Trả mầu xanh cho Thủ đô

Bão Yagi và hoàn lưu sau bão đã quật ngã hơn 40.000 cây xanh tại Hà Nội, để lại khối lượng công việc khổng lồ cần gấp rút dọn dẹp. Ngay trong đêm 8/9 khi trời vẫn mưa như trút nước, đường phố ngổn ngang, giao thông tắc nghẽn… hàng loạt đội quân tinh nhuệ từ nhiều địa phương trên cả nước đã tình nguyện lên đường đến Thủ đô chung tay dọn dẹp cây xanh.
Các đội tình nguyện từ nhiều địa phương giúp Hà Nội xử lý cây gãy, đổ sau bão.
Các đội tình nguyện từ nhiều địa phương giúp Hà Nội xử lý cây gãy, đổ sau bão.

Những chuyến xe xuyên đêm

Tối 8/9, khi vừa kết thúc công việc trở về nhà, anh Hoàng Minh Thi, Tổ trưởng tổ công trình, Công ty CP công viên cây xanh thành phố Vinh nhận được thông báo từ ban lãnh đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt ngay trong đêm xuất phát ra Hà Nội hỗ trợ khắc phục hậu quả sau bão. Vội vàng sắp đồ, anh Thi cùng 6 công nhân lành nghề trong công ty mang theo xe cẩu và 50 máy cưa chuyên dụng vội vã lên đường. Đúng 7 giờ sáng ngày 9/9, đội ngũ công nhân công viên cây xanh của TP Vinh bắt tay ngay vào dọn dẹp cây gãy, đổ trên các tuyến phố ở Hà Nội. Từng chứng kiến nhiều cơn bão càn quét ở miền trung nhưng khi tiếp cận hiện trường tại Hà Nội, đoàn tình nguyện viên từ Nghệ An cũng khá bất ngờ. Có mặt tại ngã tư Trần Cung-Hoàng Quốc Việt, nơi cây đa cổ thụ bật gốc chắn ngang đường, anh Thi cùng các đồng nghiệp phải sử dụng các thiết bị chuyên dụng mới có thể cắt cành, giải tỏa giao thông.

“Với các cây cổ thụ có ý nghĩa gắn bó trong đời sống, chúng tôi rất muốn cứu hộ trồng tại chỗ. Tuy nhiên, phần đất phía dưới vị trí cây đa tại góc ngã tư Trần Cung - Hoàng Quốc Việt có quá nhiều đường dây điện, ống ngầm, khó bảo đảm cho cây sinh trưởng nên chúng tôi đã đề xuất phương án di chuyển về công viên nuôi dưỡng. Tại Hà Nội, do số lượng cây gãy đổ lớn, trong đó có nhiều cây cổ thụ lâu đời nên việc cắt tỉa, vận chuyển cũng vất vả, tốn thời gian hơn. Mặc dù vậy, anh em vẫn động viên nhau phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ để chia sẻ khó khăn với bà con Thủ đô”, anh Thi cho biết.

Tối 8/9, đoàn công tác gồm 15 công nhân của Trung tâm Công viên cây xanh Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng xuất phát mang theo 2 xe cẩu chuyên dụng và nhiều trang thiết bị tăng cường ra hỗ trợ Hà Nội. Đây đều là những thợ lành nghề, chuyên cắt, trồng, dựng cây giỏi của Huế. Ngày 9/9, có mặt tại Hà Nội, mặc hoàn lưu sau bão khiến trời vẫn mưa như trút nước, 15 cán bộ của Huế không ngần ngại lập tức cùng các đồng nghiệp Hà Nội làm việc xuyên đêm, khẩn trương thu dọn, trồng lại cây xanh.

Anh Võ Văn Nhơn, Trưởng phòng kỹ thuật Trung tâm Công viên cây xanh Huế chia sẻ: Là người trong nghề, nhìn những cây cổ thụ lâu đời bật gốc, ngã đổ chúng tôi vô cùng xót xa. Muốn khôi phục sự sống cho cây sau đợt tổn thương nặng nề như này phải tranh thủ thời gian bởi nó không chỉ đơn thuần là dựng lại gốc mà còn phải dẫn dụ để rễ cây lan rộng hơn, nâng cao khả năng sinh tồn. Bên cạnh đó, nhiều cây to gãy cành trên cao, đổ vào nhà dân, chắn ngang đường giao thông... cần có kỹ thuật và dụng cụ chuyên nghiệp mới xử lý được. Vì thế anh em động viên nhau phải chạy đua với thời gian bắt tay ngay vào việc.

Trưa 17/9, dưới trời nắng gắt oi ả, đội tình nguyện viên từ Huế vẫn thấm từng giọt mồ hôi cần mẫn cưa, xẻ thu dọn cây dọc tuyến phố Chùa Hà, Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy rồi ra Đường Láng... Chứng kiến các tình nguyện viên ở nơi xa xôi không quản nắng mưa giúp dọn dẹp đường phố, cô An Trinh, quản lý Trường mầm non New Star Kids (Phố Chùa Hà) xúc động chia sẻ: Bão qua, lấy mất của Thủ đô những mảng xanh tươi nhưng cũng thật ấm lòng khi trong hoạn nạn được chứng kiến nghĩa đồng bào san sẻ với nhau đầy xúc động như vậy. Sau hôm nay, tôi sẽ bàn với các giáo viên trong trường đưa câu chuyện này vào nội dung dạy học để các con hiểu hơn ý nghĩa của việc trồng cây, bảo vệ môi trường và tinh thần đoàn kết, tương trợ của người Việt Nam.

Trả mầu xanh cho Thủ đô ảnh 1

“Hết việc mới về”

Năm 2020, trận bão số 5 đổ bộ vào miền trung khiến Huế thiệt hại nhiều cây xanh. Thời điểm đó, lực lượng công nhân Công ty công viên cây xanh từ Hà Nội cũng không nề hà ngay lập tức chi viện khôi phục lại sức sống trên cố đô. Chia sẻ về chuyến công tác lần này của nhóm tình nguyện viên công ty, ông Lê Như Chinh - Giám đốc Trung tâm Công viên Cây xanh Huế cho biết: Trận bão số 5 hồi năm 2020, Huế bị thiệt hại nặng về cây xanh, TP Hà Nội cũng tăng cường lực lượng vào để hỗ trợ khắc phục hậu quả. Vì vậy lần này đoàn cũng đi với tinh thần khi nào hết việc mới về, mọi kinh phí trong suốt quá trình làm việc do đơn vị tự túc.

Những ngày này, khắp phố phường Hà Nội vẫn còn nhiều nơi ngổn ngang cây xanh gãy, đổ, chỉ kịp cắt tỉa qua, đẩy gọn vào ven đường lấy lối đi vì chưa có đủ người và phương tiện thu dọn, đánh chuyển. Thêm người, thêm sức... sự tương trợ từ đội quân tinh nhuệ của các địa phương vô cùng ý nghĩa với Hà Nội lúc này. Hiểu được điều đó nên các đoàn tình nguyện đều làm việc với tinh thần căng mình vượt khó, bất chấp thời tiết. Có mặt tại Hà Nội lúc 18 giờ ngày 9/9, cả nhóm 22 cán bộ, công nhân thuộc Công ty TNHH MTV công viên cây xanh Thành phố Hồ Chí Minh cũng ngay lập tức đội mưa dọn dẹp cây xanh đã bị ngã đổ để bảo đảm giao thông đi lại tới hơn 23 giờ khuya mới nghỉ ngơi. Từ đó đến nay, đoàn vẫn tiếp tục chia kíp cắt tỉa cây xanh khắp các tuyến phố với tinh thần “bao giờ hết việc mới về”.

Xúc động trước nghĩa đồng bào tương trợ lúc khó khăn, hằng ngày, chị Đặng Thùy Linh, chủ hộ kinh doanh trên đường Hoàng Diệu, phường Quán Thánh, thành phố Hà Nội chủ động chuẩn bị cơm mời các tình nguyện viên nghỉ giữa giờ. “Nhìn các anh ngày đêm vất vả, cheo leo cắt cành cao, bê vác nặng tôi xúc động lắm. Công việc này bà con ở đây không tự làm được mà cần người có chuyên môn, dụng cụ chuyên dùng... vì thế tôi chỉ xin chuẩn bị cơm, nước đỡ đần cho các anh, cùng nhau mau chóng khắc phục hậu quả sau bão”, chị Thùy Linh chia sẻ.

Đối với những tuyến phố chính giao thông thuận tiện thì việc cắt tỉa cây còn có sự hỗ trợ của xe cẩu, máy móc, nhưng đối với những vị trí sâu trong ngõ xe chuyên dụng không thể vào được thì mọi công việc đều được các tình nguyện viên làm hoàn toàn bằng sức người. Anh Lê Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc Xí nghiệp cây xanh 2, Công ty TNHH MTV công viên cây xanh Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Dù độ khó và sự nguy hiểm cao nhưng anh em vẫn quyết tâm chung sức đồng lòng thực hiện nhanh gọn, bảo đảm an toàn tính mạng của cả người dân và cơ sở hạ tầng. Do số lượng cây gãy, đổ nhiều, có kích thước lớn nên công tác hỗ trợ thu dọn, cắt tỉa sẽ còn mất thời gian và gặp nhiều khó khăn. Chuyến công tác này của chúng tôi không có thời gian cụ thể, đơn vị đi với tinh thần “hết việc mới về”.

Tại buổi làm việc xử lý cây xanh gãy, đổ sau bão số 3, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã yêu cầu các đơn vị tập trung cao độ hoàn thành công tác khắc phục chậm nhất ngày 25/9. Theo đó, đẩy nhanh tiến độ cắt tỉa cây xanh gãy, đổ di chuyển vào khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông; huy động tối đa lực lượng, phương tiện để tổ chức thu dọn, trồng lại các cây xanh có khả năng tái sử dụng.

Hồi sinh sự sống

Theo thống kê của TP Hà Nội, bão Yagi và hoàn lưu sau bão đã khiến hơn 40 nghìn cây xanh gãy, đổ. Trong số này, có hơn 13.600 cây xanh đô thị, còn lại là cây do các quận, huyện, thị xã quản lý và cây xanh trong các khu đô thị, cơ quan, đơn vị. Tính đến hết ngày 12/9, Hà Nội và các đơn vị đã thực hiện giải tỏa 660 cây, xử lý (chưa thu dọn) để bảo đảm giao thông 6.729 cây; đang tiếp tục xử lý 118 cây khác. Đối với công tác rà soát, phân loại: có khoảng 3.082 được trồng lại. Lực lượng chức năng đã dựng lại 250 cây, 2.600 cây đã cắt tán chờ dựng lại và 232 cây chưa cắt ngọn để trồng lại. Hiện nay, công tác giải tỏa cây để bảo đảm an toàn giao thông cơ bản đã hoàn thành. Đồng thời đã rà soát phân loại các cây xanh yếu chuyển về vườn ươm chăm sóc, chuẩn bị nơi tập kết củi gỗ.

Sau cơn bão số 3, trên địa bàn TP Hà Nội mất rất nhiều cây cổ thụ (đa, si, bồ đề). Đây đều là những cây quý, có giá trị về lịch sử. Ngoài ra, còn rất nhiều cây lâu năm, đã tỏa mát và có nhiều gắn bó trong đời sống tinh thần người Hà Nội. Thủ đô sẽ phải mất rất nhiều thời gian, nguồn lực để khôi phục lại những mảng xanh khắp các phố, phường... Những ngày qua, để hỗ trợ Hà Nội sau cơn bão Yagi, các đội tinh nhuệ từ hàng loạt địa phương như Sơn La, Quảng Bình, Nghệ An, Đà Nẵng, Quy Nhơn, TP Hồ Chí Minh... đã làm việc xuyên đêm, vượt nắng thắng mưa. Việc chạy đua với thời gian không chỉ để dọn dẹp đường phố, mà còn nhằm mục đích cứu được nhiều cây nhất có thể... Các đoàn tình nguyện đến và mang theo tinh thần “hết việc mới về” - Đó là tình đoàn kết, là nghĩa đồng bào, là trách nhiệm với “Trái tim của cả nước” từ khắp mọi miền!