“Vũ khí” mới phòng, chống lừa đảo qua mạng

Sau hơn chín tháng “thai nghén”, phần mềm phòng, chống lừa đảo qua mạng do Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia triển khai, đang đến những công đoạn cuối cùng để được phát hành chính thức, dự kiến vào tháng 7 tới.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Vũ Ngọc Sơn trình bày về cách phần mềm có thể phát hiện các đường dẫn nguy hiểm. Ảnh: Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia
Ông Vũ Ngọc Sơn trình bày về cách phần mềm có thể phát hiện các đường dẫn nguy hiểm. Ảnh: Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia

Tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng vẫn tăng mạnh cả về số lượng lẫn tính chất tinh vi và mức độ nguy hiểm. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn như: liên tục thay đổi, sử dụng số điện thoại rác, tài khoản ngân hàng, tài khoản ảo trên mạng xã hội... nhằm trốn tránh, xóa dấu vết sau khi chiếm đoạt tiền.

Trong các nhóm chat liên lạc thường xuyên giữa công an địa phương và người dân trên địa bàn, các cán bộ luôn cập nhật liên tục cảnh báo về nhiều hình thức lừa đảo qua mạng. Đặc biệt, có cả các đối tượng giả danh chính lực lượng công an, hướng dẫn người dân tải các phần mềm “Bộ Công an” giả mạo để thu thập thông tin người dùng và chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng.

Điều đáng nói, cho dù được nhắc nhở, cảnh báo thường xuyên, nhưng số vụ việc người dân bị lừa vẫn liên tục gia tăng. Theo Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trong năm 2023, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000 đến 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so năm 2022. Đây mới chỉ là con số dựa trên những vụ việc người dân có trình báo cơ quan công an.

Trước tình hình đó, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia đã lên kế hoạch và triển khai xây dựng phần mềm phòng chống lừa đảo qua mạng. Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu, Tư vấn, Phát triển công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia), kiến trúc sư trưởng dự án phần mềm, cho biết: “Phần mềm được xây dựng trong chín tháng, hiện tại đang ở giai đoạn Alpha. Đây là giai đoạn đã hoàn thiện các tính năng và đang thử nghiệm trong đội ngũ phát triển sản phẩm. Dự kiến tháng 6/2024, phần mềm sẽ chuyển sang giai đoạn Beta - giai đoạn thử nghiệm diện hẹp với một số người dùng tình nguyện. Trong giai đoạn Beta sẽ thu thập ý kiến phản hồi của người dùng, từ đó đội nghiên cứu phát triển có thể có thêm những tinh chỉnh, "làm mịn" sản phẩm. Dự kiến đầu tháng 7/2024, phần mềm sẽ được phát hành chính thức trên hai "chợ ứng dụng" phổ biến nhất hiện nay là Google Play và App Store. Đương nhiên phần mềm sẽ hoàn toàn miễn phí”.

Quá trình xây dựng sản phẩm, đội phát triển phần mềm đã nghiên cứu kỹ các hình thức lừa đảo tại Việt Nam, tìm hiểu khó khăn của người dùng trong nhận diện các thủ đoạn lừa đảo. Từ đó xây dựng năm chốt chặn mà phần mềm có thể hỗ trợ người dân kiểm tra, phát hiện dấu hiệu lừa đảo. Cụ thể gồm: Phát hiện các dấu hiệu không an toàn thông qua kiểm tra số điện thoại, địa chỉ trang web, đường dẫn (link), kiểm tra số tài khoản (trong đó, chức năng kiểm tra số điện thoại giúp người dùng chặn các số lừa đảo có trong cơ sở dữ liệu, hoặc cảnh báo các số quảng cáo làm phiền). Hỗ trợ người dùng quét mã QR trước khi giao dịch, giúp phát hiện các mã QR có dấu hiệu lừa đảo. Với chức năng quét mã độc, người dùng sẽ được cảnh báo khi cài các ứng dụng giả mạo hay có chứa mã độc. Từ đó, có thể phòng ngừa các tình huống mạo danh cơ quan tổ chức, cài app giả, chiếm quyền điều khiển điện thoại.

Ưu điểm lớn nhất của phần mềm này là thông qua tận dụng mạng lưới các thành viên của Hiệp hội, liên kết cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, các tổ chức, công ty an ninh mạng để nhanh chóng kiểm tra và đưa ra khuyến cáo về các địa chỉ trang web, đường dẫn, số điện thoại có trong “danh sách đen” đã được thống kê.

Tuy nhiên, ông Vũ Ngọc Sơn cũng cảnh báo: “Khi có một ứng dụng mới, nhiều người quan tâm bao giờ cũng sẽ có những phần mềm "nhái", giả mạo. Hiện nay, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia chỉ có một địa chỉ website chính thức tại địa chỉ nca.org.vn, người dùng chỉ nên tìm hiểu thông tin và tải phần mềm theo hướng dẫn từ website chính thức này để tránh tải nhầm các phần mềm giả mạo, lừa đảo khác”.

Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia là tổ chức xã hội–nghề nghiệp của công dân và tổ chức Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng (trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước) tự nguyện thành lập nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, đoàn kết bảo đảm an ninh mạng theo định hướng, chiến lược về an ninh mạng góp phần bảo vệ Tổ quốc và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trên nguyên tắc tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.