Màu sắc, nhịp điệu trong những thành phố của Lào mà chúng tôi đi qua, giống như một bản hòa sắc, hòa thanh của những dấu ấn lịch sử, văn hóa bản địa cũng như giao thoa quốc tế, nhưng hết thảy đều mang một cảm giác chung nhẹ nhàng và bình lặng.
Thành phố của xe bán tải và chim sẻ
5 giờ 30 phút sáng, thị xã Thakhek (thủ phủ của tỉnh Khammouane) dường như thức giấc với tiếng chổi quét sân của các vị sư trẻ học việc trong ngôi chùa nằm bên con đường ngay sông Mê Công. Chúng tôi chỉ đi qua ngôi chùa, chính xác là sân chùa để khám phá nhịp điệu của thị xã Thakhek. Chim sẻ rối rít, ran ran xen lẫn tiếng chổi quét chùa là những âm thanh “chữa lành” thanh khiết.
Đi qua sân chùa một đoạn chừng dăm bảy phút mà tưởng như đi qua một miền đất khác.
Bước chân ra phố, những ngã tư Tây với dấu ấn kiến trúc Pháp hai tầng mầu sơn vàng hay trắng, hệ cửa xanh, mái nâu, những vết lở vôi vữa lộ ra nền gạch đỏ… im ắng trong sớm mai. Thakhek chưa thức, một vài xe ô-tô đỗ ven đường, bên những ngôi nhà còn khép cửa. Các công trình kiến trúc tại Lào trước mắt chúng tôi, là sự kết hợp kiến trúc Pháp với các yếu tố bản địa (khí hậu ấm áp và ẩm ướt, văn hóa tín ngưỡng truyền thống, vật liệu gỗ đặc trưng, cảnh quan tự nhiên…), do đó như các chuyên gia nhấn mạnh thì đó là “lối kiến trúc thuộc địa độc đáo chỉ có riêng trên đất Lào”.
Một cô gái với trang phục truyền thống sinh (váy Lào), dép xăng-đan, phạ biêng (khăn Lào đeo chéo trước ngực) ngồi sau chiếc xe máy, lượn qua ngã tư. Tóc vấn cao, má hồng, môi đỏ. Cô quay lại cười tươi, chiếc xe máy vẽ một đường cua trên phố cũ trong sớm mai bình yên.
Buổi sáng ở một số thị xã, thành phố của Lào dường như đều trong trẻo như vậy. Bên bờ sông Mê Công của thành phố Kaysone Phomvihane, trong số những người chạy bộ, nghe thấy cả tiếng hỏi thăm nhau của đồng bào Việt tại Lào. Những con phố cũ với kiến trúc Pháp-bản địa nổi bật bởi những gam mầu: đỏ rực rèm cửa sổ, khung cửa xanh mầu biển, tường vôi vàng xen rêu và đôi chỗ lộ ra những mảng tường gạch đỏ. Chỗ khác lại hệ cửa xanh navy, xanh lá cây, ghi xám… Nhà thờ giáo xứ Savannakhet nằm ngay trung tâm khu phố đi bộ. Cha xứ người Quy Nhơn đã ở đây 16 năm. Ông cho biết, nhà thờ ở ngay vị trí phố cổ, xây từ năm 1929 là một trong 3 nhà thờ công giáo lâu đời nhất ở Lào.
Chim sẻ ríu ran suốt cả buổi sớm trên mái nhà, hàng cây, trong sân các công trình. Và bên đường, trong sân những ngôi nhà gỗ đặc trưng của Lào, xe bán tải đỗ khắp nơi. Dọc đường từ miền Trung Lào đến Bắc Lào, đâu đâu cũng tràn ngập xe bán tải, mà còn được cải tạo muôn hình vạn trạng. Chiếc thì thùng xe có thêm hai hàng ghế hai bên, chiếc lại ngất ngư thùng xe kín mít phía sau, không chiếc nào giống chiếc nào. Bãi đỗ xe ở thành phố Kaysone Phomvihane, bên sông Mê Công, một hàng dài bán tải trắng nom thật ấn tượng. Xe bán tải ở Lào tạo nên một khung cảnh giao thông riêng, sinh động.
Buổi sáng Thakhek yên tĩnh, chuỗi nhà hàng nổi tiếng Khop Chai Deu (Cảm ơn!) với dòng chữ: “Restaurant Lounge Bar - Where the world meets” cũng chưa mở cửa. Chúng tôi cứ thế đi bộ trong yên lặng giữa một thành phố chỉ có bước chân nhảy nhót và tiếng chim sẻ ríu ran.
Cho đến khi bắt gặp một quầy bánh mì đặc biệt nằm bên đường. Những chiếc bánh mì rất to, dài dễ đến 40 cm, vỏ vàng ruộm kiểu bánh mì Pháp, được làm nóng trong lò than đặt dưới chiếc hộp tôn 4 mặt. Người phụ nữ hóa ra nói được tiếng Việt, bà là Phạm Thị Diện quê gốc ở Quảng Bình, sang đây từ khi 4 tuổi và cha mẹ cũng mất lâu rồi. Bánh mì Việt Nam với nhân pa-tê, dưa chuột, rau mùi, ớt tương cộng với tiếng nói miền trung quê hương làm buổi sáng trở nên đủ đầy, ấm áp.
Chiếc bánh mì hương vị Việt Nam của một đồng bào ở Thakhek đã tiễn chúng tôi đi tiếp những cung đường về phía Bắc Lào.
![]() |
Một hòm thư trên đường phố Vientiane. |
Viết postcard, gửi thư tay
Suốt hành trình trên đất bạn, bưu điện là một trong những điểm tìm kiếm của chúng tôi khi đến mỗi thành phố của Lào. Có hai ý nghĩa trong sự tìm kiếm này, một là không gian vintage mà một số bưu điện còn lưu giữ, nó nhắc nhở không chỉ một giai đoạn phát triển mà gợi lại cả những ký ức kết nối nào đó trong quá khứ mà có thể chúng ta đã trải qua, nhất là trước thời điểm có internet và email. Một thời kỳ mà những trao đổi phải dồn nén trong chờ đợi và cảm xúc khi nhận thư từ, điện tín. Hai là, bưu điện hôm nay như một hiện hữu của sống chậm và mỗi tấm bưu thiếp gửi người thân, bạn bè có đóng dấu bưu điện nơi từng qua, như một loại kỷ vật, thậm chí như một loại tư liệu thú vị-có thể tra cứu chính xác hành trình của mình sau này. Chúng tôi đã ghé thăm 3 bưu điện ở Savannakhet, Thủ đô Vientiane, thành phố cao nguyên XiengKhouang.
Tại Savannakhet, nói như giới trẻ, “chiếc” bưu điện của tôi nằm ở một góc ngã tư, trong một không gian khá rộng. Nhìn qua hàng rào sắt ra phía con ngõ nằm bên lại bắt gặp một bức tranh tường sinh động với gam mầu nhã nhặn mô tả 3 người thợ đang làm nghề thủ công.
Thật thú vị khi bắt gặp những dấu ấn thời thuộc Pháp tại bưu điện Lào, như hộp thông tin bằng kính, khung gỗ treo trên tường có dán biểu tượng Lao Post. Phía dưới tủ kính là 3 tấm biển xanh song ngữ Lào-Pháp. Trên cùng là Boites aux letters (hòm thư), hai miệng hòm thư âm tường phía dưới ghi: International (quốc tế) và Interieur (nội địa). Những dấu ấn làm nên ký ức của đô thị còn vẹn nguyên đến độ ngỡ ngàng.
Cửa bưu điện là những khung cửa kính gỗ nâu gần như mở ra toàn bộ mặt tiền, tràn ánh sáng, thoáng đãng. Tôi không tìm được bưu thiếp của Lào tại bưu điện Savannakhet, nên chọn mua mấy con tem sưu tầm về dự án cải tạo quốc lộ 9 của Lào (giai đoạn 1: Seno đi Phanlane). Anh nhân viên bưu điện vất vả chạy đi chạy lại tìm kiếm bì thư có chữ Lao post cho tôi. Có vẻ như, nơi đây chưa khai thác nhiều dịch vụ thú vị này cho du khách quốc tế.
Nhưng ở Thủ đô Vientiane thì khác, thi thoảng trên một con phố lại xuất hiện một hòm thư. Nó làm phố vốn đã thong thả lại càng trở nên thong thả, dễ chịu hơn. Ở bưu điện Thủ đô cũng dễ dàng tìm được bưu thiếp có hình ảnh con người, thiên nhiên Lào. Tôi chọn mấy tấm vẽ những ngôi chùa, công trình nổi tiếng ở Lào để gửi cho gia đình. Thêm một tấm ảnh chụp một cụ bà để gửi cho bạn tôi-một nhà xã hội học đã có nhiều nghiên cứu về già hóa dân số. Bên cạnh tôi là một vị khách nước ngoài chừng ngoài 60 tuổi, bà cũng đang bận rộn viết postcard, dễ đến 20 chiếc, nhưng vẫn ngẩng lên mỉm cười thân thiện. Cô nhân viên của Post Office tại Vientiane cũng thật niềm nở, chuyên nghiệp.
Bưu điện cuối cùng chúng tôi ghé là XiengKhuoang Post. Thành phố biên giới sớm tinh mơ còn sương bay, bưu điện của một tỉnh biên giới cũng khiêm tốn song là vùng đất của điểm du lịch nổi tiếng - Cánh đồng chum, nên thu hút nhiều khách quốc tế và có nhiều hơn bưu thiếp về đất nước, con người Lào. Thư đóng dấu bưu điện Lào 27/2, về đến Việt Nam ngày 7/3. Một trải nghiệm thú vị!
Và dường như, màu phố, nhịp phố thong thả hấp dẫn ấy vẫn theo suốt hành trình của tôi, không ngừng mở ra những bất ngờ.
Sáng sớm là vậy, còn chợ đêm Savannakhet khá nhộn nhịp với những dãy hàng ăn di động, các dãy nhà dạng ki-ốt bán tạp hóa, quầy bar, hàng ăn… có hơi hướng dãy nhà phố cổ. Tôi muốn mua mấy bánh xà-phòng đặc sản làm bằng gạo và mấy thanh niên trong cửa hàng tạp hóa í ới gọi nhau tìm kiếm một thông dịch viên tiếng Anh người Lào giúp tôi. Chàng trai đang chơi guitar gần đó bèn bỏ đàn bước tới, là sinh viên đại học và đang trong đợt nghỉ đầu năm. Các bạn trẻ có vẻ quen với việc du khách đến Savannakhet và giao tiếp với lối tự nhiên, thân thiện.
(Còn nữa)