Có nhiều năm công tác trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ, bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW nêu một con số khiến nhiều người giật mình. Trong ba năm gần đây, Bệnh viện Thẩm mỹ JW tiếp nhận 511 bệnh nhân đến điều trị vì biến chứng sau khi thẩm mỹ. Trong đó, các ca bệnh bị biến chứng chủ yếu xảy ra ở các cơ sở thẩm mỹ “chui”. Đáng báo động, tình trạng nhiều người dù không phải là bác sĩ và không có trình độ y khoa nhưng vẫn mở spa, tự ý tổ chức phẫu thuật làm đẹp. Rất nhiều trường hợp để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe khi tiêm filler vô tội vạ gây biến chứng nặng nề như hoại tử, thương tật cơ thể hoặc thậm chí tử vong. Nhiều trường hợp trải qua hàng chục lần xử lý tai biến..., bác sĩ Dung cho biết.
Số liệu của Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam cho thấy, có 479 phòng khám da liễu (chiếm 56%) trên cả nước đã “tự ý” phẫu thuật thẩm mỹ dù không được cấp phép của cơ quan chức năng. Mỗi năm, Việt Nam có 250 nghìn người đi phẫu thuật thẩm mỹ thì có khoảng 25 nghìn - 35 nghìn ca bị biến chứng thẩm mỹ (chiếm 14%). Tại hội thảo với chủ đề “Ứng xử ra sao với sự cố y khoa” do báo Tiền phong tổ chức mới đây, TS, bác sĩ Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện SIS Cần Thơ cho biết, sự cố y khoa có thể xảy ra trong nhiều tình huống mà cả y, bác sĩ, người bệnh đều không lường trước được. Từ việc đang nằm trên xe cấp cứu văng ra khỏi cửa té xuống đường; gọi nhầm tên, giới tính dẫn đến việc mổ nhầm bệnh nhân... Liên quan đến các sự cố y khoa, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng dẫn một khảo sát từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, sự cố y khoa là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Tại Việt Nam, vấn đề này gây ra nỗi đau cho nhiều gia đình, cơ sở y tế. Thống kê cho thấy, sai sót dẫn đến sự cố y khoa đến từ lỗi do cá nhân chiếm 30%, lỗi do hệ thống (quản trị, giám sát) chiếm đến 70%.
Theo bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, bên cạnh các lý do khách quan, các sự cố y khoa đến từ lý do chủ quan đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho các gia đình và xã hội. Thực trạng này có nguyên nhân lớn là do chế tài pháp luật hiện nay xử lý quá nhẹ với các trường hợp thẩm mỹ “chui”. Để một người không có chuyên môn, tự ý dùng dao kéo can thiệp vào cơ thể của con người và gây nên nhiều hậu quả về mặt sức khỏe nhưng mức xử phạt với các đối tượng này hiện vẫn chưa đủ sức răn đe, thậm chí, nhiều đối tượng vẫn bất chấp luật pháp để trục lợi trên cơ thể bệnh nhân. Bên cạnh tăng các chế tài về pháp luật, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp này để răn đe các cơ sở khác. Bác sĩ Dung cũng đề cao vấn đề y đức trong hành nghề đối với các cơ sở thẩm mỹ.
Đứng ở góc độ là người quản lý tại bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, sự cố y khoa là vấn đề không thể tránh khỏi trong các cơ sở y tế nên khi xảy ra sự cố, điều đầu tiên cần làm là giải quyết ổn thỏa cho người bệnh, người nhà bệnh nhân, sau đó lập hội đồng chuyên môn đi tìm nguyên nhân để có những đánh giá cụ thể, chính xác và khách quan. Việc quy chụp, đổ lỗi cho cá nhân sẽ khiến các nhân viên y tế cố tình bưng bít sự cố dẫn đến việc giải quyết vấn đề gặp rất nhiều khó khăn.
Chung quan điểm, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, trong quá trình công tác trong ngành y tế, ông từng chứng kiến nhiều sự cố y khoa và bản thân cũng từng nhiều lần thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế đến gia đình bệnh nhân xin lỗi bởi những thiệt hại đến từ các sự cố y khoa. Từ thực tế đó, khi xảy ra sự cố, các cơ sở y tế và nhân viên y tế cần bình tĩnh, nhìn thẳng vào sự thật và công khai xin lỗi bệnh nhân. Đối với các bệnh viện có lượng bệnh nhân càng đông thì các sai sót, sự cố y khoa rất dễ xảy ra nên khi xảy ra sự cố, đơn vị cần có sự chia sẻ với cá nhân, ê-kíp để họ cảm thấy an tâm khi hành nghề chứ không phải bỏ nghề sau sự cố y khoa. Cần thay đổi tư duy “đổ thừa”, “trừng phạt” và cùng nhau phân tích các giải pháp để giảm các sự cố tương tự có thể xảy ra.