Xuất khẩu đối mặt nhiều thách thức

Trong năm 2022, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam thật sự ấn tượng khi thu về hơn 372 tỷ USD, xuất siêu gấp hơn ba lần so năm 2021. Tuy vậy, những khó khăn của kinh tế thế giới trong ngắn hạn dẫn đến sự sụt giảm của nhu cầu tạo áp lực không nhỏ lên mục tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Yêu cầu chất lượng hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường đối tác ngày càng đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản.
Yêu cầu chất lượng hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường đối tác ngày càng đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản.

Áp lực thiếu đơn hàng

Dự báo về tình trạng thiếu đơn hàng xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2023 nay đã thể hiện rõ. Thực tế không mong muốn này buộc nhiều doanh nghiệp phải giảm lao động thời vụ, công nhân nghỉ luân phiên và dừng một số dây chuyền, điển hình là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Đối với dệt may, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân cho biết, hiện các doanh nghiệp thành viên đang đối diện rất nhiều khó khăn, tỷ lệ tồn kho lên tới khoảng 40%, các đơn hàng mới từ tháng 8/2022 đến quý I/2023 cũng ít đi. Còn đối với thủy sản, theo chia sẻ của Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe, đơn hàng đầu năm cũng rất ít, dường như đếm trên đầu ngón tay…

Nỗi lo ngại của các doanh nghiệp được phản ánh ngay trong sự sụt giảm đáng kể của kim ngạch xuất, nhập khẩu trong tháng 1/2023. Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, xuất khẩu ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so tháng trước, trong đó: khu vực kinh tế trong nước đạt 6,44 tỷ USD, giảm 18%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 18,64 tỷ USD, giảm 12%. So cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2023 giảm 21,3%, điển hình như: điện thoại 18,6%, máy tính 11,5%, máy móc thiết bị 25,2%, dệt may 30,7%, gỗ và sản phẩm gỗ 29,8%... Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21,3% so tháng trước, giảm 28,9% so cùng kỳ năm trước.

Về thị trường, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 7,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 8,1 tỷ USD. Ngoài việc tháng 1 năm nay trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, thì kinh tế thế giới khó khăn, nhu cầu tiêu dùng xuống thấp, dẫn tới giá trị đơn hàng giảm được Bộ Công thương nhận định là nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu trong tháng đầu năm bị sụt giảm.

Ðòi hỏi nhiều nỗ lực

Theo Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải, sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 do vậy sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột tại Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới. Mặc dù vậy, Thứ trưởng Công thương nhận định, với việc thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) và việc đẩy mạnh chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực cũng sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu trong năm 2023.

Trong bối cảnh nhiều yếu tố biến động khó lường ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, các chuyên gia kinh tế cho rằng: việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD so năm 2022 gặp rất nhiều khó khăn. Thách thức đầu tiên được các chuyên gia kinh tế chỉ ra đó là: tình trạng thiếu đơn hàng, khi rất nhiều đơn hàng xuất khẩu của hầu hết các ngành hàng tiêu dùng bị cắt giảm, hoãn hoặc hủy và nhiều doanh nghiệp không ký được đơn hàng mới, bởi áp lực lạm phát từ nhiều quốc gia, trong đó có những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Thách thức thứ hai là áp lực tài chính đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Tình trạng thiếu vốn, tiếp cận vốn khó khăn do áp lực lãi vay tăng cao, tỷ giá ngoại tệ biến động tăng, chi phí nguyên vật liệu đầu vào vẫn tăng và đứng ở mức cao, trong khi các doanh nghiệp phần lớn khó khăn do phải chống chịu các tác động, ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 suốt hơn hai năm qua. Cùng với đó là các thách thức về yêu cầu chất lượng hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường đối tác ngày càng đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị: Nhà nước cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, các hoạt động đối ngoại, các hợp tác song phương và đa phương để duy trì, mở rộng và tìm kiếm thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của các ngành, lĩnh vực có lợi thế và thế giới có nhu cầu; đồng thời, nỗ lực cải cách hành chính, giảm chi phí logistics, đẩy mạnh hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Những rào cản thương mại được dự báo sẽ xuất hiện nhiều hơn trong thời gian tới, bởi hiện nay lạm phát, sức mua giảm đang là khó khăn chung của hầu hết các thị trường. Do đó, giải pháp được đề ra là làm sao dự báo và khắc phục được các rào cản đó, tận dụng các thị trường hiện có, các hiệp định đã ký kết; thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa với thị trường Trung Quốc khi Trung Quốc đã mở cửa trở lại.

Từ thực tế khối doanh nghiệp FDI ngày càng chiếm ưu thế trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhất là trong năm 2022 vừa qua, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI lên tới hơn 74%, các chuyên gia cũng lưu ý: điều này cho thấy khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước khai thác các lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian qua không tốt bằng các doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp trong nước chậm hơn các doanh nghiệp FDI về mức độ chuyển dịch lên chuỗi cao hơn. Đây cũng chính là một trong những thách thức mà cơ quan quản lý nhà nước cần thẳng thắn nhìn nhận để kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp, nhằm khai thác một cách hợp lý, hiệu quả các nguồn lực trong nước và nước ngoài.