Kỳ 1: Những sự khởi đầu
Hệ thống sông Nguyên Bình có ba con sông lớn: sông Nguyên Bình, sông Nhiên, sông Năng. Nhưng, “Ở mỗi nơi nó lại mang một cái tên, dù vẫn dòng chảy đó, nên tên gọi cũng tương đối thôi”, Hà giải thích.
Thử lật lại lịch sử ngành điện
Một số tài liệu ghi nhận nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam là Nhà máy thủy điện Ankroet (Lâm Đồng) được khởi công xây dựng từ năm 1942 và đi vào hoạt động năm 1945. Tuy nhiên, Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, lại cho rằng có đủ tài liệu để chứng minh, Cao Bằng mới là nơi xuất hiện nhà máy thủy điện đầu tiên. Trong cuốn “Điện lực Việt Nam - Quá trình phát triển”, bộ sách sử ngành điện mà ông Nê là thành viên biên tập, có ghi “Nhà máy thủy điện đầu tiên ở nước ta là nhà máy thủy điện Tà Sa - Nà Ngần 825kW-750kW. Trang 30 cuốn sách cũng thống kê thủy điện Tà Sa xây dựng năm 1927, công suất 0,825MW, thủy điện Nà Ngần xây dựng năm 1928, công suất 0,75MW. Những nhà máy này được xây dựng nhằm mục đích cung cấp điện cho mỏ thiếc Tĩnh Túc, phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp. Năm 1927 được ghi nhận trong sách của ngành điện như một năm mở đầu cho thủy điện ở Việt Nam.
Tuy nhiên, khi tìm lại một số tư liệu Pháp, thì thủy điện Tà Sa, dường như đã xuất hiện sớm hơn thế. Trong lưu trữ về Công ty Thiếc và Wolfram Bắc Kỳ (Công ty khai thác mỏ Tĩnh Túc đầu thế kỷ 20), một nhà máy điện đã xuất hiện tại Tà Sa từ năm 1917. Theo một bài báo trên Tạp chí Khai khoáng và luyện kim (L’Écho des mines et de la métallurgie, xuất bản ngày 14/7/1918, trang 347-348), thì “Một nhà máy điện đã được xây dựng tại Tà Sa và đi vào hoạt động vào năm 1917. Nhà máy này có công suất 500CV (mã lực) và có thể tăng lên 1.000 mã lực”. Bài báo này cũng ghi rõ, người ta đã xây một đập bê-tông cốt thép dài 40m chứa nước, một cây cầu nối liền Cao Bằng - Nguyên Bình để đi qua con đập này. Vị trí cây cầu có khả năng là cầu Tà Sa hiện tại. Cùng với đó, người ta cho đào một con kênh dài 1.500m đi theo một đường hầm dài 50m dẫn nước, cùng một hệ thống ống dẫn nước gồm các ống đường kính 650m/m, dẫn nước từ độ cao 60m. Vào thời điểm đi vào hoạt động, nhà máy có hai tổ máy công suất 230kW/mỗi tổ.
Năm 1920, trong một tin vắn về tình hình khai thác vonfram ở Tonkin trên Tạp chí Đường sắt (Le Journal des chemins de fer, xuất bản ngày 16/10/1920, trang 348), họ dùng từ “nhà máy thủy điện”, chứ không chỉ là “nhà máy điện”: “Một nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động thời điểm này với công suất 500 mã lực và có thể tăng lên tới 1.200 mã lực bằng cách bổ sung vào các tổ máy mới”.
Chi tiết nhà máy thủy điện với công suất 0,285kWh như trong sách của ngành Điện lực mô tả, được đề cập tới trong Tạp chí Thức tỉnh kinh tế Đông Dương (L’Éveil économique de l’Indochine, xuất bản ngày 10/6/1928), cho biết “Công ty Thiếc và Wolfram Bắc Kỳ đã xây dựng một nhà máy thủy điện tại Tà Sa, trên sông Nguyên Bình. Đó là một nhà máy thủy điện gồm ba tổ máy công suất 230kW mỗi tổ máy”. Không rõ hai nhà máy thủy điện Tà Sa có nằm cùng vị trí hay không và thời điểm từ 1920 đến 1928, nhà máy thủy điện cũ đã vận hành ra sao. Nhưng có thể thấy, dòng sông Nguyên Bình đã là nơi lý tưởng để người Pháp làm điện vận hành cho mỏ thiếc lộ thiên lớn ở Việt Nam.
Về Nhà máy thủy điện Nà Ngần/ Nà Ngàn, huyện Nguyên Bình có hai địa danh Nà Ngần (xã Hoa Thám) và Nà Ngàn (xã Trương Lương). Có vẻ như thủy điện xây dựng năm 1928 là thủy điện Nà Ngàn, cũng tận dụng dòng chảy sông Nguyên Bình. Còn Nà Ngần, hiện chỉ có một dự án thủy điện đang bị bỏ hoang từ nhiều năm nay, nằm trên dòng sông Nhiên.
Rừng đầu nguồn
Nếu phía Tĩnh Túc với dòng Nậm Kép, Nguyên Bình là dấu ấn của một thời vắt kiệt mình dưới ách thực dân, thì chỉ cách Nguyên Bình không xa, là một nhánh sông khác - sông Nhiên lại mang dấu ấn của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Trên bản đồ, sông Nhiên chỉ “ló ra” ỏ phía xã Hoa Thám, rồi xuôi về thành phố Cao Bằng trở thành sông Hiến. Trước đó, sông Nhiên len lỏi trong các bản làng Nguyên Bình, lấy nước từ dãy Khau Giáng, nơi có đỉnh Slam Cao lịch sử, vận hành theo vô vàn dòng chảy không có tên cố định. Nông Thị Hà nhắc lại rằng ở đây, sông hay suối chỉ có ý nghĩa tương đối, những dòng chảy đan cài, nối nhau, chứ không phân tách, cũng không phân định rạch ròi tên gọi. Chẳng hạn như sông Nhiên, dù trên bản đồ địa chính ghi tên như vậy, cầu qua sông cũng là sông Nhiên, nhưng có người gọi sông Hiến, có người gọi sông Nhiên, người dân ở chính Tam Kim lại gọi là suối Tam Kim.
Dọc dòng chảy sông Nhiên là đắm chìm trong không gian lịch sử. Khu rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim) có thể là nơi góp nước đầu tiên cho dòng chảy sông Nhiên. Khu rừng nơi ghi dấu sự ra đời của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày 22/12/1944. Từ chân núi, cần phải đi qua gần 600 bậc thang mới tới đỉnh Slam Cao. Đó là nơi đồng chí Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã quan sát đồn Phai Khắt để quyết định trận đánh đầu tiên của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 17 giờ ngày 25/12/1944. Thời gian dâu bể đã khiến những cánh rừng đổi khác, từ trên đỉnh Slam Cao, tầm nhìn cũng đã bị che khuất, không còn nhìn rõ di tích đồn Phai Khắt - nó nằm im lặng bên cầu Phai Khắt, nhìn ra suối Tam Kim, con số 1940 - năm xây dựng đồn - vẫn còn rõ ràng trên đó.
Men theo dốc núi đi thêm hơn 700 bậc thang nữa, là địa điểm cây sấu di sản, cũng là nơi đội quân 34 người ra đời. 34 người lính năm xưa, giờ đều đã về gặp Bác Hồ. Mà rừng già, lán cũ đều thay đổi. Duy chỉ dòng chảy từ mó nước nuôi quân, vẫn róc rách. Ông Hà Văn Thành, người Tam Kim, liêu xiêu bên mó nước sau một cuộc gặp gỡ bạn bè “Lâu lắm lâu lắm, từ khi chưa làm con đường này, nước ở đây đã ngọt như thế này”. Từ thời cụ kị, từ những ngày ông bà ông còn kể chuyện về khu rừng chống Pháp này, mó nước này đã thế. Năm đó, sau khi cùng nhau hô 10 lời thề, những người chiến sĩ đã ăn bữa cơm không rau, không muối, để thể hiện quyết tâm vượt mọi gian khổ, chiến đấu đến cùng vì ngày thắng lợi.
Từ cầu Phai Khắt, lại men theo suối Tam Kim, đi về hướng Nà Ngần, đi qua những Nà Và, Nà Dủ, tới Hoa Thám, nơi con sông Nhiên (sông Hiến) chính thức lộ mặt trên bản đồ, chính thức thành sông sau những lần góp nước từ suối. Nà Ngần là nơi đã ghi dấu ấn chiến thắng thứ hai của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày 27/12/1944. Chiến thắng Phai Khắt - Nà Ngần đã mở đầu cho truyền thống đánh thắng trận đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam.
(Còn nữa)