Tiến đến thực chất và sâu sắc hơn

Khép lại năm 2023 cũng là năm kỷ niệm tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hà Lan, mở ra năm mới với nhiều triển vọng hợp tác để tiếp tục thúc đẩy, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị và năng động hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu dự Hội thảo. Ảnh: TÂM THANH
Các đại biểu dự Hội thảo. Ảnh: TÂM THANH

“Người bạn châu Âu của Việt Nam”

Trên con đường đồng hành 50 năm qua, Hà Lan luôn là đối tác quan trọng, là người bạn châu Âu của Việt Nam. Từ năm 2019, hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, thường xuyên triển khai trao đổi đoàn cấp cao, nâng tầm hợp tác đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển bền vững. Cũng từ đó, Hà Lan đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Âu và là nhà đầu tư lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam. Nhiều sản phẩm Hà Lan hiện diện trong đời sống người dân Việt Nam như sữa, bia, thực phẩm đóng gói, hàng tiêu dùng..., cho thấy sự gắn bó giữa hai nước không chỉ dừng ở tầm vĩ mô.

Giữa hai nước có nhiều điểm chung, trong đó có tầm nhìn và hành động ứng phó các thách thức toàn cầu. Việt Nam và Hà Lan đã thiết lập khuôn khổ Đối tác chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và quản lý nước vào năm 2010, Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực vào năm 2014, triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác cụ thể, thiết thực tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thủ tướng Hà Lan Mark Rudd từng nhận xét, “ĐBSCL như là một phần của Hà Lan”, cho thấy sự quan tâm đặc biệt với khu vực được đánh giá là chịu tác động nặng nề của BĐKH ở Việt Nam.

Quan hệ song phương đã được mở rộng sang nhiều lĩnh vực như an ninh quốc phòng, giao thông vận tải, khoa học-công nghệ... ở cả cấp trung ương và địa phương, trong đó có hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và Rotterdam, Hà Nội và Amsterdam… Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar đánh giá, hai nước đã xây dựng một mối quan hệ “mạnh mẽ với nhiều thành quả, dựa trên hợp tác, tôn trọng và tin cậy”. Ông cũng chia sẻ tự hào được đóng góp một phần trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội “kỳ diệu” và “đáng kinh ngạc” của Việt Nam. Đại sứ khẳng định mong muốn cùng Việt Nam đón nhận những cơ hội của giai đoạn 50 năm tiếp theo, nhằm làm sâu sắc và đẩy mạnh, mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giao lưu nhân dân và phát triển bền vững.

Tiến đến thực chất và sâu sắc hơn ảnh 1

Chuyên gia Hà Lan tư vấn nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: BNNPTNT

Để hợp tác đi vào thực chất hơn

Tại Hội thảo “50 năm quan hệ Việt Nam - Hà Lan: Thành tựu và triển vọng” do Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức ngày 15/12 tại Hà Nội, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, ông Ngô Hướng Nam đánh giá năm 2023 là một năm hoạt động sôi nổi, đưa quan hệ Việt Nam - Hà Lan trở thành điển hình của mối quan hệ năng động và thiết thực. Hai nước đã xây dựng một mô hình hợp tác song phương độc đáo và hiệu quả, trên khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện và bám trên hai trụ cột là nông nghiệp và phát triển bền vững. “Chúng tôi cho rằng mô hình này rất hiệu quả, sâu sắc và thực chất”, ông Nam nhấn mạnh.

Trong bối cảnh các thách thức toàn cầu ngày càng phức tạp hơn, đặt ra yêu cầu cho mối quan hệ hợp tác giữa hai bên trong giai đoạn tới đi vào chiều sâu và phát triển thực chất, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho rằng, hai nước cần tiếp tục duy trì nền tảng tin cậy chính trị tốt đẹp thông qua tiếp xúc ở tất cả các cấp và các kênh, nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác trong các lĩnh vực khác; kinh tế, thương mại, đầu tư sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ, hai nước cần tận dụng cơ hội to lớn từ các khuôn khổ pháp lý như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), mang lại những lợi ích to lớn cho doanh nghiệp của cả hai nước. Hai bên cũng đứng trước những cơ hội, động lực hợp tác mới về kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, khai thác tốt lợi thế, tiềm năng của Việt Nam và với sự hỗ trợ của Hà Lan trong xây dựng thể chế, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Nông nghiệp là một trụ cột rất quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước. Theo TS Trương Thị Thu Trang, Phó Viện trưởng Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, các chuyên gia Hà Lan đã sát cánh đồng hành cùng ĐBSCL - vựa nông nghiệp của Việt Nam. Sự hợp tác giữa các chuyên gia hai bên đã đóng góp rất lớn cho mối quan hệ song phương. Nhìn vào chuỗi giá trị nông sản đầy tiềm năng ở Việt Nam hiện nay, hai bên có nhiều cơ hội hợp tác về tài nguyên đất, tài nguyên nước. Hà Lan có nhiều kinh nghiệm trong quản lý thủy lợi, chống ngập mặn, trong quản lý đất đai, kinh nghiệm trong tập trung tích tụ đất đai… có thể chia sẻ với Việt Nam.

Về dư địa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Quốc tế, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, chiến lược mới của Việt Nam thu hút FDI đang kêu gọi các doanh nghiệp lớn đi cùng hệ sinh thái của họ, cùng với đó ưu tiên các dự án có kế hoạch mở trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam hay dự án có tỷ lệ nội địa hóa cao.

Hiện Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư vào hạ tầng thông qua hình thức đối tác công - tư (PPP), đặc biệt có một số xu hướng mới liên quan kinh tế tuần hoàn, đô thị thông minh, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Cơ hội đầu tư trong các ngành dịch vụ, logistics, các dịch vụ viễn thông, sửa chữa tàu biển… là những thế mạnh của Hà Lan và còn nhiều dư địa phát triển tại Việt Nam.