Vượt lên chính mình
Trước khi bắt đầu hành trình, không ít người đã 'nắn gân' chúng tôi về một chuyến đi vất vả. Ðây không phải chuyến đi theo kiểu 'phượt' lần đầu ở miền núi, nên chúng tôi đã khởi hành trong một niềm ước ao khám phá đầy cảm xúc. A Pa Chải thuộc xã Sín Thầu (Mường Nhé, Ðiện Biên) - nơi đây vẫn được coi là khu vực nghèo nhất nước và trình độ dân trí không cao. Nhưng con người A Pa Chải lại đặc biệt hiếu khách, họ sẵn sàng mở hết lòng nhiệt tình với mỗi ai đã nhọc sức đến với họ. Những con suối, những cánh rừng, những chặng đường quanh co nhỏ như sợi chỉ uốn lượn và những câu chuyện bí ẩn vẫn luôn quyến rũ các chàng trai, cô gái. Và họ đã tìm cách chinh phục, để được đặt chân đến mảnh đất một tiếng gà gáy ba tỉnh nghe thấy.
Ðường từ Hà Nội về Mường Nhé không có gì phải phàn nàn, nhưng đi xe máy từ Mường Nhé vào A Pa Chải thì đúng là khó 'nhằn'! Chặng đường đã làm cho tinh thần đồng đội của chúng tôi được nêu cao, nó tôi luyện cho chúng tôi thêm lòng dũng cảm. Từ trung tâm huyện Mường Nhé đi vào bản Tá Miếu ở xã Sín Thầu rồi lên
A Pa Chải, vào mùa mưa có nhiều đoạn nước suối chảy xiết cao đến ngực. Rời Mường Nhé được chừng 19 km, chúng tôi gặp con suối Chung Chải vừa rộng vừa sâu. Người dân đã nghĩ ra cách ghép những thân vầu vào làm bè để vượt. Nước suối chảy xiết, người đẩy bè chỉ cần trượt tay là cả bè bị cuốn trôi. Qua Chung Chải, đến bản Ðoàn Kết (một bản mới được thành lập) chừng 25 km đường gập ghềnh, uốn lượn quanh co. Vượt suối Leng Su Sìn, phía trước là xã Sín Thầu, nơi có con suối Mo Phí vừa rộng, vừa sâu, đá ngầm lởm chởm mai phục, nước luôn chảy xiết. Không có người đưa bè, cả nhóm phải tự khiêng xe của mình qua suối. Mệt mỏi, chơi vơi và lo lắng, với sự đoàn kết, chúng tôi đã đưa được xe máy đi qua. Trước đây, vào mùa mưa lũ, dân chung quanh tự đóng bè, rồi thu phí 20 đến 50 nghìn đồng mỗi lượt đi qua. Mới đây, UBND xã Sín Thầu đã chỉ đạo mỗi lần đẩy người dân chỉ được lấy cố định 20 nghìn đồng. Trẻ em và học sinh được đi qua miễn phí.
Sau khi vượt thêm con suối Păm Pươi, chúng tôi đi men theo con đường đầy đá sỏi. Thiên nhiên thật tươi sáng và trong lành khiến cho trái tim chúng tôi càng thêm rạo rực vì giấc mơ A Pa Chải đã sắp thành sự thật. Suối Y Mơ Hồ của xã Sín Thầu như một con rồng đang yên ngủ với những tảng đá cuội to lừng lững. Tại đây, chúng tôi phải nhờ những người dân đưa qua. Con đường từ xã Sín Thầu vào A Pa Chải dài 4 km, một con đường xuyên rừng nguyên sinh với nền đất ướt đẫm sương, có những đoạn hẹp cỡ 50 cm, chênh vênh vực núi, cây đổ chắn ngang đường, những khe suối cắt ngang lối đi. Khó khăn mai phục dày đặc, khiến cho bước chân có lúc chững lại với những pha thót tim.
Ðến lúc tưởng như sức cùng lực kiệt và cảm thấy chân mình không thể bước đi, thì chúng tôi đã nhìn thấy A Pa Chải. Hít thở rồi hét lên cho thỏa, hòng xua bớt đi mệt mỏi, chúng tôi vào thăm trạm kiểm soát xuất nhập cảnh đường tiểu ngạch A Pa Chải đồng thời nghỉ ngơi chút ít. Cuộc hành trình tiếp tục về với bản Tá Miếu - bản xa nhất về phía tây của Việt Nam lại bắt đầu sau đó ít phút. Tá Miếu là bản mới được tách ra từ bản A Pa Chải với 25 nóc nhà, cách A Pa Chải 6 km và phải mất hai giờ đồng hồ đi bộ. Mỏi và mệt, cảm thấy mình đã sung sướng khi chinh phục cả một hành trình vất vả. Nhưng đó vẫn chưa phải là đoạn kết của một hành trình. Có người nói: Chưa lên mốc số 0, coi như chưa xong hành trình. Theo đường chim bay, từ Ðồn Biên phòng 317đến mốc số 0 chỉ khoảng 4 km, nhưng để đến được ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc ấy, phải trải qua đoạn đường gần 20 km ngoằn ngoèo ôm theo các sườn núi hướng lên 'đỉnh trời' Khoang La San - một ngọn núi cao đến 1.865 m so với mực nước biển. Nghỉ lại ở Ðồn Biên phòng 317, sáng sau chúng tôi vạch rừng, leo dốc tiến về cột mốc số 0. Tự hào vô cùng khi đến được điểm cực tây Tổ quốc, cột mốc đẹp hình lăng trụ được làm bằng đá gra-nit trên một bệ đỡ vuông vắn có diện tích 5x5 m, là một cột đa giác cao 2 m tính từ chân đế ba cạnh có ba mặt quay về ba hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng chữ Quốc ngữ riêng và Quốc huy của mỗi quốc gia. Ðến được nơi đây, ai cũng muốn hét lên sung sướng và cảm thấy hành trình của mình thật sự có ý nghĩa, và càng sung sướng hơn là thấy mình đã vượt lên được mình.
Những giấc mơ mới
Vùng A Pa Chải chủ yếu là người Hà Nhì, họ chọn nơi những dòng suối chảy qua làm chốn an cư. Nơi đây xưa được coi là 'bản doanh' của thú rừng, thuốc phiện. Cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu đã đeo đẳng người dân suốt bao nhiêu năm. Khi có sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước cử cán bộ lên, người dân nhận thấy 'cái bụng' của cán bộ thật tốt. Nhưng nhiều người già thì vẫn không quên những nỗi đau oằn oại của thuốc phiện. Trẻ con, người lớn xem ma túy như niềm vui chống lại sự hoang hoải, cô độc của những con người giữa mênh mông rừng, suối. Suối nhiều cá, không ai thèm giăng lưới. Rừng nhiều thú, không ai thèm săn. Vùng A Pa Chải như sơn nữ ngủ vùi mình trong cơn mê dài của thuốc phiện. Thậm chí, cán bộ xã ngày ấy cũng nghiện theo 'truyền thống'. Giờ A Pa Chải đang rũ mình đứng lên. Có nhà báo ví von: 'A Pa Chải đang rũ mình đứng dậy, như thiếu nữ Hà Nhì hàng chục năm cùi cụi chúi mình bám vào núi, vào nương, giờ bỗng ngước mắt nhìn lên'.
A Pa Chải ngày nay đã có điện thắp sáng, có ti-vi để xem. Riêng bản A Pa Chải có nghìn con bò. Cũng có những giáo viên trẻ nhiệt tình lên đây cắm bản, mang cái chữ dạy cho trẻ em, giúp người dân bớt nghèo, bớt khổ. Phải kể đến sự nhiệt tình của cô Vi Thị Hiệu, quê ở huyện Lộc Bình, Lạng Sơn dạy học tại bản Tá Miếu, các thầy cô Bùi Thị Hiên (Hòa Bình), Nguyễn Văn Thảo, Phạm Ngọc Quý (Bắc Ninh)... dạy dỗ ở các điểm trường của Sín Thầu. Các thầy cô đã thắp cho học sinh những ước mơ, ở nơi sơn cùng thủy tận, dù là có những gia đình không biết làm gì với cái chữ của con mình sau này. Nhưng họ vẫn tin rằng, khi có cái chữ, thì cái đầu con mình sẽ sáng, và chúng có thể thực hiện những ước mơ của mình.
Ở lại ăn Tết cùng bà con
Sín Thầu và đặc biệt là vùng đất A Pa Chải còn hoang vu này, mùa xuân dường như đến muộn hơn. Có phải vì nó là nơi biên giới, quá xa xôi nơi núi rừng Tây Bắc? Vậy nhưng, khi tiếng suối róc rách chảy, hoa ban bung nở và sương giá dần tan, thì người dân nơi đây vẫn đón một năm mới vui vẻ, đầm ấm. Sau khi thu hoạch xong vụ lúa (khoảng cuối tháng 10 âm lịch), thời điểm này là lúc thư nhàn nhất của người dân Hà Nhì. Các già làng, trưởng bản cùng cán bộ xã sẽ họp để thống nhất một ngày ăn Tết chung. Lịch Tết 'Có Nhẹ Chà' không cố định như Tết người Kinh, nhưng phải vào ngày con Rồng. Bởi họ coi Rồng là con mạnh nhất trong tứ linh và 12 con giáp, ăn Tết vào ngày này dân bản sẽ được mạnh khỏe cả năm. Khách xa đến vào những ngày này, sẽ được mời ở lại ăn Tết cùng dân bản.
Ngày Tết bắt đầu với lễ mổ lợn độc đáo. Trời còn canh ba, rét lạnh thấu xương, màn sương đang treo dày khắp núi rừng, là thời điểm thích hợp để các nhà thi mổ lợn. Theo quan niệm của người Hà Nhì, nhà nào mổ xong sớm thì sang năm mới sẽ phát tài phát lộc. Không khí chuẩn bị Tết rất náo nhiệt, mỗi người một việc cùng xắn tay chuẩn bị mâm cỗ tất niên. Ðàn ông thì xẻ thịt, còn phụ nữ và trẻ em chế biến. Tất cả món ăn đều làm từ thịt lợn: thịt luộc, thịt kho dưa, xúc xích, thịt đông... Phụ nữ Hà Nhì có thể chế biến hàng chục món ăn từ con lợn thịt trong ngày Tết và phần lớn số này được đem gác bếp tích trữ ăn dần. Ngày Tết, khắp bản rượu tràn như dòng Mo Phí mùa nước. Bà con tưng bừng qua nhà nhau chúc Tết, nhà nào cũng sẵn một bàn cỗ ăm ắp thức ăn, các món làm từ thịt lợn và các loại rau cải luộc. Ðến mỗi nhà uống một vài chén cũng đủ để tới khuya mới về được. Người phụ nữ Hà Nhì cả ngày ngồi bên bếp lửa, luôn tay làm thức ăn đãi khách, hai má hây hây đỏ, miệng cười tươi như thể đó là việc vui nhất của một năm. Từ những bản láng giềng như Sen Thượng, Tá Miếu, A Pa Chải... đến bản xa xôi cách hai, ba ngày đường đi bộ như Tá Ló San, Long San..., nhiều bà con về Tả Kố Khừ vui Tết.
Nửa đêm, ở nhà Sùng Dần Sinh (Bí thư xã Sín Thầu) mọi người ngồi quây quần bên bàn rượu, câu chuyện nổ như ngô rang. Những chén rượu men lá thơm nồng chỉ vừa đủ để chếnh choáng một chút, lâng lâng một chút trong niềm vui của vụ mùa bội thu, của ngày anh em đoàn tụ. Vào ngày Tết thứ hai, từ sáng sớm, phụ nữ và trẻ em xúm xít quanh chiếc cối, còn cánh đàn ông trai tráng thì vắt lưới lên vai ngược suối đi bắt cá. Bánh làm từ cơm nếp trộn với vừng giã nhuyễn thủ công bằng cối đá chôn ở góc nhà. Hớn hở nhất là tụi trẻ con. Chúng cứ líu tíu quanh mẹt bánh dày nóng hôi hổi, thơm phức đang mỗi lúc một đầy thêm. Tối đến, chương trình văn nghệ chào mừng ngày Tết cổ truyền của người Hà Nhì được cả bản đón chờ trong niềm háo hức. Tất cả nhường sân khấu cho nam thanh nữ tú cùng nắm tay xòe dưới ánh trăng vằng vặc đêm quanh đống lửa bập bùng, trong tiếng chiêng, tưng bừng, rộn rã giữa đêm khuya núi rừng.
Hành trình về xuôi cũng vất vả, mệt nhoài như khi chúng tôi dốc toàn bộ sức lực để chinh phục những đoạn đường khổ ải. Nhưng tâm trạng người nào cũng vui vẻ, bởi mình đã được khám phá, được sống và hòa mình vào mảnh đất này. Những cánh rừng nguyên sinh lùi lại phía sau, chúng tôi vẫn nghe vẳng lại tiếng cười đùa trẻ con, tiếng giã bánh và đặc biệt hơn là sự níu giữ của những sơn nữ dịu dàng đang xúng xính chuẩn bị áo mới chơi xuân.