Jazz, và không chỉ có jazz
- Trở về nước hơn 10 năm sau thời gian học tập bằng một suất học bổng rất danh giá của Thụy Điển, nhưng cái tên Tuấn Nam vẫn khá lặng lẽ trong đời sống âm nhạc. Tôi tò mò tự hỏi, anh đến với âm nhạc như thế nào?
- Hồi còn nhỏ, tôi rất nghịch, vì thế, bố cho tôi học đàn để bớt nghịch. Bố tôi là kiện tướng thể dục dụng cụ của đoàn Thể công, học ở Nga về. Tôi lớn lên hoang dã, nghịch ngợm và hiếu động. Bảy tuổi, tôi bắt đầu học piano, chín tuổi đã diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội trong cuộc thi của Yamaha. Năm 10 tuổi tôi vào Nhạc viện, học jazz, lúc đó chưa có một khoa riêng mà chỉ là một chuyên ngành trong nhạc nhẹ. Thầy Lưu Quang Minh là một trong những người đem nhạc jazz về Việt Nam ở góc độ giáo dục, còn chú Quyền Văn Minh đem jazz về cho các sân khấu biểu diễn. Đến năm 2013 mới có Khoa Jazz riêng. Tôi là thế hệ học sinh đầu tiên của Khoa Jazz.
- Rồi anh nhận học bổng và sang Thụy Điển học, đó là đất sống của jazz, tại sao anh lại chọn trở về?
- Khi học xong, vợ tôi có cơ hội làm việc ở Pháp, chúng tôi tính ở lại nhưng tôi luôn cảm thấy mình bị lạc lõng giữa đất khách quê người. Dù ở đó, tôi có cơ hội làm việc, sống bằng nghề, thỏa mãn đam mê, được chơi nhạc jazz thường xuyên. Tôi có những người bạn mời đi diễn ở Phần Lan, Đan Mạch, Đức, những nơi là đất sống của jazz. Nhưng tôi vẫn quyết định về Việt Nam, hăm hở với rất nhiều dự định. Ngay tháng sáu về nước thì tháng tám tôi đã làm một chương trình biểu diễn Tuấn Nam và những người bạn, người thầy. Đêm nhạc được khán giả đón nhận nhiệt tình.
- Ngày đó về nước anh có gặp khó khăn nào không, vì jazz vẫn là món ăn xa lạ với khán giả Việt Nam?
- Tôi thần tượng ban nhạc Anh em nên về nước tôi đầu quân cho ban nhạc này. Tôi gặp thuận lợi nhiều hơn là khó khăn. Hồi đó có những định kiến, rằng tôi chỉ biết chơi jazz. Nhưng âm nhạc thú vị lắm, nó là những gì hiện hữu, nếu chơi hay - dở không giấu được. Tôi khẳng định mình bằng những sản phẩm âm nhạc, như album của Mỹ Linh, làm giám đốc âm nhạc của những đêm nhạc pop, từ đó chứng minh cho mọi người thấy rằng, tôi không chỉ biết chơi nhạc jazz, mà một nghệ sĩ chơi nhạc jazz có thể bao phủ được rất nhiều thể loại nhạc khác. Rất nhiều bậc thầy trên thế giới đã khẳng định như thế.
10 năm ấp ủ và tích lũy
- Vậy anh có chút nào tiếc nuối khi đã quay về và phải sống ẩn mình 10 năm, không được làm nghề theo đúng đam mê của mình mà phải chơi nhạc pop?
- Đôi lúc tôi cũng chạnh lòng vì không được sống với đam mê của mình. Tôi muốn làm một nghệ sĩ solo trên sân khấu thay vì đệm đàn cho ca sĩ. Nhưng tôi có 10 năm để ấp ủ và cho ra đời dự án dài hơi cho nhạc jazz như thế này. Tôi muốn để khán giả thấy jazz không quá nặng nề. Trái lại, jazz len lỏi trong rất nhiều thể loại nhạc, trong các ca khúc mà họ vốn dĩ rất quen thuộc, thậm chí có thể hát theo. Tôi nghĩ khi đến với hai đêm nhạc Nam Jazz Night (đánh dấu hành trình 10 năm theo đuổi khát vọng jazz của tôi, diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 15-8, và tại TP Hồ Chí Minh tối 23-8), rất nhiều khán giả sẽ ngân nga theo giai điệu của các ca khúc mà nghệ sĩ đang trình diễn trên sân khấu. Họ sẽ nhận ra, à, hóa ra mình đã nghe, đã thưởng thức, đã quen thuộc với jazz từ lâu lắm rồi. Thông qua các ca sĩ, tôi muốn thể hiện sự bao phủ rộng của jazz.
- Và anh quyết định đi con đường độc lập cùng với jazz. Hành trình đó chắc hẳn sẽ rất khó khăn?
- 10 năm lặn lội trong thị trường âm nhạc Việt Nam, tôi nhận ra, jazz len lỏi trong mọi ngõ ngách của đời sống âm nhạc Việt. Qua 10 năm tích lũy, đây là thời điểm thích hợp để quy tụ và cùng anh em đứng trên sân khấu,“nói” cùng một ngôn ngữ. Tôi không có ý định làm một ban nhạc riêng. Tôi mong muốn làm một serie âm nhạc liên quan đến jazz, có nhiều concept khác nhau, sẽ chơi ở nhiều không gian khác nhau, chứ không nhất thiết chỉ ở Nhà hát Lớn. 10 năm len lỏi, học hỏi. Tôi cảm ơn quãng thời gian đó giúp tôi trưởng thành, và đã đến lúc tôi muốn đi con đường của mình. Dù tôi biết phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng tôi sẽ đi đến tận cùng con đường mà không phải ngó nghiêng loay hoay vì tôi hiểu mình đang làm gì.
- Điều gì ở nhạc jazz hấp dẫn anh đến thế?
- Đó là sự ngẫu hứng, bất ngờ. Nhưng ở Việt Nam, jazz thiếu sân khấu, thiếu trải nghiệm, thiếu những chương trình, concert hay, nghệ sĩ không có cơ hội thể hiện được sự phóng khoáng, tự do với nhạc jazz. 10 năm qua, tôi luôn khát vọng sẽ góp phần thổi bùng niềm đam mê jazz, để dòng nhạc jazz phát triển và trở thành dòng nhạc đại chúng ở Việt Nam.Tôi muốn tạo ra cộng đồng, sân chơi cho những người yêu jazz. Jazz sẽ mạnh hơn khi có cộng đồng.
- Nếu vẽ bức tranh jazz Việt ở thời điểm hiện tại, anh sẽ hình dung như thế nào?
- Jazz Việt có những mảng màu khác nhau. Tôi sẽ hoàn thiện bức vẽ với một gam màu khác. Nghệ sĩ Quyền Văn Minh, Quyền Thiện Đắc, Trần Mạnh Tuấn là những bậc thầy đã miệt mài nuôi dưỡng ngọn lửa yêu jazz nhiều năm qua. Họ là những tượng đài của nhạc jazz Việt và đẩy hình ảnh saxophone lên một tầm cao. Còn tôi, ngoài việc là một nghệ sĩ biểu diễn, gắn với cây đàn piano, tôi muốn hướng tới là một nhà sản xuất, không chỉ làm các sản phẩm cho mình mà còn làm cho các nghệ sĩ yêu thích nhạc jazz, nâng tầm nhạc jazz lên. Tôi muốn tạo ra bức tranh nhiều màu cho nhạc jazz. Tôi sẽ từng bước chuẩn bị cho con đường dài với jazz.
- Vậy sau hai concert riêng của mình, con đường phía trước của anh sẽ đi như thế nào, với jazz?
- Sau đêm nhạc này, tôi sẽ bắt tay với một ca sĩ nhạc pop và sản xuất album cho cô ấy, sẽ ra mắt vào cuối năm nay, cùng với một concert riêng. Tôi muốn tạo thương hiệu, là một nhà sản xuất, theo con đường jazz. Thực tế, nhiều album của các ca sĩ đều có hơi hướng của nhạc jazz, rồi những đêm nhạc ca khúc nhiều ca sĩ phối với jazz. Jazz có mặt khắp mọi nơi, chỉ có điều chúng ta có nhận ra và tô nó rõ nét hay không thôi. Tôi hy vọng sẽ làm nên thương hiệu nhạc jazz để mọi người nhận ra, có một mảng âm nhạc rất hấp dẫn đó tồn tại ở Việt Nam.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.
Nguyễn Tuấn Nam là người duy nhất của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam được đặc cách tuyển thẳng vào Học viện Âm nhạc Malmo (Thụy Điển) năm 2017, nhận học bổng toàn phần khóa đào tạo cử nhân và thạc sĩ chuyên ngành Piano Jazz mà không phải qua bất kỳ vòng thi tuyển nào. Trong thời gian học tập ở nước ngoài, anh có nhiều hoạt động lưu diễn và gặt hái nhiều thành công đáng ghi nhớ cùng nghệ sĩ Buzor (Đan Mạch), như tại: Festival danh tiếng Sata-Hame Soi 2009 (Phần Lan), Triển lãm Âm nhạc thế giới tại Frankfurt (Đức), Jazzcruise Sinjaline (Thụy Điển) và nhiều liên hoan âm nhạc khác tại Thụy Điển, Đan Mạch.
Tuấn Nam là nhà sản xuất âm nhạc, giám đốc âm nhạc và kỹ thuật cho nhiều dự án, chương trình ca nhạc lớn ở Việt Nam như liveshow Hoàng Quyên, Kenny G Live in Concert, Live in Concert BoneyM- Chris Norman… Anh kết hợp cùng nhiều ca sĩ nổi tiếng như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam, Oplus… để tạo nên nhiều sản phẩm âm nhạc chất lượng cao.