Xây dựng hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam

Tròn một năm sau dấu mốc đặc biệt - Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24/11/2021), rất nhiều chương trình, hành động để xây dựng, phát triển các lĩnh vực của đời sống văn hóa đã được triển khai trên cả nước, mang tới những tác động tích cực, đặc biệt trong nâng cao nhận thức xã hội. Trò chuyện với Nhân Dân cuối tuần, TS Nguyễn Viết Chức , nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh tới việc cần xây dựng hệ giá trị văn hóa con người trong tình hình mới.
0:00 / 0:00
0:00
Xây dựng hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam

- Thưa ông, Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 đã tạo nên những tác động như thế nào tới đời sống đất nước, trong một năm qua?

- Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII đã nhấn mạnh đến việc tập trung xây dựng phát triển con người, phát triển công nghiệp văn hóa, văn hóa trong chính trị, kinh tế. Sau Đại hội, để triển khai tinh thần đó thì việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc là rất kịp thời. Hội nghị đã bàn đến việc xây dựng văn hóa, hệ giá trị con người trong thời kỳ mới, xây dựng môi trường văn hóa, coi đây là một vấn đề quan trọng, bởi văn hóa là do con người tạo ra. Có môi trường văn hóa tốt mới có thể nuôi dưỡng được con người tốt.

Một năm là khoảng thời gian chưa nhiều và chưa thể đánh giá được những thành tựu rõ rệt trong việc triển khai, lan tỏa tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Nhưng ta có thể thấy rõ, trong và sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, toàn Đảng, toàn dân ta đã nhận thức lại, đúng đắn hơn, toàn diện hơn về văn hóa và phát triển văn hóa. Rằng trong một xã hội phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chúng ta phải quan tâm nhiều đến văn hóa chứ không chỉ lo chuyện phát triển kinh tế, cơm ăn áo mặc. Văn hóa không phải chỉ là chuyện giải trí, đàn ca hát múa mà còn là những chuyện lớn hơn, đặc biệt là con người. Khi đã nhận thức đúng thì sẽ có hành động và bố trí nguồn lực để đầu tư cho văn hóa.

Trong một năm qua, nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức hội nghị, tọa đàm, và xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Như Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" có mục tiêu là tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững. Hay Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo để xây dựng Nghị quyết "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững"…

Xây dựng hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam ảnh 1

Hà Nội đặt mục tiêu phát triển toàn diện ngành công nghệ văn hóa cả về quy mô, chất lượng.

- Nhiều ý kiến cho rằng, trong việc xây dựng hệ giá trị con người, giáo dục có vị trí rất quan trọng để bồi đắp nên những con người văn hóa, cộng đồng văn hóa. Ông có chia sẻ gì về điều này?

- Theo nghĩa rộng, giáo dục cũng là văn hóa. Những năm qua, giáo dục còn những khiếm khuyết, nhất là những lùm xùm về sách giáo khoa, về phương pháp dạy học. Nhưng công bằng mà nói thì giáo dục của nước ta cũng đã có rất nhiều thành tựu, học sinh, sinh viên của ta được giải cao trong các cuộc thi quốc tế. Việt Nam cũng vinh dự có 10 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng trên thế giới. Tất nhiên, thành tựu đó là kết quả của cả một quá trình dài hạn trong đào tạo, giáo dục, thể hiện tầm nhìn của Đảng về giáo dục, văn hóa.

Nhìn theo chiều sâu, giáo dục ở nước ta đã góp phần bồi đắp con người Việt Nam có truyền thống yêu nước, tôn sư trọng đạo, tinh thần tương thân tương ái. Chúng ta có thể nhìn thấy những hành động rất đẹp, rất Việt Nam trong đại dịch Covid-19, nhiều cụ già, em bé chia sẻ những đồng tiền tiết kiệm của mình cho người nghèo, cho công tác phòng, chống dịch. Có người nông dân nuôi được con lợn, sẵn sàng chia sẻ cho cộng đồng lúc đói kém… Trong thế giới hiện đại rất cần sự chia sẻ và những hành động đẹp như thế. Và trong khi Việt Nam đang trở thành đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, thì sự chia sẻ ấy cũng góp phần tạo nên thương hiệu của đất nước ta, một đất nước nhân văn, nhân đạo, khoan dung.

Xã hội thay đổi, hệ giá trị cũng đã thay đổi so trước kia và việc điều chỉnh cách giáo dục là rất quan trọng. Thí dụ giáo dục về lòng yêu nước. Yêu nước ngày xưa là lên đường đánh giặc, nhưng nay yêu nước là phải có trách nhiệm với đất nước. Từ người nông dân đến cán bộ, công chức, phải góp sức xây dựng đất nước, để đất nước phát triển, không tụt hậu. Người cản đà phát triển đất nước đang đi lên là thiếu văn hóa.

- Vậy có thể khẳng định thêm, hành vi tham nhũng, trục lợi cá nhân là vô văn hóa, cản trở sự phát triển của đất nước. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

- Tôi nghĩ rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một trong những việc góp phần xây dựng văn hóa nói chung, văn hóa công vụ nói riêng. Từ trong gia đình ông bà, cha mẹ là những người phải nêu gương, ngoài xã hội đảng viên, cán bộ cũng phải nêu gương, đó mới là văn hóa. Thời gian qua xuất hiện nhiều vụ án tham nhũng là do tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, khi các giá trị vật chất gia tăng trong xã hội, lòng tham cũng sinh ra từ đấy. Khi lòng tham nổi lên thì con người ta phải mưu mô, kéo bè kéo cánh thì mới lấy được tiền. Công tác phòng, chống tham nhũng được làm rốt ráo, cho thấy sự quyết tâm của Đảng và văn hóa Đảng cũng đã thay đổi. Đảng công khai các đại án tham nhũng và xử lý nghiêm đối tượng, là cách làm để chỉnh đốn Đảng, giúp cho việc phục vụ nhân dân được tốt hơn.

- Thưa ông, để lan tỏa tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc, góp phần phát huy sức mạnh của văn hóa, giá trị của con người Việt Nam mới trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, thời gian tới cần phải thực hiện những giải pháp nào?

- Mỗi giai đoạn văn hóa có một yêu cầu nhất định. Văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mọi người chứ không chỉ với những người trực tiếp làm văn hóa. Để phát triển văn hóa, trước hết, phải xây dựng được hệ giá trị văn hóa, tạo chuẩn mực giúp con người có điểm tựa nhận thức. Ngành văn hóa cần phân tích, nghiên cứu từ thực tiễn để đề xuất những hệ giá trị phù hợp với tình hình mới. Tôi xin nhấn mạnh tinh thần cầu thị chứ không cầu toàn thì việc này mới có thể hoàn thành. Không cá nhân, tổ chức nào có thể đưa ra hệ chuẩn hoàn hảo cả, yêu cầu của cuộc sống và nhân dân sẽ hoàn thiện nó. Khi con người không có hệ giá trị riêng để hướng tới sẽ khiến xã hội không có những chuẩn mực, dẫn đến những hành vi sai trái. Điều đó càng nguy hiểm hơn với đội ngũ cán bộ cấp cao, cấp chiến lược, hệ lụy của những việc này rất lớn và lâu dài.

Thứ hai, phải tiếp tục nâng cao nhận thức cho toàn dân, từ Trung ương đến địa phương, nhất là người làm trong lĩnh vực văn hóa về tầm quan trọng của văn hóa đối với sự tồn vong của một dân tộc.

Thứ ba, chúng ta bước vào giai đoạn mới trong hội nhập quốc tế, nên mọi ngành, mọi cấp phải kiểm kê, đánh giá có chuyên môn về tài sản văn hóa của mình, làm hành trang cho sự phát triển. Cái gì chưa đúng, còn xộc xệch thì phải chỉnh cho ngay ngắn. Cái gì có giá trị thì bảo tồn, gìn giữ, phát huy nó.

Thứ tư, chúng ta cần xây dựng một chương trình giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới bằng hành động cụ thể, rõ rệt và dễ thấm thía.

Thứ năm, phải đặc biệt chú trọng đến công tác bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ văn hóa, tạo ra lực lượng cán bộ có chuyên môn cao, đạo đức tốt; phải quán triệt được tư duy: văn hóa phải cho dân thụ hưởng, phải quan tâm đến dân. Những lĩnh vực khác dân đã thụ hưởng rồi, văn hóa dân càng phải được thụ hưởng.

Thứ sáu, tuyên truyền đề cao văn hóa truyền thống, có thông tin về những mặt yếu kém cần khắc phục, phê phán hành vi lệch chuẩn phi văn hóa, đồng thời cổ vũ những tấm gương tốt trong lĩnh vực văn hóa. Trong vấn đề tuyên truyền, cần sớm loại bỏ tư duy cổ vũ cho lối sống hưởng thụ, thượng lưu. Thí dụ như trong chuyện quảng cáo nhà ở, người ta đang cổ vũ lối sống đẳng cấp, thượng lưu mà không đề cao sự liêm khiết, sự trong sáng, cùng hưởng.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!