Di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình là nơi diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, tháng 2/1951, Đại hội đầu tiên của Đảng ta được tổ chức ở trong nước, cũng là Đại hội duy nhất được tổ chức ở một địa phương ngoài Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã thông qua Nghị quyết về việc xuất bản Báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam. Từ đó, Kim Bình được xem là nơi "phát tích" của Báo Nhân Dân.
Những lần xác định vị trí di tích
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, từ tháng 9/1953 đến ngày rời Tuyên Quang về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, vùng đất lịch sử thuộc cánh rừng Nà Lơi, thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan được chọn làm nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng; và các cơ quan: Văn phòng Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương… Tại đây, Bộ Chính trị họp và ra nhiều quyết sách quan trọng: Nghị quyết "tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, thắng chắc, đề cao quyết tâm giành toàn thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ" (ngày 19/4/1954); Hội đồng Chính phủ họp bàn về các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế (từ ngày 15-16/5/1954); Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị lần 6 (khóa 2) mở rộng quyết định chuyển cách mạng nước ta từ "kháng chiến đến cùng" sang giai đoạn mới, thực hiện khẩu hiệu hòa bình "thống nhất độc lập dân chủ" (từ ngày 16-18/7/1954). Cũng từ đây, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã lên đường dự Hội nghị Geneve bàn về vấn đề chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Để kịp thời nắm bắt và tuyên truyền chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ, Ban Biên tập Báo Nhân Dân cũng được chuyển về thôn Khuôn Điển cùng các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ. Nhà báo Lê Bình, nguyên Phó Tổng Biên tập, nguyên phóng viên tại Đại hội lần thứ II của Đảng, phóng viên Báo Nhân Dân từ những ngày đầu thành lập đã kể cho tôi trong lần ông về thăm Kim Bình: Ban Biên tập di chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau: lên Kiên Đài (Chiêm Hóa, Tuyên Quang), sang Bắc Kạn, Thái Nguyên. Nhưng ở lâu và quy củ nhất là Kim Quan, Yên Sơn. Lần gặp đó (năm 2004) do vướng công việc ông không thể ở lâu nên hẹn lần sau sẽ lên để về Kim Quan.
Tầm tháng 8/2005, nhà báo Lê Bình trở lại Tuyên Quang. Trong chuyến đi này còn có nhà báo Nguyễn Thọ, từng là sinh viên năm thứ tư Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nguyên họa sĩ trang trí hội trường Đại hội II của Đảng, cũng là người thuộc lớp phóng viên đầu tiên của Báo, sau này là Trưởng Ban Thư ký-Biên tập Báo. Những ngày ở Tuyên Quang, tôi cùng nhà báo Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, nguyên Tổng Biên tập báo Tuyên Quang và các nhà báo lão thành nhiều lần đến Kim Quan để xác định vị trí nơi Ban Biên tập từng đóng trụ sở. Do đã nhiều năm, cảnh vật thay đổi nhiều nên chuyến đi này cũng không thành công. Trước khi chia tay về Hà Nội, nhà báo Lê Bình cứ trăn trở mãi. Ông tâm sự: Khi về đến Kim Quan, nơi đầu tiên Ban Biên tập ở cách chỗ "các Cụ" khoảng 1-2km (khu vực cuối thôn Khuôn Điển ngày nay). Sau thấy bất tiện cho việc chỉ đạo và duyệt thông tin nên đồng chí Hoàng Tùng (khi đó làm Chánh Văn phòng Trung ương) cho chuyển về khu rừng Nà Lơi. Ông nhớ, từ chỗ nhà ở của Ban Biên tập sang tới Văn phòng phải qua Ban Tổ chức Trung ương, mà gần lắm, chỉ hút hết điếu thuốc lá là đến. Phía ngay sau nhà là con sông. Hơn 50 năm trước, nơi đây là khu rừng cổ thụ rậm rạp. Nay, cây rừng chẳng còn mấy, đường ô-tô to rộng nên việc xác định vị trí không thể một sớm, một chiều.
Sau nhiều lần trở lại và tra cứu tài liệu, chúng tôi cũng đã tìm được vị trí di tích cũ với những dấu tích của nền nhà, bếp. Chính là vị trí hiện nay Báo Nhân Dân xây dựng Nhà bia.
Năm 2006, di tích Ban Biên tập Báo Nhân Dân được Bảo tàng Tuyên Quang dựng bia ghi dấu.
Một địa chỉ đặc biệt của báo Ðảng
Ngày 4/10/2022, Ban Biên tập Báo Nhân Dân đã có văn bản gửi Tỉnh Tuyên Quang đề nghị chấp thuận chủ trương xây dựng Nhà bia di tích Báo Nhân Dân thời kỳ kháng chiến. Được sự quan tâm của Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh Tuyên Quang, ngày 24/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành quyết định chấp thuận chủ trương. Các công việc thiết kế, lập dự toán đấu thầu xây dựng đều được tiến hành khẩn trương. Đến ngày 28/2/2023 Nhà bia đã hoàn thành trên diện tích hơn 1.200m2, song song với Khu di tích Quốc gia Kim Quan, đặt trong khuôn viên có nhiều cây xanh kết hợp hài hòa giữa công trình xây dựng và cảnh quan thiên nhiên.
Bia di tích ghi dòng chữ:
Nơi đây, Ban Biên tập Báo Nhân Dân ở và làm việc từ tháng 9 năm 1953 đến tháng 7 năm 1954.
Tại đây, Báo Nhân Dân đã phát hành định kỳ các số báo phản ánh tình hình thời sự trong nước và quốc tế. Báo đã đưa tiếng nói của Đảng, Chính phủ đến toàn thể cán bộ, đảng viên và chiến sỹ cả nước, góp phần đẩy mạnh công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi.
Sự kiện khánh thành công trình vào đúng dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Báo Nhân Dân ra số đầu (11/3/1951-11/3/2023) mang nhiều ý nghĩa đặc biệt, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc với cuộc kháng chiến của dân tộc, với Đảng bộ và nhân dân địa phương; đồng thời đưa địa điểm Ban Biên tập Báo Nhân Dân đã đóng trụ sở trở thành nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ những người làm Báo Nhân Dân, làm giàu thêm ý nghĩa lịch sử của vùng đất cách mạng.