Hai câu chuyện, một cách nhìn
- Hiếm có một trưng bày về di sản lại thu hút sự quan tâm như trưng bày về phỏng dựng chùa Diên Hựu bằng công nghệ thực tế ảo. Ngay khi triển lãm diễn ra, đã có nhiều tranh luận. Trong đó, nhiều người cho rằng kiến trúc phỏng dựng này quá "lai căng" và xa lạ với "kiến trúc truyền thống". Anh nghĩ sao về vấn đề này?
- Ðây là vấn đề mà tôi và nhóm những anh em phỏng dựng chùa Diên Hựu đã lường được trước và không ngạc nhiên trước phản ứng của dư luận, trong đó, có cả những người làm công tác nghiên cứu.
Một trong những lý do nhiều người cho rằng kiến trúc "lai căng" là bởi hệ đỡ mái chùa Diên Hựu chúng tôi phỏng dựng sử dụng hình thái "đấu củng". Phần lớn kiến trúc đình, chùa hiện nay sử dụng hình thái kẻ chuyền, kẻ bẩy. Nhất là thời Lê Trung hưng, mái đình, mái chùa có đầu đao cong vút, lợp ngói mũi hài hay vảy cá. Ðiều này đã ăn vào tiềm thức của nhiều người. Nhưng từ thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định hệ mái kiến trúc thời Lý là hệ "đấu củng". Hệ mái đấu củng có nhiều nét tương đồng kiến trúc Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhưng có khoảng thời gian, chúng ta cố gắng "đẩy" yếu tố khác biệt của văn hóa Việt lên, nên chúng ta đã không nhìn nhận đúng giá trị của những nghiên cứu này. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây, ngành khảo cổ học đã có những thành tựu rực rỡ, khẳng định thời Lý và cả thời Trần đều sử dụng hệ mái đấu củng. Dấu ấn này vẫn còn cho đến sau này, tuy không nhiều.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng bảo, sao kiến trúc Việt lại to lớn thế, hùng vĩ thế? Về quy mô, ngoài những dữ liệu sử học, những phát hiện khảo cổ, nhất là khảo cổ Hoàng thành cho thấy các công trình thời Lý có bước gian rất lớn, lớn hơn nhiều so với kiến trúc sau này.
Chúng ta không nên "mặc định" truyền thống của người Việt là thế này, thế kia. Cái nhiều người "mặc định" kiến trúc truyền thống thật ra là kiến trúc Lê Trung hưng và Nguyễn. Truyền thống không có nghĩa là bất biến. Mỗi thời đại sẽ có những đặc trưng khác nhau. Nhưng những đặc trưng đó đều trên cơ tầng của văn hóa Việt, do bàn tay người Việt tạo ra.
- Anh có nghĩ những vấn đề đặt ra từ công trình phỏng dựng chùa Diên Hựu khiến chúng ta phải nhìn nhận lại nhiều vấn đề liên quan kiến trúc và mỹ thuật cổ truyền không?
- Thật ra nói phải nhìn nhận lại cũng đúng, mà cũng không hẳn thế. Bởi có những vấn đề như vấn đề "đấu củng", đã có nhiều nghiên cứu khẳng định. Quan điểm này cũng khá phổ biến, nhưng chỉ trong giới nghiên cứu. Vấn đề cần nhìn nhận lại chính là nhận thức cộng đồng. Chúng ta phải truyền thông để cộng đồng nhận thức cho đúng.
Câu chuyện này không chỉ ở hệ mái mà còn ở kiến trúc một cột. Khi phỏng dựng chùa Diên Hựu, thì có một công trình liên quan không thể không nhắc đến là chùa Dạm (huyện Quế Võ, Bắc Ninh). Ðã có một thời gian rất dài, các nhà nghiên cứu mặc định đó là linga (sinh thực khí nam, ảnh hưởng của đạo Hin-đu). Cá nhân tôi đã nhìn thấy sự bất hợp lý từ thời... sinh viên. Sau này, tôi đã có những nghiên cứu sâu hơn và khẳng định đó là một phần của kiến trúc đã mất đi. Tôi có một kỷ niệm với nhà nghiên cứu Tạ Chí Ðại Trường. Ông vốn khẳng định cột đá chùa Dạm là linga. Tôi dẫn nhà nghiên cứu Tạ Chí Ðại Trường thăm cột đá chùa Dạm vào năm 2011. Nhìn tận mắt chiếc cột đá có sáu lỗ ngoạm, bác Tạ Chí Ðại Trường đã viết một bài báo khá nổi tiếng trên tạp chí Xưa và Nay về việc nhận thức lại cột đá chùa Dạm và phủ nhận quan điểm cũ của chính mình.
Quan điểm cột đá là linga cũng ăn sâu không kém quan điểm về hệ mái. Trong đó, nhiều kiến thức được đưa vào dạy trong sách giáo khoa, giáo trình đại học. Từ hai câu chuyện này, càng nhận thấy chúng ta cần có cái nhìn cởi mở trong nghiên cứu. Khi đưa ra một giả thuyết, chúng ta đưa ra những dẫn chứng, luận điểm để chứng minh cho giả thuyết ấy, nhưng không nên "đóng đinh" việc chỉ có một chân lý. Có thảo luận cởi mở mới có thể tiến gần đến chân lý khoa học.
Chúng tôi không đơn độc
- Khi xác định mình "đi ngược" lại những quan niệm phổ biến lâu nay, anh và nhóm làm việc có thấy áp lực không?
- Chúng tôi không ngại những tranh luận mang tính khoa học. Bởi, chúng tôi kế thừa những nghiên cứu, dựa trên những cứ liệu sử học, khảo cổ và hiện vật còn lại từ thời Lý và được sự đồng hành của nhiều nhà nghiên cứu. Nhưng tại một số diễn đàn về lịch sử, văn hóa truyền thống, điều chúng tôi thấy đáng
ngại là chúng ta còn thiếu văn hóa tranh luận. Nhiều người không đi vào vấn đề học thuật mà lại công kích, mạt sát.
- Trong rất nhiều công trình kiến trúc quan trọng của Việt Nam, tại sao anh và cộng sự lại chọn chùa Một Cột?
- Câu trả lời cũng đơn giản. Kiến trúc Một Cột là đại diện của văn hóa Việt Nam. Ðây là kiến trúc độc đáo mà chúng ta không gặp ở đâu trên thế giới. Ðó là niềm tự hào của văn hóa Việt. Cũng phải nói thêm rằng, chùa Một Cột là cái tên chúng ta quen gọi. Thực tế, thời Lý, ngôi chùa có tên là Diên Hựu. Trong đó, có kiến trúc một cột - tức Liên hoa đài. Ðây là tháp hoa sen biểu tượng cho núi Tu Di. Tháp này nằm ở trung tâm của chùa Diên Hựu, nằm giữa một đồ hình mạn-đà-la, một vũ trụ theo thế giới quan Phật giáo. Tôi chưa nói đến quy mô đồ sộ của chùa Diên Hựu thời Lý, ngay cả kiến trúc chùa Một Cột được dựng lại sau ngày Giải phóng Thủ đô cũng là một kiến trúc độc đáo, là hình ảnh đại diện cho Việt Nam.
Kiến trúc thời Lý thì rất đặc biệt. Các công trình thời Lý, nhất là công trình hoàng gia đều có quy mô hùng tráng và tinh mỹ. Tôi dùng từ hùng tráng là theo ngôn ngữ của chính các cụ xưa. Ðiều này tôi cho rằng xuất phát từ sự cường thịnh của đất nước, mặc dù dân số nước ta lúc đó còn quy mô khá nhỏ. Chúng tôi mong muốn dựng lại để mọi người có thể hình dung về kiến trúc, mỹ thuật của nước ta thời kỳ này.
- Từ những "mảnh vỡ" rời rạc về kiến trúc thời Lý, việc phỏng dựng hẳn gặp không ít khó khăn?
- Ðiều đó là không tránh khỏi, nhất là với một kiến trúc chỉ nằm trên một chiếc cột. Nếu nó là công trình bốn cạnh sẽ dễ hơn là công trình sáu cạnh. Việc dựng sáu cạnh bắt nguồn từ cột đá chùa Dạm có sáu lỗ ngoạm. Nhưng khi tính toán hệ thống chịu lực, kết cấu như thế nào để khi dựng lên ngôi chùa có thể "đứng" được là hết sức khó khăn. Nhóm có những anh em làm về kiến trúc và chúng tôi đã phải hết sức vất vả để phỏng dựng. Ðó không phải là chuyện "vẽ" theo những cứ liệu lịch sử, khảo cổ và những gì chúng ta hình dung, mà còn phải bảo đảm về kết cấu, chịu lực để công trình có thể triển khai ngoài thực tế. Cũng có những thuận lợi nhất định, thí dụ như chúng ta có bia Sùng Thiện Diên Linh mô tả khá rõ ràng về cấu trúc của chùa Một Cột.
- Liệu sẽ có những phiên bản tiếp theo về chùa Diên Hựu?
- Tất nhiên là có. Qua các cuộc tọa đàm, chúng tôi nhận thấy nhiều ý kiến đóng góp hữu ích, nhiều vấn đề đã đặt ra. Chúng tôi phỏng dựng chùa Diên Hựu ở thời điểm công trình mới khánh thành. Mà các cấu kiện thời Lý được sơn son thếp vàng nên mọi người thấy lộng lẫy quá, tạo cảm giác xa lạ. Lần sau, chúng tôi sẽ điều chỉnh "độ tuổi" công trình. Và chúng tôi sẽ nâng cấp để khi vào thực tế ảo, hễ "chạm" đến đâu, là có các thông số hiện lên đến đó... Không chỉ phỏng dựng chùa Diên Hựu, chúng tôi đã nghĩ đến một kế hoạch dài hơi đến hàng chục năm, với những kiến trúc thời Lý khác nữa. Tuy nhiên, nhóm chúng tôi làm công việc này vì say mê, yêu thích nên anh em cũng gặp khó khăn về kinh phí.
- Xin cảm ơn Tiến sĩ!