Cảnh giác những di chứng nguy hiểm
Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, nhiều bệnh truyền nhiễm trên cả nước gia tăng. Trong đó, có 10.196 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các tỉnh khu vực phía nam có hơn 7.500 ca, chiếm 74,1% tổng số ca mắc tay chân miệng của cả nước.
Ông Đức cho biết, bệnh tay chân miệng đến nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Trong khi đó, bệnh chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ, lây truyền qua đường tiêu hóa từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Vì vậy, nguy cơ lây truyền cao khi trẻ sinh hoạt tập thể tại trường mầm non. Ngoài bệnh tay chân miệng, các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số ca mắc.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 130 ca mắc sởi, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cả nước cũng ghi nhận 118 ca mắc ho gà, tăng 6,8 lần so với cùng kỳ năm 2023. Ông Đức nhận định, có thể tiếp tục ghi nhận các ổ dịch ho gà, sởi trong thời gian tới, đặc biệt tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong nhiều năm qua và cả ở nhóm trẻ em chưa đến độ tuổi tiêm chủng.
Mới đây, vụ việc bốn người trong một gia đình ở tỉnh Bắc Kạn mắc viêm màng não do não mô cầu, trong đó hai người đã tử vong khiến dư luận lo lắng. Trước đó, Hà Nội cũng ghi nhận ca nhiễm viêm não mô cầu đầu tiên trong năm nay là nam bệnh nhân 22 tuổi ở thị xã Sơn Tây.
Theo các chuyên gia y tế, viêm màng não do não mô cầu là 1 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu ở nước ta. Đây cũng là bệnh dễ mắc phải vào mùa hè, có thể cướp đi mạng sống chỉ trong 24 giờ đồng hồ kể từ khi khởi phát triệu chứng. Thậm chí, cứ 2 trong số 10 người mắc bệnh sẽ gặp các di chứng, như: liệt, điếc, thiểu năng trí tuệ…
Ngoài viêm não mô cầu, mùa hè còn là mùa của viêm não Nhật Bản. Ngay đầu tháng 6/2024, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận ca mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm là bé trai 12 tuổi (ở huyện Phúc Thọ). Bệnh nhi khởi phát bệnh với các triệu chứng sốt cao, đau đầu. Một ngày sau đó, bệnh nhi xuất hiện thêm biểu hiện bị cứng gáy, đi lại loạng choạng và được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi T.Ư.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tại Bệnh viện Nhi T.Ư ghi nhận hơn 50 ca viêm não, 10 ca viêm não Nhật Bản và hàng trăm ca viêm màng não do virus, vi khuẩn. Bác sĩ Đào Hữu Nam, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới của bệnh viện bày tỏ lo ngại, với các bệnh viêm não, điển hình là viêm não Nhật Bản, hầu hết trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, sốt cao liên tục, co giật. Thậm chí, nhiều trường hợp rơi vào trạng thái hôn mê, phải điều trị tăng áp nội sọ...
Thời gian gần đây, bệnh bạch hầu xuất hiện trở lại. Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023 đã ghi nhận 58 ca, vượt yêu cầu đặt ra là tỷ lệ mắc dưới 0,05/100.000 dân. Từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 5 ca bệnh, trong đó một ca tử vong là nữ sinh 18 tuổi ở tỉnh Nghệ An. Một người bạn từng ở chung phòng với nữ sinh này cũng đã mắc bệnh và hiện điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thuộc nhóm B. Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, bệnh lây qua đường hô hấp theo hình thức giọt bắn, có thể lây trực tiếp do tiếp xúc với người bệnh khi nói, ho, hắt hơi…; hoặc lây gián tiếp qua tiếp xúc với các dịch tiết chứa vi khuẩn từ niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng. Bệnh nhân bạch hầu thể nặng có biến chứng viêm cơ tim, loạn nhịp tim, suy tim và tử vong. Điều đáng nói, tỷ lệ tiêm vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) trong năm 2023 đạt rất thấp, chỉ 55,7% (trong khi chỉ tiêu đặt ra là hơn 80%). Đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh bạch hầu quay trở lại.
Thời tiết nắng nóng kèm theo mưa cũng tạo thuận lợi cho sự phát triển của muỗi và bọ gậy truyền bệnh sốt xuất huyết. Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 28/6 đến 5/7), trên địa bàn thành phố ghi nhận 118 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 34 trường hợp so với tuần trước đó). Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.058 trường hợp mắc (tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Đánh giá về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trong năm nay, TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng T.Ư cho biết, tại Việt Nam, dịch sốt xuất huyết thường có số mắc tăng cao từ tháng 6 đến tháng 11 hằng năm và hiện không còn tuân theo chu kỳ ba - bốn năm lại bùng phát. Minh chứng là năm 2023 tuy không phải năm chu kỳ của dịch nhưng toàn thành phố có hơn 40.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, cao nhất từ trước tới nay. Do đó, năm nay, theo quan sát các điều kiện khí hậu, thời tiết mưa nắng thất thường, dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ khó có thể giảm hơn so với năm 2023.
Ý thức của người dân rất quan trọng
Tối 9/7, Bộ Y tế có Công điện số 840/CĐ-BYT về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè năm 2024 gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.
Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, hiện nay, một số dịch bệnh lưu hành trong nước như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi đang có xu hướng gia tăng, đồng thời cũng ghi nhận rải rác các trường hợp mắc một số bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vaccine.
Trên phạm vi cả nước hiện đang trong giai đoạn thời tiết mùa hè nắng nóng, mưa nhiều. Đồng thời, đây cũng là cao điểm du lịch hè 2024 với nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao. Do đó, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm trong mùa hè gia tăng, nhất là với sởi và sốt xuất huyết.
Để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm mùa hè năm 2024, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo chính quyền các cấp và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương, đơn vị về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Ngoài ra, Sở Y tế và các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế. Thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch. Đồng thời, tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng bệnh.
“Thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc chương trình Tiêm chủng mở rộng bảo đảm an toàn, hiệu quả. Rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi. Vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích việc tiêm vaccine phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai”, Bộ Y tế lưu ý.
Cùng với công tác tiêm chủng, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương bảo đảm tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong. Mặt khác, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh và cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về các biện pháp phòng lây nhiễm cho bệnh nhân và người chăm sóc bệnh nhân.
“Để phòng, chống dịch bệnh, ý thức người dân vô cùng quan trọng. Cụ thể, người dân nên đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người; thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
Đồng thời, người dân cần giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng; ăn chín, uống sôi; tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở….”, PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo.