Vòng luẩn quẩn

Không chỉ "bất di bất dịch" về phương thức từ nhiều chục năm qua, hoạt động đầu tư cho sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật vốn đã bộc lộ nhiều bất cập, làm hạn chế đáng kể hiệu quả. Vậy nhưng, sau rất nhiều xới xáo, bàn thảo, những tồn tại vẫn tiếp tục... tồn tại.

Tổng mức và định mức kinh phí đầu tư là nút thắt lớn nhất, cũng là điều khó tháo gỡ nhất đối với hoạt động đầu tư sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật. Dù đã có sự điều chỉnh về con số trong những năm gần đây, nhưng với danh sách dài các ngành nghệ thuật được thụ hưởng, thì con số thực chi cho từng lĩnh vực đã hạn hẹp lắm. Chưa kể, với mức tài trợ đó, người đứng đầu các hội nghề nghiệp-đơn vị được giao quyền hạn triển khai hoạt động đầu tư trong lĩnh vực của mình, phải chịu rất nhiều sức ép khi tính toán phương án cụ thể. Vừa phải bám sát mục tiêu thúc đẩy sáng tạo, vừa phải "cân, đong, đo, đếm" sao cho bảo đảm quyền lợi hội viên, và không tạo nên xung đột giữa các tên tuổi nghệ sĩ... Mức tài trợ, vì thế, càng trở nên ít ỏi, thiên về... ý nghĩa nhiều hơn.

Dù nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng trên nhiều diễn đàn về sự bất hợp lý và thiếu hiệu quả của phương thức đầu tư dàn trải này, vậy nhưng, khi được tín nhiệm đặt vào vị trí có quyền thay đổi và điều tiết kinh phí, thì tất cả họ đều chọn phương án... giữ nguyên như cũ. Có thể thấy, áp lực từ các hội viên với câu chuyện "một miếng giữa đàng" khiến cho các ý tưởng thay đổi đều không thể thành hiện thực.

Nhìn vấn đề từ một góc độ khác, khi mà thực tế hoạt động nghệ thuật hiện nay cho thấy, rất nhiều lĩnh vực, các nghệ sĩ trẻ ít hào hứng với việc tham gia các hội nghề nghiệp. Và bởi vậy, hầu hết nguồn kinh phí đầu tư của nhà nước đang được phân bổ cho một khu vực sáng tạo nhất định, và phần nào hạn chế trong việc với tay tới những nghệ sĩ trẻ, trong khi, đó là bộ phận đang cần được khích lệ và hỗ trợ để phát triển.

Tạo nền hay đắp đỉnh? Thật ra không khó để có được đáp án cho câu hỏi này. Rất nhiều phương thức đầu tư cho sáng tạo thu hiệu quả thật sự của nhiều quốc gia trên thế giới đã được nghiên cứu, giới thiệu. Từ đó, hoàn toàn có thể tạo nên một công thức riêng phù hợp, cân đối với điều kiện của Việt Nam. Vậy nhưng, để gỡ nút thắt đã nhiều năm làm hạn chế hiệu quả sự đầu tư của nhà nước cho hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật, phải cần sự thay đổi tư duy và vào cuộc thật sự của không chỉ riêng ngành văn hóa, mà cả các ngành chức năng liên quan, và các nghệ sĩ.

Khi và chỉ khi nỗ lực chuyển động, con đường mới có thể mở ra dưới chân mình.