NSƯT Thu Huyền:

Vững tin vào sức sống của nghệ thuật chèo

Tháng giêng. Giữa nao nức mùa xuân, tiếng trống chèo như cộng hưởng thêm những xôn xao trong lòng người trẩy hội ở các làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bên mùa xuân mới, NSƯT Thu Huyền, Phó Giám đốc điều hành Nhà hát Chèo Hà Nội, chia sẻ với chúng tôi những kỷ niệm với chiếu chèo và hy vọng, niềm tin của chị vào một mùa mới của nghệ thuật chèo trong đời sống hôm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Vai Thị Mầu (vở chèo Quan Âm Thị Kính) của NSƯT Thu Huyền đã trở thành một trong những vai diễn mẫu mực của sân khấu Nhà hát Chèo Hà Nội.
Vai Thị Mầu (vở chèo Quan Âm Thị Kính) của NSƯT Thu Huyền đã trở thành một trong những vai diễn mẫu mực của sân khấu Nhà hát Chèo Hà Nội.

Tiếng hát chèo thân thuộc với mùa xuân

- Chị nổi tiếng với vai Thị Mầu trong vở chèo Quan Âm Thị Kính từ khi còn rất trẻ, có lẽ mới ngoài 20 tuổi. Chị nhập môn với nghệ thuật chèo từ khi nào?

- Lúc bé, tôi tham gia sinh hoạt ở Câu lạc bộ thiếu nhi thuộc Nhà Văn hóa huyện Đông Anh (TP Hà Nội) nhưng là hát ca khúc dành cho trẻ em. Gia đình tôi không có truyền thống nghệ thuật dù mẹ tôi là người rất yêu ca hát, bà từng đi dựng tiết mục biểu diễn cho các phong trào ở địa phương. Tôi chỉ thấy thật sự xốn xang với chèo khi xem vở Nàng Sita qua chiếc TV đen trắng. Tôi vẫn nhớ, lúc ấy tôi chỉ mới hơn 10 tuổi. Năm tôi 14 tuổi, Đoàn Chèo Hà Nội (nay là Nhà hát Chèo Hà Nội) tuyển diễn viên, tôi đăng ký dự thi và được chọn vào học dự thính. Cứ sau sáu tháng, Đoàn lại sát hạch một lần và tôi luôn nằm trong diện dễ bị loại... vì còi cọc, nhỏ con quá! Nhưng tôi được các thầy cô thương vì học chăm chỉ, lại có năng khiếu. Thế là cứ cố, cố mãi, tôi cũng học xong hệ trung cấp chèo ba năm. Tôi chọn vai Thị Mầu để làm bài tốt nghiệp và được giữ lại làm diễn viên của Đoàn. Sau đó, tôi thường xuyên được diễn ở Câu lạc bộ của Đoàn tại số 15 phố Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.

- Vở Nàng Sita được coi là chèo "cải biên", hẳn là có khác nhiều so với những làn điệu chèo truyền thống mà tôi tin rằng, chị ít nhiều có nghe từ thuở nhỏ?

- Khi còn nhỏ, tôi đã không thấy chiếu chèo sân đình như thời các cụ xưa vẫn làm mà chèo được đưa vào sân khấu hộp như cách biểu diễn hiện nay. Dù vậy, tôi vẫn rất nhớ tiếng trống chèo trong các hội làng và nhất là trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngày xuân với người Việt không thể thiếu âm thanh quen thuộc của những câu hát í a gần gũi. Nó là hồn cốt dân tộc.

- Nên cũng dễ hiểu vì sao, các nghệ sĩ, diễn viên chèo đều rất bận rộn mỗi dịp xuân về?

- Đúng vậy, chúng tôi đi khắp các làng quê, đón không khí Tết ở nông thôn, có khi lên tận Tây Bắc, vào đất mũi Cà Mau. Ngày Tết, trong khi người người, nhà nhà tất tả sắm Tết cho gia đình thì mình cũng tất tả nhưng là đi làm, phục vụ tại các chương trình nghệ thuật ở khắp nơi (cười).

Thí dụ như Cà Mau không phải là đất của chèo, khán giả ở đây thường yêu thích đờn ca tài tử, nhưng khi chúng tôi tới biểu diễn, khán giả vẫn đón nhận rất nhiệt tình. Bởi ở Đất Mũi, không chỉ có người miền nam mà còn có nhiều người gốc bắc vào đây lập nghiệp. Những câu hát í a mang tới cho khán giả nơi đây cảm giác rộn ràng của mùa xuân cùng nỗi nhớ quê nhà. Còn khán giả miền nam mới đầu nghe chèo chưa thích ngay nhưng càng theo dõi chúng tôi biểu diễn, họ càng thấy hay.

Ở vùng núi cao Tây Bắc, chèo cũng được khán giả đón nhận theo cách rất khác. Dù thời tiết lạnh giá, nhưng bà con dân tộc đã đi bộ nhiều cây số đến xem biểu diễn. Họ còn địu theo cả con nhỏ, đến từ sớm để chờ, thật sự rất cảm động. Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời nghệ sĩ của tôi.

Tận tụy với nghề, nghề sẽ không phụ

- Theo thời gian, công chúng của nghệ thuật chèo truyền thống hiện nay không còn được đông đảo như xưa. Đây là nhận định chung nếu nhìn vào lượng khán giả đến với các buổi diễn chèo ở một số nhà hát nơi đô thị. Từ thực tiễn hoạt động, chị có thể chia sẻ về điều này?

- Ở các làng quê, dịp hội xuân, bao giờ các bậc cao niên cũng muốn mời bằng được người của các nhà hát chèo, đoàn chèo về diễn, tức là nghệ thuật chèo hiện nay vẫn tiếp tục nhận được sự yêu mến của khán giả. Nhưng kèm theo đó là sự thật khác, lượng vé bán ngoài rạp không đáng kể, có buổi chỉ được 20-30 vé trong khi giá vé cũng chỉ xê dịch từ 200 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng. Thuận lợi là các nhà hát và đoàn chèo hiện nay vẫn được sự bao cấp, hỗ trợ của Nhà nước cũng như vẫn luôn còn các nghệ sĩ muốn gắn bó với nghề, đem nghệ thuật chèo đến mọi người.

Tin vui đầu năm là trong năm 2023, Đề án "Sân khấu học đường" sẽ trở lại với học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội. Thù lao từ những buổi biểu diễn cho học sinh, sinh viên dù không nhiều, nhưng các nghệ sĩ chúng tôi đều rất hào hứng cùng bàn bạc triển khai kế hoạch. Chúng tôi lại có cơ hội giới thiệu đến các em nét đẹp của nghệ thuật chèo. Hy vọng của chúng tôi là Đề án sẽ góp phần xây dựng được lớp khán giả sau này cho nghệ thuật truyền thống. Mỗi năm, mỗi khóa học, các em chỉ cần xem ít nhất là một buổi chèo, cải lương, và được nghe nói chuyện về nghệ thuật truyền thống là tôi tin, hy vọng của chúng tôi dần sẽ thành hiện thực.

- Điểm tựa nào giúp chị tin tưởng vào sức sống của nghệ thuật chèo?

- Tôi đặc biệt có sự vững tin ở các đồng nghiệp trẻ. Thời của chúng tôi vào nghề thuận lợi hơn các em rất nhiều. Vì chúng tôi không có nhiều lựa chọn, yêu thì theo nghề thôi. Còn thời điểm này, khi các em lựa chọn theo chèo trong khi có nhiều loại hình giải trí mới hấp dẫn, tôi cho đó là những người dũng cảm và là điều vô cùng đáng quý, đáng trân trọng. Tuổi nghề của diễn viên chèo khá dài bởi sự đa dạng của các nhân vật từ tích cổ, vở diễn truyền thống đến các kịch bản chèo hiện đại. Vì thế, tôi tin rằng, khi mình đã lao tâm khổ tứ với nghề, hy sinh và làm hết trách nhiệm thì nghề sẽ không phụ bạc với người làm nghề.

Tôi vẫn luôn tin tưởng nghệ thuật chèo, nghệ thuật truyền thống không bao giờ mất đi vì nó là hồn cốt của dân tộc. Đương nhiên, cũng có những lúc "thịnh", khán giả đông đảo, có lúc "suy" vì quá nhiều loại hình nghệ thuật, khán giả của chèo cũng bị phân tâm... Điều quan trọng là chúng ta biết cách duy trì sức sống của bộ môn nghệ thuật truyền thống này bằng nhiều cách làm phù hợp thời đại mới như đào tạo lớp khán giả trẻ, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nghệ sĩ, đưa nghệ thuật chèo vào đời sống bằng các dự án nghệ thuật…

- Chân thành cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!