Từ chuyện án phạt của Everton

Không hề thi đấu trong giai đoạn tập trung các đội tuyển quốc gia, nhưng CLB Everton bất ngờ “rơi” từ vị trí thứ 14 xuống 19, hiện thuộc nhóm “cầm đèn đỏ” của Premier League. Họ trở thành CLB đầu tiên của nước Anh phải nhận án phạt (trừ điểm) từ Luật Công bằng tài chính (FFP) do UEFA ban hành.
0:00 / 0:00
0:00
CLB Everton đứng trước nhiều khó khăn sau khi bị trừ 10 điểm tại Premier League vì vi phạm Luật Công bằng tài chính.
CLB Everton đứng trước nhiều khó khăn sau khi bị trừ 10 điểm tại Premier League vì vi phạm Luật Công bằng tài chính.

Theo thông báo của Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh, Everton bị trừ 10 điểm vì “vi phạm quy định về lợi nhuận và tính bền vững của giải đấu”. Cụ thể, họ ghi nhận khoản thua lỗ lên đến 371,8 triệu bảng trong ba năm qua (từ cuối mùa giải 2021-2022), trong khi “mức trần” cho phép của FFP Premier League chỉ là 105 triệu bảng. Lệnh trừng phạt có hiệu lực ngay lập tức và Everton giờ đã đứng trước nguy cơ xuống hạng.

Chưa hết, đội chủ sân Goodison Park còn đang bị ba đội bóng đã xuống hạng trong những mùa họ vi phạm FFP gồm Burnley, Leicester và Leeds đòi bồi thường mỗi đội 100 triệu bảng. Nếu “liên minh” này thắng kiện, Everton có thể lâm vào cảnh khánh kiệt về tài chính.

Trước Everton, chỉ có hai câu lạc bộ bị trừ điểm trong lịch sử Premier League nhưng không liên quan FFP. Đó là Portsmouth bị trừ 9 điểm vì phá sản vào năm 2010; và Middlesbrough bị trừ 3 điểm vì… không đủ quân số dự trận gặp Blackburn Rovers mùa 1996-1997.

Án phạt nhanh, gọn, bất ngờ với Everton khiến tất cả bất giác “nhìn” qua Man City và Chelsea. Suốt hơn nửa năm qua, Man City vẫn đang bị cáo buộc tới… 115 vi phạm về FFP thuộc giai đoạn 2009-2018. Trong khi đó, Chelsea bị điều tra các dấu hiệu vi phạm từ thời cựu Chủ tịch Roman Abramovich. Đến thời ông chủ mới Todd Boehly, họ còn chi tiêu “khủng khiếp” hơn, với cả tỷ bảng đổ vào thị trường chuyển nhượng, chỉ trong vỏn vẹn một năm.

Dù theo truyền thông nước Anh, tính chất các vụ việc giữa Everton, Man City và Chelsea là khác nhau, dẫn đến quyết định cũng như thời gian đưa ra phán quyết khác nhau, nhưng dư luận vẫn không khỏi đặt hoài nghi về sự công bằng của cơ quan quản lý. Cựu danh thủ Jamie Carragher thậm chí còn cho rằng, nếu Everton bị trừ 10 điểm, Man City xứng đáng bị “đánh” tuột xuống… giải hạng 5.

Dù chỉ là đội bóng tầm trung, Everton lại thuộc nhóm CLB có truyền thống lâu đời nhất của bóng đá Anh. Trong suốt chiều dài lịch sử, họ mới bốn lần vắng mặt ở hạng cao nhất và lần gần nhất đã cách đây hơn 60 năm. Tại kỷ nguyên Premier League (từ năm 1992), Everton chưa từng xuống hạng.

Trước án phạt của Ban tổ chức giải Ngoại hạng, Everton tuyên bố sẽ kháng án, đồng thời “sẽ theo dõi những quyết định được đưa ra với các trường hợp tương tự liên quan luật về lợi nhuận và tài chính của Premier League”. Ai cũng hiểu, tuyên bố này nhắm đến các CLB giàu có như Man City hay Chelsea.

Không chỉ ở Anh mà trên khắp châu Âu, nhiều “ông lớn” đủ tiềm lực để thực hiện những mánh khóe nhằm “lách luật” với FFP. Để bảo đảm tính công bằng như chính mục tiêu của UEFA khi ban hành luật, án phạt cần được các giải đấu thực thi rõ ràng, dứt khoát hơn với mọi đối tượng, thay vì chỉ “mạnh tay” với những CLB tầm trung như Everton.