Còn nhiều trở ngại
Nhiều tỉnh, thành phố đã triển khai các giải pháp chatbot AI để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện dịch vụ công. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đến nay hiệu quả vẫn còn hạn chế. Cụ thể, chatbox chỉ có thể trả lời một số câu hỏi đơn giản và cơ bản. Liên quan đến các thủ tục hành chính, người sử dụng vẫn phải tra cứu trực tiếp hoặc đến tận nơi. “Công nghệ AI ở khu vực công tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn sơ khai”, đó là nhận xét của chị Nguyễn Thị Dung (phường Trường Thi, Thanh Hóa) sau khi mất gần hai tiếng để nộp các giấy tờ liên quan làm thủ tục xác nhận độc thân.
Nửa ngày sau khi nộp các giấy tờ liên quan, một công chức tư pháp của phường đã gọi điện hướng dẫn lại, kèm câu nói “sao không ra đây luôn làm cho nhanh!”. Kết quả là để có giấy chứng nhận độc thân, chị Dung vẫn phải chạy đi xin xác nhận của tổ trưởng dân phố cũ và mới, rồi ra phường một lần nữa để hoàn tất thủ tục.
Tháng 10/2024, Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) phối hợp phát triển công cụ mang tên dichvucong.me nhằm hỗ trợ người dân tìm hiểu thông tin và điền các biểu mẫu theo quy định của Nhà nước. Sau 5 tháng triển khai, dichvucong.me mới chỉ đạt 1.600-1.700 lượt sử dụng. Kết quả này cho thấy sự hạn chế về mức độ phổ biến của sử dụng dịch vụ.
Mới đây, chia sẻ tại tọa đàm “Toàn cảnh Trí tuệ nhân tạo trong Khu vực công tại Việt Nam”, ông Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) cho biết: Việc ứng dụng AI trong khu vực công tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những trở ngại lớn là tốc độ xây dựng chính sách chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Bên cạnh đó, hệ thống dữ liệu còn phân tán, thiếu sự tập trung, trong khi các ứng dụng AI chưa được triển khai đồng bộ, gây khó khăn cho quá trình áp dụng vào thực tiễn.
Trong khi đó, PGS, TS Nguyễn Xuân Hoài - Viện trưởng Trí tuệ nhân tạo (Trường đại học Công nghệ, Đại học quốc gia Hà Nội) cho biết, để đạt mục tiêu phát triển AI, cần chú trọng 3 yếu tố là nhân lực, dữ liệu và hạ tầng. Hiện nay, nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo còn rất thiếu. Mỗi năm chỉ có khoảng 30% trong số sinh viên công nghệ thông tin ra trường có thể làm được việc ngay, số làm được việc liên quan tới trí tuệ nhân tạo lại càng ít hơn.
![]() |
Người dân nộp hồ sơ trực tuyến tại ủy ban phường. Ảnh: SONG ANH |
Không chạy theo trào lưu
Trên thế giới, kinh nghiệm thành công của Singapore và Hàn Quốc là những minh chứng cho hiệu quả ứng dụng AI trong khu vực công. Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia chính sách công của UNDP Việt Nam phân tích: Năm 2007, Hàn Quốc bắt đầu điện tử và số hóa trong ngành y tế, góp phần kết nối thông suốt giữa khu vực công và tư. Đến giai đoạn tự động hóa, bác sĩ chỉ cần gọi tên, hệ thống sẽ tự động cung cấp toàn bộ bệnh án điện tử. "Nên bắt đầu từ những bước đi nhỏ và bài bản bởi đôi khi cốt lõi không nằm ở công nghệ. Quy trình phức tạp, rườm rà, khó hiểu, công nghệ cũng khó có thể hỗ trợ", bà Đỗ Thanh Huyền nhận định.
Trở lại câu chuyện của Việt Nam, thành công bước đầu ở Tây Ninh được coi là một thí dụ cho việc xác đinh đúng “bài toán” cần giải quyết. Theo đó, ứng dụng Tây Ninh Smart đang giúp người dân nộp hồ sơ trực tuyến, tra cứu tình trạng xử lý và phản ánh hiện trường mà không cần phải di chuyển đến các cơ quan hành chính. Sau một thời gian triển khai, hiện ứng dụng đã có hơn 400 nghìn tài khoản người dùng. Dù còn nhiều thách thức nhưng những nỗ lực trên là rất đáng ghi nhận!
Chuyển đổi số trong nền công vụ không chỉ là câu chuyện của công nghệ mà còn là việc thay đổi văn hóa, quy trình và tư duy của các cơ quan để hướng đến phục vụ người dân tốt hơn. Các chuyên gia khuyến nghị cần ứng dụng AI một cách có chọn lọc, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế khu vực công.
“Mỗi cơ quan nên xác định rõ “bài toán" riêng của mình nhằm lựa chọn công nghệ AI phù hợp”, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông nhấn mạnh.