Tình thương trên đất “Hoa rừng”

Biết chúng tôi có ý định vào thăm điểm trường Phà Nọi, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đoọc Mạy, huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) không quên dặn “phải đi ngay đi để còn kịp trở ra, nếu gặp mưa dễ mắc kẹt lại đó”...
0:00 / 0:00
0:00
Thầy giáo Già Bá Khù trong giờ lên lớp. Ảnh: TIẾN ĐÔNG
Thầy giáo Già Bá Khù trong giờ lên lớp. Ảnh: TIẾN ĐÔNG

“Hai không” nơi bản nhỏ Phà Nọi

Những năm gần đây, được đầu tư về giao thông, lên các xã vùng cao biên giới Bắc Lý, Mỹ Lý, Na Loi, Đoọc Mạy, Keng Đu... phía cực tây huyện 30a Kỳ Sơn đã bớt gập ghềnh, rút ngắn khoảng cách vùng sâu, vùng xa với trung tâm. Nhưng từ thị trấn Mường Xén đi ô-tô gầm cao cũng phải mất gần bốn giờ trên con đường gần 60km quanh co, qua nhiều đèo dốc cao dựng đứng, vắt vẻo bên vực thẳm sâu mới đến được xã vùng cao biên giới Đoọc Mạy. Tên xã “Đoọc Mạy” được người dân giải nghĩa rằng: “Đoọc” là hoa, “Mạy” là cây rừng. Thì trong rừng sâu núi thẳm này chẳng là chỉ có hoa rừng nở rộ muôn sắc khi mùa xuân về!

Đoọc Mạy có 383 hộ, chủ yếu là đồng bào H’Mông. Bao đời nay người dân nơi đây sản xuất lương thực vẫn chủ yếu phát rừng tra hạt, cuộc sống tự cung tự cấp, cho đến nay vẫn có đến 71,8% hộ nghèo. Đã nghèo, sự học nơi đây còn khó hơn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đoọc Mạy Trần Hữu Trường chia sẻ. Thầy Trường quê ở xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, đã gần 30 năm gắn bó với giáo dục Kỳ Sơn. Năm 1995, tốt nghiệp Trường trung học Sư phạm Miền núi Nghệ An, nhận quyết định lên Kỳ Sơn, qua hết các điểm trường Bắc Lý, Mỹ Lý rồi Na Ngoi và Đoọc Mạy từ khi mái đầu còn xanh, nay đã bắt đầu nhuốm bạc. Thầy cho biết, trường tiểu học duy nhất của Đoọc Mạy được thành lập chưa đầy 15 năm, phần lớn học sinh là con em đồng bào dân tộc H’Mông. Trường được biên chế 25 cán bộ, giáo viên, cơ cấu gồm một điểm chính đóng tại bản Phà Lệch Phay có điện lưới quốc gia, còn ba điểm lẻ ở Huồi Viêng, Phà Nọi và Noọng Hán nằm cách xa điểm chính từ 5-10 cây số đều đang trong cảnh “hai không” (không điện, không sóng điện thoại).

Nếu tính bán kính từ trường chính đến điểm trường lẻ, xa nhất vẫn là điểm trường Phà Nọi. Biết chúng tôi có ý định muốn đến Phà Nọi, thầy Trường cử một giáo viên dẫn đường và không quên dặn “phải đi ngay đi để còn kịp trở ra, nếu gặp mưa dễ mắc kẹt lại đó”. Đường lên xã Đoọc Mạy đã khó, đường vào Phà Nọi còn khổ cực hơn. Con đường “ngang trời” xuyên qua những dãy núi cheo leo. Chiếc xe máy rú ga gầm gừ nhả khói chồm qua lởm chởm những ổ voi, ổ gà, leo lên con dốc cao dựng đứng rồi bỗng chốc chuội xuống dốc đứng như sắp lộn ngược. Gần một tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đến được Phà Nọi, một bản nhỏ chưa đầy 50 nóc hộ nằm lưng chừng đỉnh Phà Và. Trước lúc đi, thầy Trường giải nghĩa, theo người Thái địa phương, “Phà Nọi” là vùng núi đá nhỏ. Đúng vậy, Phà Nọi, một bản nhỏ nằm lọt thỏm trong dãy núi đá vôi lô nhô cao thấp như những chóp nón, quanh năm mây phủ.

Tình thương trên đất “Hoa rừng” ảnh 1

Đường lên bản Phà Nọi. Ảnh: TIẾN ĐÔNG

Nhà trưởng bản Già Vả Xấu nằm ngay đầu con dốc đầu bản. Vào nhà vừa gặp gỡ, trò chuyện, ông trưởng bản đã khoe ngay: “Trường học đã được xây mới không còn nhà mái tranh thưng vách ván thủng lỗ chỗ như trước, con em đã có bàn ghế ngồi học trong phòng ấm cúng rồi”. Điểm trường lẻ Phà Nọi có một lớp học mầm non 10 cháu, hai lớp 1 và 2 với 12 em. Tháng 8/2022, điểm trường này được xây dựng mới khang trang hơn trước, thầy Già Bá Khù cho biết.

Năm 1995, thầy Khù là một trong số những người H’Mông hiếm hoi ngày đó học sư phạm ra trường, vừa thạo tiếng, vừa biết dạy chữ nên được nhà trường phân công cắm điểm lẻ này. Các em lớp 1, 2 chưa thạo tiếng Kinh nên gần như thầy Khù phải dạy “song ngữ”. Dù sĩ số chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng do dạy ghép nên phải nỗ lực gấp đôi, thầy Khù chia sẻ: “Nhiều đồng nghiệp ở dưới xuôi lên, xa gia đình, người thân, ăn uống kham khổ, thiệt thòi nhiều thứ còn chịu đựng được, mình sinh ra và lớn lên tại đây đã quen, cớ sao mình không cố gắng được!”.

Nhà thầy Khù cách điểm Trường Phà Nọi hơn 10 cây số. Những ngày thời tiết thuận lợi, dậy lúc tờ mờ sáng, thầy đi xe máy đến trường, chiều tối mới về nhà. Mùa mưa hay mùa đông lạnh, thầy ở lại trong căn lán nhỏ đơn sơ cạnh trường đủ đặt một chiếc giường, cạnh là bếp củi để nấu ăn. Biết thầy dạy điểm lẻ vất vả nên bà con dân bản rất thương, coi thầy như con em của bản. Thi thoảng từ rẫy về bà con thường biếu thầy ít củi, rau, măng hoặc sóc, chuột bẫy được để cải thiện. Tại Phà Nọi, điện lưới vẫn chưa tới, do đó sóng điện thoại cũng không nên sau mỗi buổi học khi trời còn sáng, thầy Khù tranh thủ soạn giáo án để ngày mai tiếp tục lên lớp. Vào mùa đông, mây mù luôn bao phủ, lớp học tối om, thầy trò phải tranh thủ học giữa trưa khi trời sáng.

Những tấm lòng đến vùng heo hút

Trở về điểm trường chính trời đã nhá nhem tối, nhìn ánh điện lung linh một khoảng nhỏ giữa đại ngàn, chúng tôi chợt chạnh lòng vì Phà Nọi vẫn trong cảnh tối tăm với bếp lửa, đèn dầu. Hiệu trưởng Trần Hữu Trường cho biết: Khoảng 5 năm trước, khi thay sách giáo khoa và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, một số trường tiểu học đã thí điểm đưa học sinh từ lớp 3 trở lên về học tập trung tại điểm chính. Nhưng do cơ sở vật chất khó khăn, mãi đến năm học 2020-2021, Trường tiểu học Đoọc Mạy mới đưa được hơn 30 học sinh đầu tiên của xã về học bán trú. Đến năm học 2021-2022, đưa được 68 em và năm học 2022-2023 này lên đến 88 em. Chế độ được Nhà nước hỗ trợ cho học sinh bán trú tại trường có 15kg gạo và 596 nghìn đồng/tháng nhưng lại không có đồ dùng phục vụ bán trú. Ở miền núi cao, hầu hết gia đình học sinh đều có hoàn cảnh rất khó khăn, vì thế việc vận động từ phụ huynh là không thể. Chỉ có kết nối với bạn bè, anh em, với các nhà hảo tâm, mong được sự quan tâm, giúp đỡ. Sau nhiều đêm trăn trở, thầy Trường đã mạnh dạn viết thư ngỏ gửi nhờ những tấm lòng nhân ái giúp đỡ. Chỉ sau một thời gian ngắn, nhà trường đã được nhiều nhà hảo tâm biết đến mở lòng hỗ trợ vật chất, tiền để nhà trường có đồ dùng phục vụ cho học sinh bán trú.

Mới đây nhất, trong tháng 11/2022, Lương Thị Xuân, một giáo viên của nhà trường cũng đã kết nối với một đơn vị ở tỉnh Lào Cai, được tặng 220 chiếc áo ấm, 70 chiếc chiếu và 70 cái chăn cho các em học sinh.

Từ thư ngỏ, cuối năm 2021, nhóm thiện nguyện Từ Tâm tại Hà Nội đã hỗ trợ nhà trường 208 chiếc áo ấm, một tủ lạnh, một loa kéo và 68 chiếc rương làm bằng tôn để cho học sinh đựng đồ, tổng trị giá hơn 60 triệu đồng. Đầu năm 2022, một đơn vị ở huyện Nghĩa Đàn hỗ trợ ba chiếc tivi trị giá 36 triệu đồng phục vụ cho việc học tập. Cũng qua thư ngỏ, tháng 6/2022, các sư cô chùa Cổ Linh ở Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương và một doanh nghiệp ở Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng hai phòng học và nhà vệ sinh cho điểm lẻ Phà Nọi, trị giá 220 triệu đồng. Nhờ vậy mà từ năm học 2022-2023 này, điểm trường Phà Nọi đã được “kiên cố hóa” sau nhiều năm thầy trò dạy học trong phòng tạm bợ. Ngay trước thềm năm học 2022-2023, Trường Đoọc Mạy đã nhận được 84 bộ bàn ghế mới trị giá 70 triệu đồng do Hệ thống giáo dục Thăng Long Kidsmart trao tặng. Hiệu trưởng trường còn cho biết thêm tin vui, gia đình bà Huỳnh Thị Min, trú tại TP Hồ Chí Minh đã đồng ý theo đề xuất của nhà trường, tài trợ xây dựng sáu phòng ở cho học sinh, trị giá khoảng 1 tỷ đồng. “Sự đồng lòng, chung tay của tập thể hội đồng sư phạm nhà trường và những nghĩa cử cao đẹp, sự quan tâm từ các cá nhân, tổ chức chính là niềm tin, động lực để thầy trò khắc phục khó khăn, thi đua dạy và học tốt hơn”, thầy Trường chia sẻ.

Chia tay thầy cô Trường tiểu học Đoọc Mạy, chợt vui chợt buồn. Vui vì nhà trường không còn đơn lẻ bởi đã có những tấm lòng nhân ái hướng về. Cũng chợt buồn nghĩ đến cuộc sống của thầy và trò ở Phà Nọi vẫn nằm trong vùng “hai không” và cả “ốc đảo” Phà Nọi heo hút, nhỏ nhoi đang còn nhiều khốn khó.