Từ vụ án oan cách đây hơn nửa thế kỷ
Ông Dương Ngọc Chánh, sinh năm 1929, tham gia cách mạng từ 1955 đến tháng 8/1968, do một sự nhầm lẫn, hiểu nhầm, ông đã bị an ninh xã Mỹ Đức bắn chết. Báo cáo xác minh số: 25/BC-CA, ngày 21/11/1980 của Công an huyện Phù Mỹ, Ty Công an tỉnh Nghĩa Bình (nay là Công an tỉnh Bình Định), nêu rõ: Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Chánh làm nghề y tá và dạy học; đồng thời cũng là cơ sở cách mạng của ta được các đồng chí Võ Tấn, Phó Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ và đồng chí Trương Thị Đổng (lão thành cách mạng, đảng viên thôn An Giang, xã Mỹ Đức giao nhiệm vụ). Ngày 3/8/1968, ông bị an ninh xã Mỹ Đức bắt và sau đó bị bắn chết, với lý do “làm gián điệp”.
Trước khi xảy ra vụ việc này, vào tháng 7/1968 có một cuộc họp chi bộ, dự cuộc họp này có ông Nguyễn Ngưu là Phó ban An ninh xã. Tại cuộc họp ông Ngưu đưa ra ý kiến bắt ông Chánh với lý do “làm gián điệp”. Nhưng chi bộ không đồng ý, vì không có cơ sở, hơn nữa lúc đó ông Chánh đang là cơ sở cách mạng. Vậy nhưng sau đó ông Chánh vẫn bị bắt và bị bắn chết vào đêm 9/8/1968.
Sau cái chết của ông Dương Ngọc Chánh, đã có nhiều xác nhận của các đảng viên về việc ông bị giết oan. Trong báo cáo số 25/BC-CA ngày 21/11/1980 của Công an huyện Phù Mỹ có đoạn “Tóm lại, cái gọi là tổ chức phản động gián điệp do Nguyễn Ngưu (người ra lệnh bắt và bắn ông Chánh - PV) dựng lên và tiến hành giết hàng loạt người là sự bịa đặt theo định kiến thù hằn, phán đoán theo cảm tính… Trong số người bị giết, có người vô tội bị giết oan, trong đó có Dương Ngọc Chánh”.
Nguyễn Ngưu sau đó một năm (1969) đã bị khai trừ ra khỏi Đảng, cách chức phó ban an ninh xã Phù Mỹ vì đã gây ra nhiều tội ác, có nhiều vi phạm.
Tại Văn bản số 1973/A11(A35), ngày 14/12/2000 và Văn bản số 1028/A11(A35), ngày 6/8/2001, của Tổng cục An ninh (Bộ Công an), với nội dung “Về việc minh oan cho ông Dương Ngọc Chánh”, gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, kết luận: “Cơ quan An ninh đã tập trung thu thập tài liệu từ nhiều nguồn, bằng nhiều phương pháp xác minh khách quan, khoa học khẳng định ông Dương Ngọc Chánh không phải là gián điệp phản động hay đã cộng tác với địch”.
Tiếp đến, ngày 22/12/2003, Cục Bảo vệ chính trị 1, Tổng cục An ninh (Bộ Công an) có Văn bản số 524/A35, về việc giải quyết khiếu nại của cựu chiến binh, đảng viên, cán bộ hưu trí Dương Minh Trị, là con trai cả của ông Dương Ngọc Chánh, gửi Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, khẳng định: “Ông Dương Ngọc Chánh không phải là cộng tác viên, tình báo viên cộng tác với địch chống phá cách mạng”.
Khi vụ việc chưa được Tỉnh ủy Bình Định giải quyết dứt điểm, ngày 16/11/2009, Ban Tổ chức Trung ương có Công văn số 6861-CV/BTCTW, về việc thông báo lịch sử chính trị ông Dương Ngọc Chánh, nêu rõ: “Ban Tổ chức Trung ương đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định thông báo đến Đảng ủy xã Mỹ Đức, huyện ủy Phù Mỹ biết, ông Dương Ngọc Chánh đã được các cơ quan chức năng kết luận không phải là tình báo viên của địch chống phá cách mạng”.
Ngày 8/9/2017, Cục Bảo vệ chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục có Công văn số 3659-CV/BTCTW, gửi đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, đề nghị thông báo các văn bản liên quan của Bộ Công an, Ban Tổ chức Trung ương về việc minh oan cho ông Dương Ngọc Chánh đến Đảng ủy xã Mỹ Đức và Huyện ủy Phù Mỹ.
Trước việc cấp ủy, chính quyền xã Mỹ Đức chưa minh oan cho ông Dương Ngọc Chánh, ngày 3/10/2017, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định trực tiếp tổ chức hai cuộc họp Ban Chấp hành Huyện ủy Phù Mỹ và Ban Chấp hành Đảng bộ xã Mỹ Đức mở rộng, để quán triệt nội dung các văn bản của Ban Tổ chức Trung ương và của Tổng cục An ninh (Bộ Công an) kết luận ông Dương Ngọc Chánh không phải là tình báo viên của địch chống phá cách mạng.
Từ đó đến nay, đã thêm 7 năm nữa trôi qua, tấm bụi thời gian cứ phủ dần lên trên những chồng văn bản, yêu cầu từ cấp trung ương, cấp tỉnh tích cực chuyển về và nằm lại ở một đơn vị cấp xã. Cho tới ngày 17/7/2024.
Cái kết có hậu sau nhiều thập kỷ
Ngày 17/7/2024, theo Quyết định số 708/QĐ-CTN do Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thừa lệnh Chủ tịch nước ký, đã quyết định truy tặng Huy chương Kháng chiến hạng nhì cho ông Dương Ngọc Chánh (quê quán xã Mỹ Đức, huyện Phú Mỹ, tỉnh Bình Định), vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.
Trước đó, ngày 5/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Tờ trình số 480 TTr/TTg kính gửi Chủ tịch nước về việc truy tặng Huy chương Kháng chiến hạng nhì cho ông Dương Ngọc Chánh. Tờ trình nêu rõ: Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định tại Tờ trình số 39/TTr-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2024 và Bộ trưởng Nội vụ tại Tờ trình số 3474/TTr-BNV ngày 19/6/2024, Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước truy tặng Huy chương Kháng chiến hạng nhì cho ông Dương Ngọc Chánh, quê quán: xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Khi gặp chúng tôi vào năm 2016, bà mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Cầu (vợ ông Dương Ngọc Chánh) và ông Dương Minh Trị (con trai ông Chánh) chỉ đau đáu một nỗi niềm rằng, sự oan khuất của chồng, cha mình sẽ được làm sáng tỏ, hoạt động cách mạng của ông Dương Ngọc Chánh sẽ được ghi nhận sau khi Tỉnh ủy Bình Định, Huyện ủy Phù Mỹ tiến hành những công việc nhằm trả lại sự trong sạch cho người thân. Bà Cầu vừa khóc, vừa cười khi gặp và đưa chúng tôi về tìm hiểu vụ việc ở Phù Mỹ. Trước mộ của ông, bà khóc, con trai bà, cựu chiến binh Dương Minh Trị cũng khóc: “Mẹ tôi đã từng nói bà không Đảng nhưng bà theo Đảng tới cùng”.
Thời điểm ấy, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định vẫn đang tiến hành các thủ tục để trả lại sự trong sạch cho ông Dương Ngọc Chánh theo yêu cầu từ Tỉnh ủy Bình Định và Huyện ủy Phù Mỹ.
Bà Nguyễn Thị Cầu cũng không thể sống để mà trông chờ vào điều mà lẽ ra bà và các con đã được chứng kiến nó tới sớm hơn nhiều. Bà mất năm 2019. Ở trong những ngày chớm thu trong trẻo này, những người thân trong gia đình ông Dương Ngọc Chánh có thể cùng nhau trở về quê, thắp hương trước mộ ông mà rằng “nỗi oan khuất hơn nửa thế kỷ vừa qua của cha, đã trở thành quá vãng”.