Kỳ I: Gió thổi mùa khó
Yêu nghề, yêu biển, nhiều ngư dân đã nỗ lực vươn khơi, bám biển. Nhưng đâu phải lúc nào công việc cũng thuận buồm xuôi gió. Bao nỗi gian truân mà ngư dân phải đối mặt đã phần nào vơi đi, khi sự khích lệ, giúp đỡ của cơ quan chức năng đến kịp thời.
Mỏi mắt tìm bạn đi biển
Những năm trước, cứ dịp trước và sau Tết Nguyên đán, tàu thuyền ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) lại tấp nập vươn khơi "đón lộc" đầu năm. Nhưng năm nay không khí hoàn toàn ngược lại, bao trùm các cảng cá là sự ảm đạm bởi đến giữa tháng ba mà rất nhiều tàu thuyền còn nằm bờ. Ông Vũ Văn Cự, Trưởng Liên tập đoàn đánh cá Nam Triệu (xã Lập Lễ) chia sẻ: Năm nay lượng tàu của địa phương vươn khơi trước và những ngày sau Tết chưa đầy 20% số phương tiện.
Lão ngư dân Trần Văn Hải, tâm sự, ở thời hoàng kim, toàn xã Lập Lễ có tới hơn 800 tàu khai thác cá, nhưng nay giảm chỉ còn khoảng 390 chiếc. Do khai thác không có lãi, nhiều ngư dân duy trì những chuyến đi đánh bắt để đỡ nhớ nghề và cũng không nỡ bán hẳn tàu thuyền, hoặc rời khỏi Liên tập đoàn đánh cá Nam Triệu. "Năm nay thời tiết bất thường, nhìn hướng gió là biết sẽ xảy ra các hiện tượng cực đoan, phần nào ảnh hưởng đến việc khai thác", ông Hải trải lòng.
Thực trạng này cũng diễn ra ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Kiên Giang… Nhìn những con tàu từng hùng dũng vươn khơi, chinh phục vùng lộng, mang về nguồn lợi hải sản, góp phần nâng cao đời sống kinh tế ngư dân, nay nằm bờ trước ì oạp sóng vỗ chờ… người lao động, ông Huỳnh Văn Kiểm, chủ một tàu cá ở thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) không khỏi xót xa. Ông Kiểm cho biết, hiện nay xảy ra tình trạng già hóa lao động đi biển, người trẻ ở các địa phương ven biển đi tìm việc khác đỡ vất vả và có thu nhập cao hơn. "Không đủ lao động, nhiều tàu thuyền phải nằm bờ. Không kiếm được đồng nào, trong khi nhiều người vẫn phải gánh lãi khoản vay ngân hàng và chi phí bảo dưỡng tàu thuyền", ông Kiểm giãi bày.
Chung nỗi niềm, ngư dân Trần Văn Quân (tổ dân phố Hải Tiến, phường Thuận An, thành phố Huế), chủ tàu cá số hiệu TTH-955.99 và tàu cá số hiệu TTH-955.59, trăn trở: "Đi khơi cũng dở mà cho tàu nghỉ cũng dở. Mỗi chuyến đi mất đến hơn 50 triệu tiền nhiên liệu, chưa kể chi phí phục vụ ăn uống, trả lương cho bạn tàu. Nếu đi mà sản lượng mang về không đạt thì chúng tôi chẳng những thua lỗ mà còn mệt người". Theo các ngư dân, để tàu hành nghề vươn khơi, mỗi chuyến cần từ 11-12 lao động/tàu, với tàu đánh bắt cá ngừ đại dương cần từ 5-7 lao động/tàu. Các chủ tàu đã cố gắng tăng mức lương, thưởng nhưng vẫn khó tìm được người mặn mà hợp tác.
Tại Kiên Giang, tình trạng tàu đi biển cầm chừng đã diễn ra từ vài năm qua. Rất nhiều ngư dân thất thu chuyến đánh bắt cuối năm 2023 nên đầu xuân Giáp Thìn không tổ chức đi biển. Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) là một trong những chủ sở hữu nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh, với số lượng 13 chiếc, thời điểm này chỉ để hai tàu duy trì hoạt động. Ông Ngữ bày tỏ: Khi Nhà nước có chủ trương khuyến khích đóng tàu vươn khơi bám biển, nhiều ngư dân phấn khởi, đầu tư đóng tàu công suất lớn để khai thác nguồn hải sản. Trước đây nhà nào có nhiều tàu là kinh tế khá giả, tuy nhiên những năm qua, nghề khai thác đi vào thoái trào. Nhiều chủ tàu bị phá sản, buộc phải bán nhà, bán tàu trả nợ rồi đi làm thuê.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, năm 2023, sản lượng khai thác thủy sản trên biển của tỉnh khoảng 437.199 tấn, bằng 91,08% kế hoạch và chỉ bằng 87,03% so cùng kỳ năm 2022. Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang kêu gọi ngư dân, chủ tàu, chủ doanh nghiệp đánh bắt, thu mua, chế biến thủy sản, dù thế nào vẫn phải tuân thủ pháp luật; không gây hại đến nguồn lợi, không khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, uy tín quốc gia.
Ðộng lực từ sự khích lệ
Để giúp ngư dân vững tâm, lãnh đạo nhiều địa phương đã kịp thời động viên bà con vươn khơi bám biển bằng cả tinh thần và các chính sách hỗ trợ về vật chất. Tại Quảng Bình, từ đầu năm 2024 đến nay Ủy ban nhân dân tỉnh đã thực hiện bốn đợt hỗ trợ kinh phí với số tiền gần 100 tỷ đồng (nguồn vốn Trung ương) cho chủ tàu cá khai thác vùng biển xa. Đây là số tiền để hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, chi phí nhiên liệu đi và về. Cùng với đó, tỉnh Quảng Bình có quy định hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình cho tàu cá trong tỉnh. Chính sách này vừa trợ giúp ngư dân vừa nâng cao công tác quản lý tàu cá để chống khai thác hải sản IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định). Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là các tổ chức, cá nhân có tàu cá chiều dài từ 15m trở lên đăng ký tại tỉnh Quảng Bình, có đầy đủ các hồ sơ pháp lý liên quan. Ông Bùi Minh Hiệp, chủ một tàu cá ở Đồng Hới (Quảng Bình), tâm tư: Ngoài áp lực phải khai thác đạt sản lượng cao, ngư dân chúng tôi còn phải có ý thức về chống khai thác IUU, cố gắng gỡ "thẻ vàng" để hàng hóa thủy sản thuận tiện xuất khẩu vào thị trường châu Âu và một số thị trường quan trọng khác.
Tỉnh Quảng Ngãi có 4.292 tàu cá với tổng công suất hơn 1,7 triệu CV, có 3.147 tàu chiều dài từ 15m trở lên khai thác ở vùng khơi. Thời gian qua, ngoài việc đẩy mạnh chương trình hoán cải, nâng cao công suất tàu thuyền, tỉnh đang xúc tiến chương trình hiện đại hóa nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản với việc đầu tư xây dựng hạ tầng nghề cá; khuyến khích ngư dân phát triển dịch vụ cung cấp nhiên liệu trên biển, nâng cao khả năng bảo quản, sơ chế sản phẩm sau thu hoạch để nâng cao giá trị kinh tế.
Ở Bình Định, địa phương có 3.254 tàu thuyền khai thác, đứng thứ ba cả nước sau Kiên Giang và Quảng Ngãi về số lượng, hằng năm, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ hơn 800 tỷ đồng, kịp thời giúp ngư dân khắc phục khó khăn, yên tâm bám biển. Trong đó, hỗ trợ một lần kinh phí sau đầu tư cho chủ tàu đánh bắt cá ngừ đại dương thực hiện quy trình công nghệ ứng dụng khí nitơ nano trong bảo quản sản phẩm trên tàu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định phối hợp các huyện, thị xã, thành phố ven biển và cơ quan chức năng trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các chủ tàu cá và doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh tham gia thực hiện quy trình công nghệ ứng dụng khí nitơ nano trong bảo quản cá ngừ đại dương trên tàu câu.
Cá về Cảng cá Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình). |
Còn đó những rào cản
Trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển, ở nhiều địa phương vẫn tồn tại nhiều rào cản cần tháo gỡ. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định Hoàng Văn Phúc, nêu vấn đề: Việc thực hiện các chính sách cũng gặp nhiều khó khăn, do tàu đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP hoạt động sản xuất không hiệu quả và có đơn đề nghị xin chuyển đổi nghề hoặc kiêm nghề khai thác. Rồi nhiều chủ tàu nợ quá hạn ngân hàng lớn, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách. Phía ngân hàng không giám sát được doanh thu của tàu nên hầu hết các chủ tàu báo lỗ không trả nợ theo quy định. Ngoài ra, việc xác nhận danh sách thuyền viên thay thế trong sổ danh bạ thuyền viên tàu cá còn nhiều bất cập, số lượng thuyền viên đi trong chuyến biển khác với số lượng thuyền viên trong danh sách đăng ký ban đầu, làm ảnh hưởng đến quá trình hỗ trợ.
Bên cạnh đó, ở một số địa phương còn xảy ra tình trạng thiếu cán bộ quản lý thủy sản, cán bộ chưa quan tâm đến hoạt động và giám sát tàu cá. Lại có nơi tàu cá hoạt động ở các tỉnh ngoài nhiều năm không về địa phương nên khó khăn trong công tác quản lý, hỗ trợ. Ngư dân Nguyễn Văn Tiến (Bình Định), bộc bạch: "Cứ lênh đênh trên biển, nếu đánh bắt không gặp, chẳng ít người làm liều, dẫn đến vi phạm quy định".
(Còn nữa)