Chung tay bảo vệ khỉ Sơn Trà

Thời gian gần đây, số lượng khỉ vàng ở bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng bị chết có chiều hướng gia tăng. Thực trạng người dân mang thức ăn lên cho khỉ diễn ra trong thời gian dài đã dần làm mất đi tập tính tự nhiên của chúng. Đáng nói, có những vụ khỉ bị xe tông gây thương tật, thậm chí là chết khi chúng đi nhặt thức ăn của du khách. Thực trạng này gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hệ sinh thái, môi trường tự nhiên ở bán đảo Sơn Trà. 

Cổng chùa Linh Ứng tập trung nhiều khỉ.
Cổng chùa Linh Ứng tập trung nhiều khỉ.

Tuyên truyền để mọi người nhận thức đúng

Dọc cung đường quanh bán đảo Sơn Trà, mỗi ngày có hàng chục, hàng trăm chú khỉ vàng tràn xuống lòng đường theo từng đàn. Những đàn khỉ cứ thản nhiên tìm đến những khu vực như cổng chùa Linh Ứng, Miếu Đôi, bảo tàng Đồng Đình… để nhặt thức ăn do du khách mang lên. Công tác tuyên truyền nhận thức về việc không cho khỉ ăn để bảo vệ khả năng tìm thức ăn tự nhiên của loài này được các tình nguyện viên và lực lượng chức năng thực hiện liên tục thời gian qua, nhưng đâu lại vào đấy. 

Đều đặn vào lúc 16 giờ chiều thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, các tình nguyện viên của nhóm Team 16 (Đà Nẵng) lại tất bật di chuyển đến khu vực chân núi Sơn Trà, nơi đàn khỉ thường tụ tập về. Với những khẩu hiệu in trên băng-rôn và thiết bị loa phát thanh cầm tay, Team 16 tiến hành giải tán, hướng dẫn du khách và người dân dừng việc cho khỉ ăn và thu dọn rác thải cho vào thùng rác. Team 16 với gần 20 thành viên gồm nhiều bạn trẻ, có cả học sinh, sinh viên trên địa bàn chia ra nhiều nhóm nhỏ để đi dọc từ chân núi lên đến gần đỉnh núi. Những thành viên đi một mình khi phát hiện có trường hợp du khách cho khỉ ăn sẽ tiếp cận, nhắc người dân dừng hành động đó lại. Đồng thời quay lại hình ảnh rồi gửi vào nhóm chat Zalo để các thành viên còn lại đến hỗ trợ việc giải tán. 

17 giờ chiều, lượng người tập trung về ngay cổng chùa Linh Ứng tăng lên, thấy một người đàn ông bước xuống từ xe ô-tô chuẩn bị cho đàn khỉ một nải chuối, chị Đặng Minh Tâm, 26 tuổi (thành viên Team 16) chạy lại can ngăn: “Dạ chú ơi hiện tại ở đây không được cho khỉ ăn. Ở đây có biển báo cấm mà. Chú cất nải chuối đi ạ. Chú thương khỉ thì đừng cho chúng nó ăn nữa. Mọi người giải tán giúp với ạ”. Tỏ vẻ khó chịu, người đàn ông hỏi ngược: “Vậy các em cho nó ăn được không? Khỉ nó đang đói anh mới cho ăn chứ”. Tâm cố giải thích, loài khỉ cơ bản tự tìm thức ăn từ thiên nhiên được, chúng không cần con người cho thức ăn. Tuy nhiên đáp lại sự cố gắng giải thích của bạn Tâm là cú đóng cửa xe rồi lái xe bỏ đi của người đàn ông. Người này cũng không quên vứt lại nải chuối cho bầy khỉ đang ngơ ngác bên đường. 

Anh Minh Vũ, 37 tuổi, trưởng nhóm Team 16 cho biết, thời điểm gần trưa và đặc biệt là vào buổi chiều, các đàn khỉ hàng chục con sẽ tràn xuống đường theo thói quen để lấy thức ăn của một bộ phận du khách mang lên. Nhiều người dân đi ô-tô lên đến nơi rồi hạ cửa sổ để vứt trái cây ra giữa đường, có cả bao bì nylon rồi chạy xe đi ngay. Cá biệt, có những trường hợp người dân và du khách cho khỉ uống cả cafe, ăn ớt hay những thức ăn có chất muối... Sẽ rất nguy hiểm cho hệ tiêu hóa của khỉ do chúng không thích nghi với những thức ăn, đồ uống đó. Nguy hiểm hơn, cách đây vài tuần đã xảy ra trường hợp một du khách bị khỉ cào xước da mặt tại khu vực Miếu Đôi khi đang đưa trái cây cho khỉ ăn để chụp ảnh. “Team 16 dự định mở rộng tuyên truyền về việc không cho khỉ Sơn Trà ăn tại các nơi công cộng như sân bay, nhà ga. Đồng thời cắm thêm nhiều biển báo tuyên truyền cỡ lớn dọc các cung đường ở quận Sơn Trà để người dân, du khách thập phương hiểu được tầm quan trọng của việc này”, anh Vũ nói.

Chung tay bảo vệ khỉ Sơn Trà -0
Rác thải, bao nylon vương vãi do người dân mang đồ ăn cho khỉ. 

Cần chung tay bảo vệ khỉ

Chị Cao Thị Kim Tuyết, 37 tuổi, thành viên nhóm Cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã Sơn Trà cùng tham gia với các bạn của Team 16 cho biết, nhiều lần đến Sơn Trà đã lắng nghe xem phụ huynh họ nói gì khi chở con qua đây. Tuy nhiên, họ chỉ mang bánh ra đưa các bé cầm để mang cho khỉ ăn. Hầu như người dân không hướng cho con cách quan sát cuộc sống của các loài vật hoang dã. 

Chị Tuyết nêu quan điểm: “Phụ huynh cho trẻ tiếp xúc với thiên nhiên sẽ rất tốt cho vấn đề giáo dục sau này. Vậy nhưng cách quan sát tự nhiên của người dân mình hầu như không có. Tình trạng cho khỉ ăn ở bán đảo Sơn Trà nếu không xử lý kiên quyết thì dễ khiến khỉ mất đi tập tính vốn có, rất khó để đưa vào việc bảo tồn loài. Bảo vệ Sơn Trà cần phải có những quy định, chế tài rõ ràng. Từ đó mới có thể hình thành hành vi đúng cho thế hệ sau đi theo”. 

Ở khu vực chân núi Sơn Trà đã có băng-rôn kêu gọi “Không cho khỉ ăn là đang cứu khỉ” của Team 16 dựng lên. Đồng thời, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã bố trí đội trực gác hằng ngày thường xuyên tuần tra, cảnh báo các trường hợp cho khỉ ăn nhưng khi bị nhắc ở khu vực này thì người dân và du khách lại đến khu vực khác tiếp tục mang thức ăn ra dụ các đàn khỉ kéo xuống để chụp ảnh hay thậm chí vuốt ve chúng. 17 giờ 30 phút, đang đứng trực tại chốt ở đoạn Miếu Đôi, nghe điện thoại báo có một trường hợp khỉ bị thương ở đoạn Inter Continental cách đó khoảng 9 km, anh Nguyễn Trần Nhật Quang, 24 tuổi tức tốc ngược dốc chạy đến. “Có những con khỉ nhóm mình phát hiện bị cụt tay, chân hay bị thương do va chạm với xe cộ thì bản thân mình chuyên về sơ cứu vết thương sẽ làm việc đó. Sau đó mang chúng về nuôi dưỡng cho lành rồi tái thả. Tuy nhiên, về lâu dài những con đã bị tàn tật sẽ rất khó sống được bởi chúng không thể leo trèo, ăn uống như bình thường”, anh Quang cho hay.

Với tập tính sống theo bầy đàn, khi có một con đầu đàn chạy xuống lòng đường nhặt bánh, trái cây thì cả đàn sẽ theo đến rất nhiều. Tiếng nghiến răng dành thức ăn, hú gọi của khỉ vang cả đoạn đường. Vào khoảng thời gian chập choạng tối, lượng xe chạy dọc bán đảo Sơn Trà rất đông lên đến hàng trăm chiếc. Những trường hợp khỉ con vô tình băng ngang đường bị xe tông chết thường xảy ra đã làm giảm đi số lượng cá thể khỉ tại đây. “Những trường hợp khỉ phải nằm viện điều trị thì chi phí nằm viện với thuốc men được bên tổ chức DLF hỗ trợ chi trả. Còn những buổi đi cứu hộ hay đi xem xét tình hình đàn khỉ và chi phí ăn uống cho khỉ khi nằm viện thì bên nhóm cứu hộ của mình tự bỏ tiền túi”, chị Kim Tuyết chia sẻ.

Môi trường ở bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng nhận được nhiều ưu đãi của tự nhiên về cảnh vật, sự đa dạng loài. Vấn đề bảo tồn các giống loài ở đây, trong đó có khỉ vàng mang lại giá trị cho môi trường ngay cả trong hiện tại và cả tương lai. Mấu chốt nằm ở sự đồng lòng chung tay, vào cuộc của nhiều bên hơn nữa để bán đảo Sơn Trà luôn vang vọng tiếng hú gọi bầy, hình ảnh khỉ mẹ cõng khỉ con chuyền cành giữa thảm rừng xanh, một vẻ đẹp của tự nhiên chốn này. 

“Làm công việc này tất cả là xuất phát từ tình yêu thiên nhiên, mà đặc biệt là đối với các bé khỉ ở Sơn Trà. Team 16 nhiều khi rất buồn sau mỗi lần bị người dân phản ứng, chống cự, đôi khi còn bị họ chửi bới. Thật sự nhóm chúng mình chỉ dám nhắc nhở, khuyên răn mọi người cùng thay đổi nhận thức bảo vệ môi trường tự nhiên chứ sao có quyền cấm đoán, xử lý người dân”, đại diện Team 16 cho biết.