Tuổi nhỏ nhưng nghĩ lớn…
Những ngày này, sân trường Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1) rộn ràng, khác lạ so ngày thường. Bởi ngoài cặp sách như thường lệ, các em học sinh còn ôm theo nào là heo đất, thùng mì, bánh, sữa, tập vở... để ủng hộ những bạn học sinh, bà con vùng bão lũ miền bắc.
Cô Hiệu trưởng Lê Thanh Hương cho biết, trong lễ phát động quyên góp, bạn nhiều, bạn ít nhưng ai cũng xúc động vì các em tuy còn nhỏ nhưng đã biết “nghĩ lớn” về nghĩa đồng bào. Đó cũng là truyền thống được nhân dân ta phát huy bao đời nay. Cô Hương cho biết thêm, qua các buổi đóng góp, trường đã nhận được hơn 108 triệu đồng; 54 thùng mì gói; 185 cuốn tập; 60 bếp gas mini; 208 bình gas mini, 20 hộp bánh quy; nhiều phần sữa và bánh tươi. Chúng tôi trân trọng tình cảm đó và sẽ kết nối để chuyển tận tay cho người dân vùng lũ.
Từ mấy ngày qua, các kho hàng của Ngân hàng thực phẩm Việt Nam (food bank Việt Nam) cũng luôn tấp nập người làm việc, xe ra vào chở hàng bất kể ngày đêm. Ông Nguyễn Tuấn Khởi, Chủ tịch Ngân hàng, người sáng lập dự án chia sẻ: Trong vạn tấm lòng hướng về người dân các tỉnh miền bắc gặp khó khăn do mưa lũ, food bank Việt Nam thực hiện “Chiến dịch Hỗ trợ thực phẩm Khẩn cấp S.O.S Food” nhằm hỗ trợ kịp thời các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng bởi bão lũ, thiên tai. Dự án đặc biệt chú trọng xây dựng một hệ thống cung ứng thực phẩm khoa học và nhanh chóng, kết nối các nhà sản xuất thực phẩm lớn với các địa phương bị ảnh hưởng để cung cấp các túi thực phẩm cứu trợ đạt tiêu chuẩn về dinh dưỡng và chất lượng. Được biết, mỗi túi gồm các mặt hàng thiết yếu như gạo, mì gói, nước uống, đồ hộp, lương khô và các sản phẩm bổ sung vitamin nhằm bảo đảm nguồn năng lượng cần thiết. S.O.S Food cũng tiến tới thực hiện các hoạt động bền vững gắn với sinh kế sau thảm họa, thiên tai, bão, lũ... Trong mấy ngày qua, các kho hàng của food bank Việt Nam, nhất là các tỉnh miền bắc đã hoạt động hết công suất để góp phần hỗ trợ các gia đình, nạn nhân trong đợt thiên tai.
Từ chiều 13/9, khuôn viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh trở nên tấp nập hơn. Các xe hàng từ khắp các địa phương xem đây là địa chỉ tập kết, kết nối hàng hóa viện trợ để chuyển ra các tỉnh vùng lũ lụt ở miền bắc. Sau hàng giờ xếp, bốc hàng hóa, lưng áo anh Phạm Hữu Tình, thành viên Câu lạc bộ Nghĩa tình Đất Việt ướt đẫm mồ hôi. Anh Tình cho biết, để thực hiện chuyến đi này, anh và nhiều bạn bè phải gác lại công việc để thực hiện công tác cứu trợ. Anh hy vọng, với 20 tấn hàng là nhu yếu phẩm, nhóm của anh sẽ góp phần khắc phục, hỗ trợ người dân một số địa phương ở Lào Cai, Cao Bằng sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Những chuyến hàng cứu trợ khởi hành từ Thành phố Hồ Chí Minh. |
Muôn tấm lòng từ thành phố mang tên Bác
Cùng đồng cảm, chia sẻ với những mất mát, đau thương, thiệt hại về người và tài sản của nhân dân các tỉnh miền bắc trong cơn bão số 3, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các đơn vị, sở, ngành, địa phương hạn chế, giảm quy mô, dời hoặc hoãn các sự kiện lớn, lễ hội trên địa bàn thành phố. Quyết định này của UBND thành phố nhận được sự đồng tình, ủng hộ của rất nhiều người dân. Cùng chung hành động, nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn cũng quyết định không tổ chức lễ khai giảng đầu năm học mới, đồng thời dùng số kinh phí dự kiến tổ chức đó để ủng hộ cho người dân vùng lũ.
Trước đó, khi tâm bão số 3 còn đang trên Biển Đông, chuẩn bị ập vào các tỉnh miền bắc, trong buổi làm việc với lãnh đạo thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Thành phố Hồ Chí Minh cũng luôn sẵn sàng các nguồn lực để chia sẻ với Hà Nội và những nơi ở vùng tâm bão số 3. Bão ập đến, những thiệt hại liên tiếp được cập nhật, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị chức năng cử các đội tình nguyện tham gia khắc phục hậu quả tại Hà Nội và các tỉnh lân cận ngay sau bão tan. Thành phố đã ngay lập tức chuyển về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 120 tỷ đồng; chuyển 10 tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão số 3, mỗi tỉnh 10 tỷ đồng để khắc phục hậu quả của thiên tai.
Theo đồng chí Nguyễn Phước Lộc, từ bao thế hệ, người dân Thành phố Hồ Chí Minh luôn nghĩa tình, luôn cùng cả nước, vì cả nước. Điều đó đã được chứng minh qua nhiều sự kiện, công tác trong thực tiễn của cuộc sống. Gần đây nhất là trong tâm dịch Covid-19, cả nước chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại. Và những ngày qua, hàng lớp lớp các chuyến xe chở hàng cứu trợ đã nối đuôi nhau với đích đến là miền bắc ruột thịt nhằm chung tay khắc phục hậu quả lũ lụt.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Lộc khẳng định, thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đã phát động chương trình vận động ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Qua đó đã nhận được nhiều nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng nhân ái, chung sức vì tình dân tộc, nghĩa đồng bào của cả hệ thống chính trị thành phố và cộng đồng. Với truyền thống của Thành phố Hồ Chí Minh luôn cùng cả nước, vì cả nước, thành phố kêu gọi toàn thể nhân dân, các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn cùng chia sẻ, giúp đỡ về tinh thần, vật chất, hướng về đồng bào với tinh thần hỗ trợ cao nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất hướng về miền bắc ruột thịt. Cập nhật đến ngày 13/9, cán bộ, nhân dân, doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ủng hộ đến nhân dân các tỉnh gặp lũ lụt số tiền hơn 278,2 tỷ đồng gồm tiền và hàng hóa để hỗ trợ cho người dân vùng lũ.
Khơi sức dân, các nguồn lực từ những tấm lòng vì nghĩa đồng bào sẽ còn tiếp tục được thực hiện trong những ngày tới. Nhiều người có suy nghĩ rằng, chỉ cần đồng bào mình bình yên, sớm ổn định cuộc sống sau những mất mát đau thương, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và đồng bào miền nam nói chung luôn sẵn sàng tất cả mọi thứ có thể để thực hiện điều đó.
Đà Nẵng chung tay
Cùng với nhân dân cả nước, người dân tại TP Đà Nẵng ngày ngày góp sức hỗ trợ các tỉnh miền bắc bị thiên tai. Từ chiếc bánh chưng, bánh mì, chai nước cho đến quần áo, chăn mền và cả lọ thuốc bôi da, dầu gió đều được mọi người gói ghém cẩn thận, gửi gắm yêu thương.
Khi những thông tin đầu tiên về tình hình thiệt hại sau cơn bão số 3 tại các tỉnh miền bắc được công bố cũng là lúc các thành viên Đội SOS Đà Nẵng lên kế hoạch đi hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại. Sau khi chuẩn bị đầy đủ vật dụng thiết yếu, 5 chàng trai tức tốc lên đường. Đặng Ngọc Tiến, Đội trưởng SOS Đà Nẵng nhẩm tính: “Tính đến hôm nay là tròn 1 tuần đội chúng tôi lăn lộn ở các địa phương bị thiệt hại để hỗ trợ người dân. Bên cạnh công tác cứu hộ, cứu nạn, dọn dẹp cây cối ngã đổ sau bão, đội cũng đã đến các tỉnh miền núi như Yên Bái, Lào Cai để tiếp tế thực phẩm, nước sạch, đưa người dân ra khỏi vùng cô lập”. Tương tự, hơn 30 thành viên với 10 xe bán tải thuộc CLB Xe bán tải Đà Nẵng cũng hướng về các tỉnh miền bắc, mang theo xuồng hơi, áo phao, đèn pin, thức ăn, nước uống để cứu hộ, tiếp tế cho người dân vùng lũ.
Trong khi đó, tại hậu phương, nhiều điểm tiếp nhận ủng hộ, điểm nấu thức ăn gửi tặng đồng bào miền bắc lần lượt lập ra trên khắp địa bàn thành phố. Ban đầu là những món ăn tiện lợi, no lâu như: Bánh chưng, bánh tét, cơm nắm muối vừng để bà con không bị đói. Sau đó chuyển sang các món để được lâu như cá khô, thịt rim, thịt ngâm mắm. Không ai bảo ai, mọi người đồng lòng “ai có công góp công, ai có của góp của” với tinh thần của ít lòng nhiều, đoàn kết tạo nên sức mạnh. Là người tiên phong tổ chức gói bánh chưng, bánh tét gửi tặng bà con miền bắc, anh Hồ Ngọc Thanh, Chủ nhiệm CLB Chuyến nghĩa Vạn tình 0 đồng, trực thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố cho hay, sau khi hoàn thành gói và gửi đi 1.000 chiếc bánh chưng, 1.700 đòn bánh tét, anh chuyển sang vận động các nhu yếu phẩm thiết yếu khác như: bánh mì tươi, mì gói, cháo ăn liền, sữa tươi, lương khô, nước uống cùng những vật dụng cần thiết như áo phao, đèn pin để gửi tặng bà con vùng lũ.
Học sinh trên địa bàn huyện Bình Chánh quyên góp ủng hộ đồng bào. |
Hỗ trợ tái thiết cuộc sống
Cùng tinh thần hướng về miền bắc, Thành đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên TP Đà Nẵng, Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng và CLB xe bán tải Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức “Chuyến xe nghĩa tình” nhằm vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm đến với bà con các tỉnh phía bắc. Theo thống kê của Thành đoàn Đà Nẵng, 3 chuyến xe với đầy ắp hàng hóa, nhu yếu phẩm, gồm 785 áo phao, 120 kg lương khô, 224 thùng mì ăn liền, 308 thùng sữa tươi, 424 cái bánh mì, 7.000 hộp đồ hộp, 8.972 chai nước suối, 485 kg gạo, 181 thùng thực phẩm khô (bánh ngọt, lương khô, bánh mì tươi, cháo ăn liền, đồ hộp), 30 thùng phần đồ ăn nhanh đã phân chia sẵn (nước, bánh mì, sữa đặc, xúc xích, sữa tươi), 800 hộp cá, thịt ăn liền, 25 thùng đồ dùng cá nhân (bàn chải, nước giặt, băng vệ sinh, bỉm, khăn, giấy vệ sinh), 40 thùng quần áo chăn mền, 100 áo mới, 300 kg bột khử khuẩn, 16 thùng dụng cụ y tế cá nhân (bông, băng, nước muối, oxy già...), tổng giá trị gần 1 tỷ đồng đã được gửi tặng người dân miền bắc. Cứ thế, những chuyến xe nghĩa tình nối đuôi nhau chở theo tấm lòng thơm thảo, yêu thương của nhân dân TP Đà Nẵng đến với đồng bào gặp thiên tai.
Nhu yếu phẩm được chuyển lên xe ủng hộ bà con bị thiên tai. |
Theo anh Hồ Ngọc Thanh, việc hỗ trợ nhu yếu phẩm cho bà con vùng lũ là điều cần thiết. Song, việc giúp bà con tái thiết cuộc sống sau khi lũ rút càng quan trọng hơn. “Sau những chuyến hỗ trợ thực phẩm ăn liền, nước uống, tôi sẽ tiếp tục vận động nhà hảo tâm hỗ trợ gạo, các loại thuốc bôi da, dầu gió, thuốc phòng bệnh. Tiếp đó là hỗ trợ phương tiện sinh kế để người dân tái thiết cuộc sống sau bão lũ”, anh Thanh cho biết. Ở nơi khác CLB Máu nóng Hiểu và thương cũng đang vận động kinh phí để hỗ trợ đồng bào vùng bão lũ sớm ổn định cuộc sống sau khi lũ rút. “Chúng tôi đang vận động khoảng 500 triệu đồng để hỗ trợ bà con sửa chữa nhà cửa, mua sắm vật dụng thiết yếu. Dự kiến cuối tháng 9, chúng tôi sẽ đến tận nơi, trao tận tay những gia đình bị thiệt hại nặng nề”, anh Phước Hùng, đại diện CLB chia sẻ.
Song song đó, các trường cũng quyết định dừng tổ chức các hoạt động vui chơi, múa lân dịp Tết Trung thu, dùng kinh phí ấy để ủng hộ đồng bào với mong muốn đóng góp một phần nhỏ giúp tiếp thêm tinh thần, sức mạnh để người dân vùng lũ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Trong khi đó, phong trào vận động quyên góp ủng hộ bà con miền bắc khắc phục thiên tai đã được các cơ quan, đơn vị, Mặt trận, đoàn thể các cấp trên địa bàn TP Đà Nẵng phát động rộng rãi. Nhiều cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trên địa bàn thành phố tích cực vận động, quyên góp chăn mền, quần áo, giày dép cũ. Sau khi tiếp nhận, hội viên phụ nữ cùng nhau làm sạch, phân loại và ghi chú cụ thể trước khi gửi tặng. Nhiều trường học trên địa bàn thành phố còn vận động phụ huynh học sinh ủng hộ giày dép, quần áo, sách giáo khoa cũ, dụng cụ học tập để gửi tặng các điểm trường bị thiệt hại do bão lũ.