Học sinh khuyết tật mong mỏi được đi học trở lại

Hơn 20 ngày qua, gần 100 học sinh khuyết tật tại Trường PTCS dân lập Dạy trẻ câm điếc Hà Nội (số 39 phố Hoàng Ngân, quận Thanh Xuân, Hà Nội) phải nghỉ học vì nhà trường đóng cửa. Cũng chừng ấy thời gian nhiều phụ huynh miệt mài gõ cửa khắp nơi kêu cứu, mong tìm được giải pháp để bảo đảm quyền học tập và quyền được chăm sóc của trẻ em khuyết tật.
0:00 / 0:00
0:00
Trường PTCS dân lập Dạy trẻ câm điếc Hà Nội đóng cửa khiến gần 100 học sinh không được đến trường.
Trường PTCS dân lập Dạy trẻ câm điếc Hà Nội đóng cửa khiến gần 100 học sinh không được đến trường.

Những khúc mắc chưa được giải quyết

Trường PTCS dân lập Dạy trẻ câm điếc Hà Nội thành lập năm 1990 từ ý tưởng của bác sĩ Nguyễn Quý Hưng, Vụ trưởng Vụ Chức năng (Bộ Y tế). Là một người gắn bó với công tác điều trị, phục hồi chức năng cho người khuyết tật, bác sĩ Hưng nhận thấy sự cần thiết của việc có ngôi trường dành cho trẻ em câm điếc. Thời gian đầu, tổ chức ICCO của Hà Lan đứng ra tài trợ nên trường được thành lập dưới sự bảo trợ của Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội.

Đã 35 năm hoạt động, trường thực hiện nhiệm vụ phục hồi chức năng nghe nói cho trẻ điếc thông qua các biện pháp can thiệp sớm tại cộng đồng và tại trường, trị liệu ngôn ngữ cho trẻ tiền tiểu học và học sinh lớp đầu tiểu học. Nhà trường đã nhận 1 Huân chương Lao động hạng nhì, 2 Huân chương Lao động hạng ba; 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và rất nhiều Bằng khen của T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, UBND TP Hà Nội…

Cách đây 1 năm, giữa Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội và Trường PTCS dân lập Dạy trẻ câm điếc Hà Nội nảy sinh khúc mắc trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại liên quan đến vị trí Hiệu trưởng nhà trường. Sự việc chưa được giải quyết dứt điểm khiến hoạt động của nhà trường bị ảnh hưởng. Theo đó, trường không thể thực hiện được bất cứ giao dịch nào liên quan đến tài khoản ngân hàng của nhà trường như chi tiền lương cho giáo viên, nhận nguồn hỗ trợ từ bên ngoài…

Cô giáo Vũ Thị Thu Hường, phụ trách Công đoàn nhà trường cho biết: “Suốt một năm qua, bằng nguồn quỹ dự phòng, cùng với việc thay đổi phương thức thu khoản thu bếp ăn bằng tiền mặt, trường đã cố gắng duy trì hoạt động, giữ lại môi trường học tập cho các em học sinh”. Tuy nhiên, đến nay nguồn quỹ dự phòng đã cạn kiệt. Ngày 5/3/2025, Trường PTCS dân lập Dạy trẻ câm điếc Hà Nội đã ra Thông báo số 05 gửi tới phụ huynh học sinh, Hội Chữ thập đỏ Hà Nội, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về việc trường buộc phải ngừng hoạt động.

Trước vụ việc trên, PV đã nhiều lần liên hệ với đại diện Hội Chữ thập đỏ Hà Nội và đến trụ sở của Hội tại 52 đường Tô Ngọc Vân (quận Tây Hồ, Hà Nội) nhưng không nhận được sự phản hồi cũng như gặp được người có trách nhiệm.

Điều 5 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định: “Nhà nước có chính sách bảo trợ xã hội; trợ giúp người khuyết tật trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, việc làm, văn hóa, thể thao, giải trí, tiếp cận công trình công cộng và công nghệ thông tin, tham gia giao thông; ưu tiên thực hiện chính sách bảo trợ xã hội và hỗ trợ người khuyết tật là trẻ em, người cao tuổi”.

Không để gián đoạn việc học tập của trẻ khuyết tật

Năm học 2024-2025, Trường PTCS dân lập Dạy trẻ câm điếc Hà Nội có 84 học sinh (từ 5 tuổi đến 38 tuổi) tham gia học ở các lớp tiền tiểu học (28 em), 59 em khối tiểu học chia thành 6 lớp và 1 lớp Kỹ năng sống. Phần lớn các em mắc khuyết tật thính giác (điếc hoặc khiếm thính), hội chứng tự kỷ (thể nặng và thể nhẹ), đa tật (vừa tự kỷ, vừa điếc/tự kỷ, vừa tăng động, chậm phát triển trí tuệ). Cán bộ, giáo viên nhà trường có 20 người, trong đó 2 giáo viên là người khuyết tật (điếc và khuyết tật vận động) và 3 nhân viên là học sinh điếc của trường được giữ lại làm nhân viên phòng Hướng nghiệp dạy nghề.

Trong đơn kêu cứu khẩn cấp của tập thể phụ huynh có con đang theo học tại Trường PTCS dân lập Dạy trẻ câm điếc Hà Nội đề ngày 6/3/2025 gửi tới Ban Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội có viết: “Gia đình chúng tôi đa số đều có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thuộc hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo ở Hà Nội hoặc các tỉnh lân cận như: Vĩnh Phúc, Đông Anh, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Lạng Sơn… Nhiều gia đình đang đi làm thuê, thuê nhà gần trường để các con thuận lợi đi học. Việc con em chúng tôi không được đến ngôi trường đã gắn bó nhiều năm là sự thiệt thòi lớn với các cháu!”.

Kể từ ngày trường bị đóng cửa, nhiều phụ huynh “đứng ngồi không yên”. Chị Lê Thanh Tú (phố Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) có hai con Đinh Thiên Ân (SN 2015), học lớp 2 và Đinh Thiên Phước (SN 2015) học lớp Hoa Thủy Tiên cho biết: “Tôi và một số phụ huynh khác chỉ biết làm đơn cầu cứu lên Hội Chữ thập đỏ Hà Nội mong được hội giúp đỡ và tạo điều kiện cho các con tiếp tục đến trường học tập. Nhưng đã qua 4 lần lên Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội thì lần thứ 4 mới được gặp Chủ tịch hội với lời hứa sẽ đồng hành cùng phụ huynh và về trường khảo sát. Nhưng tới nay các con vẫn chưa được đến trường!”.

Chị Tú chia sẻ, 2 con chị đã theo học ở ngôi trường này từ năm 2019 tới nay. “Gia đình chúng tôi hoàn toàn không có kỹ năng chăm sóc trẻ tự kỷ. Hơn 2 tuần nay, bố mẹ phải thay nhau xin nghỉ làm để trông nom con cái. Đang quen môi trường học tập có bạn, có thầy cô, nay phải ở nhà, các cháu rất buồn bã, chán nản. Hai cháu nhà tôi đều chậm phát triển trí tuệ, riêng cháu Ân còn thêm chứng tăng động”.

Chị Kiều Minh Hằng (trú tại phố Trần Kim Xuyến, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) có con là Bùi Kiều Mỹ Linh (SN 2009) đã theo học tại trường được 9 năm. Chị tâm sự: “Tôi chứng kiến con có tiến bộ rõ rệt về ý thức và kỹ năng khi theo học tại trường. Con đã chịu hợp tác với gia đình và thầy cô như đeo máy trợ thính, bớt ném đồ đạc khi cáu giận… Chứng kiến các cô tận tụy với con khi uốn nắn từng ngón tay, dạy con viết từng nét, tôi rất xúc động. Nhiều hôm buổi tối, con ở nhà, lại tăng động, tôi chỉ biết bật điện thoại để con gặp các cô. Cô chỉ cần ra vài cử chỉ thế là con lại ngoan ngoãn đi ngủ!”.

Thời gian trường đóng cửa vừa qua, chị Hằng đã đưa con tới Trường THCS Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội) - trường chuyên biệt dạy cho trẻ khiếm thính. Nhưng vừa xuống xe vào cửa trường là con chạy trốn luôn vì không muốn đổi trường học. Sau đó, con lại khóc và đòi về trường cũ! “Điều này khiến những người làm cha, mẹ như chúng tôi rất khổ tâm!”, chị Hằng nói.

“Đã gắn bó với trường nhiều năm, chúng tôi vô cùng lo lắng khi tình hình trường bị dừng hoạt động. Chúng tôi mong rằng, sự việc này nhanh chóng được giải quyết để mọi hoạt động của ngôi trường nhân đạo này không bị ảnh hưởng, bảo đảm ngôi trường dành riêng cho trẻ khuyết tật được tồn tại”, tập thể phụ huynh nêu kiến nghị lên cơ quan chức năng.

Điều 35 Luật Trẻ em năm 2016 về quyền của trẻ em khuyết tật quy định: “Trẻ em khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền của trẻ em và quyền của người khuyết tật theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ, chăm sóc, giáo dục đặc biệt để phục hồi chức năng, phát triển khả năng tự lực và hòa nhập xã hội”.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) bày tỏ quan điểm, cơ quan chủ quản là Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội phải chịu trách nhiệm chính khi để sự việc kéo dài đã lâu và trường học dạy trẻ khuyết tật phải đóng cửa. Khi cơ quan này đưa ra quyết định thôi giữ chức quyền Hiệu trưởng Trường PTCS dân lập Dạy trẻ câm điếc Hà Nội phải có lý do đính kèm như kết luận thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng. Nếu cá nhân có vi phạm thì cũng phải có biên bản, quyết định xử lý vi phạm… Bên cạnh đó, cơ quan chủ quản cũng phải có các phương án sắp xếp nhân sự lãnh đạo để không gián đoạn hoạt động của nhà trường. Chính điều này khiến đại diện nhà trường có khiếu kiện kéo dài nhưng lại không có sự giải quyết thỏa đáng.

Theo ông Nam, sự chậm trễ này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền được đi học và quyền được chăm sóc của trẻ em khuyết tật đã được quy định tại Luật Người khuyết tật năm 2010 và Luật Trẻ em năm 2016.

Bà Chử Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội Cha mẹ trẻ khiếm thính và người khiếm thính Việt Nam cho biết, ở Việt Nam có hơn 2,5 triệu người khiếm thính và tỷ lệ trẻ em khiếm thính sinh ra hằng năm cũng khá cao. Nhưng số lượng trường để dạy trẻ khiếm thính vẫn còn rất thiếu. Vì vậy, những ngôi trường dạy trẻ như Trường PTCS dân lập Dạy trẻ câm điếc Hà Nội là vô cùng quan trọng.

“Quan điểm cá nhân của tôi là các em học sinh phải được thực hiện quyền học tập. Khi cơ quan đưa ra quyết định nào đó thì phải cân nhắc kỹ lưỡng, lưu ý đặt quyền lợi của trẻ lên hàng đầu. Tôi rất mong muốn là sẽ có nhiều trường hơn cho các em khiếm thính để các em có thêm cơ hội học tập, cơ hội được tham gia cộng đồng nhiều hơn hoặc là cơ hội khi đến tuổi trưởng thành các em có việc làm. Tất cả bắt đầu bằng việc phải được giáo dục sớm. Được tham gia học tập và được phát triển”, bà Hương kiến nghị.