NẰM ở độ cao trung bình 800 m so mực nước biển, hầu hết diện tích tự nhiên của Tủa Chùa là núi đá vôi có độ dốc lớn. Đặc biệt là các xã phía bắc của huyện, bắt đầu từ Sính Phình, đến Tả Sìn Thàng, Tả Phìn và cuối cùng là Sín Chải thì đá nhiều vô kể. Đá trên nương, đá ngập đường và đá theo đường vào từng nhà, từng xóm. Với nhiều gia đình, đá được xếp ngay ngắn thành tường bao, nền sân dẫn vào mái hiên nhà cũng là đá. Vậy nhưng đã rất nhiều người về thăm và hỏi "đá có như thế từ bao giờ?" thì không người nào trả lời khách xa được trọn nghĩa. Ngay với cụ ông được mệnh danh người cao tuổi nhất ở thôn Xó Phình Thào A Páo cũng không biết rõ. Ký ức về cái ngày là cậu bé lên 10 trong ông giờ đã lúc rõ lúc mờ, có điều ông Páo nhớ như in ấy là cuộc sống của bảy tộc người trên cao nguyên đá Tả Phìn, dưới chân ngọn Nam Quan, ngày người Tủa Chùa biết nắm chặt tay nhau, cùng đấu tranh và chiến thắng cái xấu, cái ác.
Cách đây nhiều năm rồi, ở một cái "bản to"-nghĩa của tên gọi Tả Chải (tức Tủa Chùa), đã có bảy dân tộc sống đoàn kết, gắn bó. Trong cái "bản" chung ấy, người Tủa Chùa cần mẫn trên nương dưới ruộng, gần nhau qua từng câu hát và hiểu nhau qua mỗi tiếng khèn. Cuộc sống tuy nghèo khó nhưng yên vui, như cây măng rừng mỗi năm một lần đội đất mà chui lên, như quả sơn tra lặng lẽ dâng cho đời cái vị đặc trưng. Thế rồi, vào một ngày đen tối đầu năm 1890, giặc bất ngờ tràn tới. Ngày cũng như đêm, chúng không chỉ đàn áp dã man và bóc lột tham tàn, kẻ địch còn thi hành chính sách chia rẽ vô cùng thâm độc, đưa người dân tộc này đến phá hoại bản làng, mùa màng của dân tộc khác.
Hiểu rõ mưu đồ hiểm sâu của loài lang sói, các dân tộc Tủa Chùa đã kết thành một khối đứng lên giữ bản giữ mường. Dưới sự chỉ huy của hai thủ lĩnh áo vải là Chớ và Tính, đồng bào H’Mông và Dao ở Tả Phìn đã liên tiếp nổi dậy chống lại các cuộc hành binh ăn cướp của kẻ thù. Sau này khi Cách mạng về, đồng bào các dân tộc Tủa Chùa có Đảng lãnh đạo, chỉ lối, người dân đồng sức đồng lòng chiến thắng kẻ thù chung. Ngày 18/10/1955, châu Tủa Chùa chính thức được thành lập. Tại lễ mít-tinh chào mừng sự ra mắt của Ủy ban Hành chính châu (vào sáng 22/12/1955), ông Thào A Páo đã thấy cha mẹ ông cùng với hàng nghìn người con các dân tộc Tủa Chùa ôm nhau khóc. Những giọt nước mắt vui sướng của người Tủa Chùa mừng cho sự kiện người Tủa Chùa được làm chủ trên mảnh đất quê hương.
Thời gian thấm thoắt trôi, đã gần 70 năm, và chàng thanh niên Thào A Páo ngày nào giờ đã là cụ ông ở cái tuổi xưa nay hiếm. Mỗi lần nhớ lại cuộc sống của người Tủa Chùa xưa là mỗi lần ông tự nhủ với bản thân phải kể nhiều hơn với thế hệ con cháu những hy sinh, khó nhọc của thế hệ cha ông cho mảnh đất Tủa Chùa nên vóc dáng như ngày hôm nay. Mỗi lần con cháu gặp khó khăn, ông lại chỉ về hai ngọn núi Chung Si Seng, Chung Khóa Từ mà dạy rằng: "Nghìn năm núi vẫn thế kia, đã là người Tủa Chùa cớ sao không kiên cường như núi"! Cứ như thế, đời nối đời, lời dạy của ông Páo và những người cao niên ở Tả Phìn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, để đến hôm nay người Tả Phìn vẫn kiên tâm trụ vững trên mảnh đất sỏi đá cằn khô.
Cuộc sống của người dân tộc H’Mông ở Tả Phìn nói riêng, Tủa Chùa nói chung nay đã khác xưa rồi. Thóc, ngô người Tủa Chùa làm ra đủ cho người, cho lợn, cho gà ăn quanh năm bốn mùa. Nhiều gia đình làm được nhà mới, sắm được ti-vi, xe máy, ô-tô nhờ làm ngô, trồng lúa và nhờ tính hay lam hay làm. Như lời anh Mùa A Lua ở thôn Tả Phìn, xã Tả Phìn đã phấn khởi khoe: "Điện, đường mở đến từng bản, trẻ em đều được đi học chữ tại bản và trung tâm xã; người Tả Phìn đều biết chữ, hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính quyền. Chuyện về cái đói chỉ cồn cào trong ý nghĩ ngày xưa…"!

Minh chứng cho đổi thay trên cao nguyên đá Tả Phìn hôm nay, ông Mùa A Chinh, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn cung cấp cho chúng tôi rành rọt từng con số mà theo ông, đó là thành quả chung của sự chung sức đồng lòng. Năm 2021, tổng sản lượng lương thực toàn xã đạt 2.074 tấn, bình quân đầu người đạt 510 kg/người/năm; thực hiện hiệu quả các mô hình dự án, mỗi năm Tả Phìn giảm từ 3-5% tỷ lệ hộ nghèo. Đặc biệt nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp 100% số trẻ em đều được đi học; trẻ nhỏ học tại bản, trẻ lớn được về trung tâm xã ở tập trung, được thầy cô chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ, nhiều năm liền xã Tả Phìn giữ vững danh hiệu chuẩn phổ cập trẻ năm tuổi, tiểu học và trung học cơ sở đạt chuẩn mức độ II.
Chỉ tay về lớp học mầm non dưới chân núi Tò Cu Nhe, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn Mùa A Chinh nói mà như tâm sự với mình: Chẳng thể so với các địa phương khác, song ở nơi đây có được lớp học đơn sơ thế kia là tất cả nỗ lực có thể của ngành giáo dục-đào tạo địa phương mà trước hết, là sự trụ vững đầy nhiệt huyết của các cô giáo với cấp học đầu đời của những thế hệ măng non nơi núi đá.
Chiều lại chiều dưới chân đỉnh Nam Quan ở cao nguyên đá Tả Phìn, tiếng đánh vần líu lo trong những lớp học i… tờ vẫn vọng vào vách núi. Để hôm nay, trên tầng tầng đá xám tại cao nguyên Tả Phìn, tôi được nghe chuyện đá lớn mỗi ngày và chuyện về ý chí vượt lên của lớp lớp những phận người mà đá xám khắc ghi…