Tiếp sức văn nghệ sĩ hiệu quả

Đầu tuần tới, lễ phát động sáng tác văn học, nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022-2025 sẽ diễn ra tại Hải Phòng do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp tổ chức.
0:00 / 0:00
0:00

Đây là chương trình hoạt động quan trọng của ngành văn hóa, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 85 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam. Cũng như, là sự cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc khích lệ, tạo điều kiện, đầu tư cho văn nghệ sĩ sáng tác, công bố tác phẩm, trình diễn, phát hành, quảng bá phục vụ công chúng rộng rãi, bồi đắp và nâng cao vốn thẩm mỹ vì một xã hội văn hóa, nhân văn.

Tham dự sự kiện này, sẽ có đại diện Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, một số hội thành viên các chuyên ngành như văn học, sân khấu, múa, âm nhạc cùng đại diện Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Đây cũng là đại diện lực lượng văn nghệ sĩ đông đảo cả nước hưởng ứng chương trình sáng tác giàu ý nghĩa này.

Hướng tới sự hưởng ứng ý nghĩa nhất là sự ra đời các tác phẩm xuất sắc trong tương lai, theo tinh thần “Sống mãi với thời gian”, mong rằng trong các hoạt động triển khai, phối hợp giữa ngành văn hóa và khối liên hiệp, các hội nghề nghiệp từ trung ương đến địa phương, sẽ có nhiều vấn đề được chú trọng thực hiện. Đó là, cần sự triển khai sâu rộng trong hệ thống các hội nghề nghiệp để đông đảo hội viên, văn nghệ sĩ được biết, có cơ hội tham gia. Tiếp đó, cần những hình thức đầu tư, hỗ trợ sáng tác thiết thực nhằm giúp văn nghệ sĩ có điều kiện được thâm nhập thực tế, nghiên cứu, sáng tạo một cách thuận lợi, hiệu quả. Việc hỗ trợ, đồng hành trong quá trình này cũng nên được gắn với các hoạt động đăng tải, in ấn, phát hành, trình diễn, phát sóng… các tác phẩm mới. Vừa nhằm phục vụ công chúng, vừa coi đó như những phép thử bước đầu để xã hội thưởng thức và đánh giá chất lượng tác phẩm. Và qua mỗi chặng sơ kết, tổng kết giai đoạn sáng tác 2022-2025 này, cần chú trọng đặc biệt vào công tác đánh giá, nghiệm thu trên cơ sở đòi hỏi chất lượng chuyên môn, nghệ thuật cao, giàu sáng tạo, giàu giá trị thẩm mỹ. Có như vậy, từ phong trào sáng tác chung sôi nổi, mới tìm chọn ra được những tác phẩm, tác giả xứng đáng để tiếp tục ghi nhận, tôn vinh, lan tỏa sâu rộng, lâu dài hơn nữa vào xã hội.

Đây là cả một hành trình khá lâu dài với nhiều chặng, đòi hỏi sự kết nối, chăm lo thường xuyên, sự theo dõi bền bỉ để cùng hợp tác, hỗ trợ, thúc đẩy giữa công tác quản lý, tổ chức với các hoạt động sáng tác; giữa các cơ quan ngành văn hóa, hội nghề nghiệp với những trường hợp tác giả, tác phẩm cụ thể. Và thật sự cần cái tâm, cái tầm với sự phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa đất nước, văn hiến dân tộc để gây dựng, duy trì, triển khai các hoạt động này. Cần thấy trước những bộn bề, thách thức của con đường, cũng chính là để xác định những trọng tâm văn nghệ giữa trăm công nghìn việc mỗi năm của ngành văn hóa.