Chương trình “về nguồn” đầy ý nghĩa
Sinh năm 2004 tại Nga, từ khi còn nhỏ, Hà Ngọc Khánh Linh đã được cha mẹ duy trì môi trường học tiếng Việt như ở Việt Nam. “Bố mẹ em luôn nói rằng tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, là thứ ngôn ngữ đầu tiên phải học. Thế nên, tiếng Việt là thứ ngôn ngữ đầu tiên em biết. Mỗi khi ở nhà, bố mẹ đều bảo em phải nói tiếng Việt”, Hà Ngọc Khánh Linh kể. Cùng với cộng đồng người Việt Nam tại Nga, gia đình Khánh Linh luôn cố gắng để duy trì và phát triển văn hóa Việt Nam tại sở tại. Trong gia đình em vẫn giữ các phong tục thờ cúng ngày lễ, Tết, ngày giỗ, ngày rằm… và những nếp sinh hoạt khác của người Việt. Có lẽ nhờ vậy mà nếu tiếp xúc Khánh Linh, không ai nghĩ rằng em sinh ra và lớn lên ở nước ngoài!
Để duy trì sự gắn bó với quê hương, đất nước, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, hằng năm, Khánh Linh đều được cha mẹ cho về Việt Nam. Hiện theo học năm thứ hai chuyên ngành Kinh tế đối ngoại tại một trường đại học ở Nga, Khánh Linh cho biết nếu có cơ hội để làm việc tại Việt Nam, cống hiến cho đất nước thì em sẽ nắm bắt và cố gắng hết mình.
Lê Nguyễn Tùng Chi, kiều bào Malaysia, đang theo học ngành Tài chính ở Đại học New York (Mỹ), đã có nhiều năm làm trợ giảng tại các lớp học tiếng Việt tại Malaysia. Tùng Chi kể lại, trong quá trình tham gia dạy tiếng Việt, em gặp nhiều em nhỏ ba, bốn tuổi đã rất hào hứng học tiếng Việt. Hoặc, cũng có các bạn đã là sinh viên đại học nhưng vẫn không bỏ buổi học nào. Qua những lớp học như vậy, em cảm nhận rõ hơn về giá trị của việc gìn giữ tiếng Việt, cũng như hiểu rõ hơn mong muốn tha thiết gìn giữ tiếng Việt cho con em mình của các cha mẹ người Việt Nam ở nước ngoài.
Ngoài ra, Tùng Chi còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, cộng đồng, quảng bá văn hóa Việt Nam thông qua các buổi biểu diễn violin, piano, múa, trình diễn áo dài… Khi dịch Covid-19 bùng phát, em dạy tiếng Anh trực tuyến miễn phí cho một số nhóm học sinh tiểu học tại TP Hồ Chí Minh.
Khánh Linh và Tùng Chi là hai trong số 120 học sinh, sinh viên kiều bào tiêu biểu đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự Trại hè Việt Nam 2023 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNN NVNONN), Bộ Ngoại giao tổ chức. Với chủ đề “Tuổi trẻ Việt Nam đồng hành vươn tới tương lai”, Trại hè Việt Nam 2023 diễn ra từ ngày 18/7 đến ngày 2/8/2023 tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Trong đó, lễ khai mạc được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội và lễ bế mạc sẽ diễn ra tại TP Đà Nẵng.
Ông Đinh Hoàng Linh, Vụ trưởng Thông tin - Văn hóa, UBNN NVNONN cho biết, điểm mới của Trại hè Việt Nam 2023 thể hiện ở chủ đề “Tuổi trẻ Việt Nam đồng hành vươn tới tương lai”. Theo đó, nhấn mạnh vai trò của thanh niên, sinh viên kiều bào đồng hành với khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đã được nêu tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. “Các hoạt động của Trại hè Việt Nam 2023 được thiết kế gắn kết chặt chẽ với chủ đề này, với ý nghĩa qua chương trình, các em có cơ hội thể hiện bản thân, tìm tòi, kết nối với trong nước để ấp ủ kế hoạch và triển khai thêm nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể, đồng hành cùng đất nước”, ông Đinh Hoàng Linh nói.
Trong chương trình “về nguồn” này, học sinh, sinh viên kiều bào tiêu biểu sẽ được tham quan nhiều địa danh lịch sử như Hoàng thành Thăng Long, TP Hà Nội, Khu di tích lịch sử Lam Kinh, tỉnh Thanh Hóa; thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, địa đạo Vịnh Mốc, tỉnh Quảng Trị; thăm Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Trường Sơn. Các em cũng sẽ được trải nghiệm các hoạt động văn hóa, nghệ thuật như xem hát xẩm, hát xoan, tham quan các danh thắng của đất nước như quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình; tham quan động Phong Nha - Kẻ Bàng…
Các em được học gói bánh chưng. |
Kết nối thế hệ trẻ trong và ngoài nước
Ngoại trừ hai năm 2020-2021 bị gián đoạn do tác động của đại dịch Covid-19, Trại hè Việt Nam là chương trình thường niên được UBNN NVNONN phối hợp các cơ quan hữu quan tổ chức liên tục từ năm 2004. Đến nay, đã có hơn 2.000 thanh niên, sinh viên NVNONN về thăm Tổ quốc theo chương trình. Nhiều em trong số này đã trưởng thành, tham gia tích cực và trở thành hạt nhân của cộng đồng; có một số em đã trở về và đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Trại hè đã trở thành vòng tay kết nối nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam ở nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới, đồng thời cũng kết nối với thế hệ trẻ trong nước. Đây là nền tảng quan trọng cho khối đại đoàn kết dân tộc, là nguồn lực vô cùng quý báu cho Tổ quốc.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm UBNN NVNONN Lê Thị Thu Hằng cho rằng, những thành tựu phát triển của đất nước có sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bằng cả vật chất và tinh thần. Tương lai, các học sinh, sinh viên kiều bào sẽ là những người tiếp nối ông bà, cha mẹ mình; một mặt nỗ lực học tập, phấn đấu xây dựng sự nghiệp riêng, nhưng đồng thời cũng luôn duy trì sự gắn bó với quê hương Việt Nam, và trong khả năng của mình, góp sức xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, mong muốn sẽ nhận được sự chung sức, đồng hành và đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là lực lượng thanh niên để cùng tìm ra những giải pháp hiệu quả, thiết thực, giúp thành phố Hà Nội giải quyết cơ bản các vấn đề đang gặp phải nhằm phát triển nhanh và bền vững.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Công Thủy cũng tin tưởng và hy vọng rằng, khi trở về nơi mình đang sinh sống, các học sinh, sinh viên kiều bào sẽ đẩy mạnh phong trào thanh niên, sinh viên kiều bào; kết nối và phối hợp cùng thanh niên, sinh viên trong nước tạo thành mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống, học tập, làm việc và luôn hướng về quê hương, đất nước; cố gắng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và tiếng Việt.
Được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng bằng khen vì thành tích cao trong học tập và có những đóng góp tích cực cho cộng đồng sở tại, em Trần Hà Phương, 16 tuổi, đến từ Thủ đô Vientiane (Lào), nói đây sẽ là động lực để em tiếp tục phấn đấu hơn nữa trong học tập, rèn luyện, có thêm thật nhiều hoạt động tích cực cho cộng đồng và sẽ luôn hướng về quê hương Việt Nam dấu yêu. Trần Hà Phương cũng mong muốn sẽ có thêm nhiều “sân chơi” được tổ chức để thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài có thể đồng hành với các bạn trẻ trong nước thúc đẩy sự phát triển của đất nước.