đến tay. Cách đây tám năm, tối nọ, anh nhận thông tin một cụ bà gần 90 tuổi ở ấp đảo Thiềng Liềng bị té gãy cổ xương đùi. Gom các dụng cụ cơ bản, bác sĩ Trường gọi thêm vài người phụ, vội lên đò sang ấp đảo xem tình hình thế nào. “Đến nhà, tôi thấy bà cụ nằm trên giường, mặt lộ rõ cơn đau, bàn chân sưng to. Không thể nhấc bà khiêng qua băng ca nên lúc đó tôi nghĩ ra cách cắt tấm chiếu ra làm đôi, lấy vạc giường làm băng ca, đưa bà lên vỏ lãi (loại ghe máy nhỏ - PV), chở về Thạnh An khám và hồi sức, giảm đau. Bà lão sau đó được đưa lên huyện rồi lên tuyến trên để phẫu thuật”, bác sĩ Trường nhớ lại.

Có lần, nữ hộ sinh duy nhất của trạm y tế đi tập huấn, một sản phụ bị băng huyết được đưa đến, bác sĩ Trường tìm đủ kênh kết nối và tập trung cầm máu, xử lý các khâu. May mắn, mọi việc đã thành công. Mấy bận đỡ đẻ, chuyên môn không thiếu nhưng lần nào mồ hôi anh cũng toát nhiều hơn sản phụ vì lo âu, căng thẳng. Dụng cụ khám, chữa bệnh khi bác sĩ Trường về trạm y tế xã chỉ có chiếc ống nghe cùng máy đo huyết áp. Sau này mới có thêm máy đo điện tim, máy siêu âm, máy huyết học… Chỉ sợ thiếu thốn về trang thiết bị và nhân lực làm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh chứ với anh, cực khổ mấy cũng chẳng nề hà.

Năm 2005, bác sĩ Trường về Thạnh An, điện lúc đó chỉ được phát cầm chừng từ máy phát điện chạy bằng dầu. Không ít lần, bệnh nhân đến trong đêm, bật hoài máy vẫn không khởi động. Còn nhớ đêm nọ trong ca trực, bác sĩ Trường tiếp nhận một trường hợp trẻ em lên cơn hen suyễn cần hỗ trợ gấp. Vậy mà làm đủ cách chiếc máy phát điện tại trạm y tế vẫn không hoạt động. Bệnh nhân bắt đầu khó thở. Lúc đó, bác sĩ Trường nói nữ điều dưỡng khẩn trương liên hệ các quán cà-phê đang phục vụ xem đá banh gần trạm y tế để qua sử dụng nhờ máy phát điện chạy bằng xăng. “Tìm được nơi có máy phát điện đang chạy sẵn, mừng quá, tôi bế đứa nhỏ, đem theo máy và thuốc đến nhà người dân cho bệnh nhân xông khí dung rồi sau đó điều trị”, bác sĩ Trường kể thêm.

“Khó nhưng không ai để tôi cô độc”

Năm 2000, nghe Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ cần bốn bác sĩ tình nguyện, bác sĩ Trường xung phong từ phố về vùng xa công tác. Năm 2005, anh chuyển về Trạm Y tế xã Thạnh An và gắn bó với những ca bệnh không màng ngày nghỉ, cuối tuần cùng bao ca cấp cứu, khám bệnh tại nhà dân đến tận bây giờ. Công tác quản gia là hoạt động được bác sĩ Trường đầu tư nhiều tâm huyết. Anh hay được người dân xã đảo gọi vui là “bác sĩ khám dạo” vì cứ nghe dân gọi là tới gõ cửa nhà khám bệnh. Chiếc tai nghe, xe máy, thùng thuốc trở thành bạn đồng hành cùng anh chữa bệnh tận nơi cho nhiều người. Sau này, khi thành phố điều thêm bác sĩ trẻ luân phiên về hỗ trợ chuyên môn nhằm giảm áp lực cho trạm y tế, anh rủ rê bác sĩ trẻ đi “khám dạo” với mình. Bác sĩ Trường cho rằng, với điều kiện đi lại còn nhiều khó khăn tại các ấp đảo, việc bác sĩ tới cấp cứu, thăm khám, xử lý tại nhà người bệnh sẽ hạn chế được rủi ro không mong muốn. Và khi đó, bác sĩ cũng có thêm nhiều thời gian chăm sóc, thấu hiểu cái khổ, cái khó của người bệnh mà cảm thông, sâu sát hơn.

Về xã đảo làm “bác sĩ duy nhất” tại trạm y tế suốt nhiều năm liền, bao nhiêu thử thách đều nếm trải, vậy mà ai đó hỏi có bao giờ muốn rời đi không, bác sĩ Trường đều lắc đầu. Anh nói, mình mắc nợ ân tình nơi đây, nhất là với những người trợ lý không công lặng thầm. Nhiều ca cấp cứu giữa khuya, bác sĩ Trường bối rối vì chưa biết kiếm đâu ra phương tiện chở đi, tự dưng có chú xe ôm trong xã xung phong chở “0 đồng” dù gia cảnh chẳng dư dả gì. Rồi các chủ đò, thợ thuyền, cứ nghe bác sĩ Trường cần giúp, hay tin có người phải cấp cứu thì lập tức xắn tay vào việc.

Đưa người bệnh từ các ấp đảo ra huyện cấp cứu vào lúc gió mưa, đêm khuya khó khăn, nguy hiểm đủ bề, vậy mà, chưa khi nào bác sĩ Trường nghe tiếng thở dài hay lời than vãn. Ai cũng khẩn trương dù làm miễn phí vì họ biết láng giềng mình cần giúp đỡ, sẻ chia lúc bệnh tật, nguy cấp. Nhiều lần khiêng người bệnh đi cấp cứu gặp lúc nước cạn, phải khiêng qua mấy con đò, trao bệnh khó khăn vô cùng nhưng rồi cũng làm được.

Với những ca bệnh cực kỳ khó khăn cần điều trị gấp, cả xã chung tay hỗ trợ từ tinh thần đến vật chất. Bác sĩ Trường nhớ mãi những hình ảnh đẹp khi đồng hành cùng người dân xã đảo: “Lúc mưa gió, thà mình chịu ướt chứ bao nhiêu đồ phải che chắn cho bệnh nhân. Khiêng người bệnh xong, mấy anh còn quay lại phụ tôi khiêng băng ca, bình oxy rồi mới trở lại công việc. Về sau, thành phố cấp cho trạm y tế chiếc xe điện. Vậy là lại có người nhận chạy tình nguyện, đêm hôm khuya khoắt cũng làm. Anh xe điện bận thì có anh xe ba càng vào thay. Với tôi, mấy chú, mấy anh em không phải là đồng nghiệp nhưng là đồng chí, cùng nhìn về một hướng, cùng chia sẻ khó khăn với người bệnh”.

Dẫn khách tham quan một vòng Trạm Y tế xã, bác sĩ Trường khoe nhiều trang thiết bị chẩn đoán bệnh hiện đại vừa được thành phố trang bị. Nghe nói, không lâu nữa, trạm y tế từng thuộc diện “thiếu đủ thứ” này sẽ được xây mới, bổ sung thêm cả phòng mổ để chăm sóc sức khỏe, điều trị tốt hơn cho người bệnh. Nhưng với bác sĩ Trường, vui nhất vẫn là được đón nhiều nhóm bác sĩ trẻ từ các bệnh viện luân phiên về thăm khám, điều trị cho người dân xã đảo.