Có vẻ như những kỳ vọng lớn đối với TPP đã làm người ta quên mất một thực tế rằng: Sau khi hoàn tất đàm phán, sớm nhất thì 18 tháng nữa TPP mới có hiệu lực (trong điều kiện mọi việc diễn ra suôn sẻ và tất cả các quốc gia đều hoàn thành việc phê chuẩn), trong khi đó chỉ còn hơn một tháng nữa AEC sẽ chính thức được thành lập (31-12-2015). Theo nhiều chuyên gia kinh tế, AEC như một phép thử (mà Việt Nam không được phép thất bại) trước khi có thể đón nhận những cơ hội lớn hơn từ TPP. Chính vì thế, ưu tiên lúc này là tập trung giải quyết các thách thức, tận dụng những cơ hội lớn từ AEC để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo đột phá cho nền kinh tế, sẵn sàng cho TPP.
Điều đáng lo ngại là trong khi ở tầm vĩ mô, Chính phủ và các bộ, ngành đã chuẩn bị tương đối tốt. Thì, ở phía các doanh nghiệp, AEC vẫn là một “thứ” gì đó khá xa vời. Theo khảo sát thì nhiều DN Việt Nam đánh giá việc tham gia AEC ảnh hưởng rất ít đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ. Có thể hiểu, họ không thấy sự khác nhau giữa một thị trường 90 triệu người với một thị trường hơn 600 triệu người tiêu dùng kèm theo đó là sự cạnh tranh tăng lên theo cấp số nhân với sự tham gia từ tất cả các doanh nghiệp ASEAN. Có vẻ như các DN Việt đã quá quen với việc được “ấp” trong các hàng rào bảo hộ mà quên mất rằng, một khi tham gia AEC thì tất cả đều được đối xử bình đẳng không phân biệt quốc gia (trong ASEAN). Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ rất dễ thất thế trong quá trình cạnh tranh. Điều đáng nói là trong khi khả năng cạnh tranh với các DN trong khu vực còn đang là một câu hỏi thì dường như chúng ta lại quan tâm và đầu tư cho các thị trường như Mỹ, Nhật, châu Âu nhiều hơn! “Hơn lúc nào hết, các DN Việt phải thi đỗ “ông nghè” tại thị trường AEC trước khi tính đến chuyện “đe” được “hàng tổng” là những thị trường như TPP” - một lời cảnh báo từ các chuyên gia.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, giờ là lúc chúng ta cần chủ động để tìm hiểu các nội dung và cam kết của các hiệp định đang có hiệu lực trong AEC để tận dụng các cơ hội và hạn chế thách thức từ việc thực thi các hiệp định này. Mặt khác, cũng cần quan tâm tới lộ trình thực hiện các mục tiêu tương lai của AEC để có sự chuẩn bị sẵn sàng cho một khu vực thị trường và sản xuất chung sẽ được hình thành khi các mục tiêu của AEC được hoàn tất. Ngoài ra, cũng cần chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu, uy tín thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã và đặc biệt chú trọng xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng với chi phí thấp, kịp thời, tin cậy. Mặt khác, cần chủ động tăng cường năng lực nghiên cứu thị trường và hướng nhiều hơn đến khu vực ASEAN, lựa chọn chiến lược kinh doanh phù hợp, nắm bắt nhanh nhẹn các cơ hội để đáp ứng nhu cầu thị trường. Chỉ cần xem cách các công ty của Thái-lan đang dần tiến vào thị trường Việt Nam, nhất là những mảng Thái-lan có lợi thế, như nông sản, hàng công nghiệp nhẹ và hệ thống dịch vụ bán lẻ… có thể các DN chúng ta sẽ học được nhiều điều!
Quan trọng hơn và mang tính chất quyết định tới sự thành công khi tham gia AEC, đó là sự sẵn sàng của Chính phủ trong việc tuyên truyền, hỗ trợ… doanh nghiệp khi tham gia sân chơi AEC.