Tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương:

Tiềm năng di sản tư liệu ở nước ta rất lớn

Lần đầu ở nước ta, loại hình Di sản tư liệu được đề cập trong Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), dự kiến sẽ trình Quốc hội trong năm 2023. Những vấn đề chung quanh câu chuyện luật hóa việc bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình di sản đặc biệt này là nội dung trao đổi của Nhân Dân cuối tuần với Tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Từ năm 2014 đến nay, Tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương là Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO Khu vực châu Á-Thái Bình Dương (MOWCAP). Tiến sĩ là người có nhiều đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện và bảo vệ bảy hồ sơ Di sản tư liệu của nước ta đã được UNESCO ghi danh ở cấp thế giới và khu vực.
Từ năm 2014 đến nay, Tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương là Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO Khu vực châu Á-Thái Bình Dương (MOWCAP). Tiến sĩ là người có nhiều đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện và bảo vệ bảy hồ sơ Di sản tư liệu của nước ta đã được UNESCO ghi danh ở cấp thế giới và khu vực.

Phải hiểu đúng về di sản tư liệu

- Thưa Tiến sĩ, năm 2009, Mộc bản triều Nguyễn được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thế giới, nhưng phải đến nay, 13 năm sau, loại hình di sản này mới được đề cập chính thức trong Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với khái niệm, định nghĩa, tiêu chí đánh giá, xếp hạng. Vậy trong thời gian qua, loại hình di sản này ở nước ta đã và đang được coi trọng ra sao?

- Sau Mộc bản Triều Nguyễn, nước ta đã có sáu di sản tư liệu khác được UNESCO ghi danh ở cấp thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho thấy sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đối với loại hình di sản được xem như là mới này.

Loại hình Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO được khởi xướng từ năm 1992; ở nước ta, năm 2006, thành lập Ban điều phối Chương trình Ký ức thế giới; đến năm 2012, Ban này được nâng cấp thành Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới, Ban Thư ký đặt tại Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) và do Cục trưởng Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (lúc đó là tôi) làm Chủ tịch. Nhưng cho đến hôm nay, vẫn chưa chính thức có văn bản quy phạm pháp luật nào được ban hành quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản tư liệu. Đó là chưa kể tới cơ chế tài chính dành cho nhiều việc từ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và đưa ra các giải pháp phát huy giá trị di sản tư liệu đã được ghi danh đều chưa tương xứng với tiềm năng phong phú của di sản tư liệu.

- Về cách hiểu của cả ba bên:nhà quản lý, hoạch định chính sách, người dân và giới chuyên môn về loại hình di sản đặc biệt này, có những điểm gì cần lưu ý, thưa Tiến sĩ?

- Tôi đồng ý: có hiểu đúng thì mới biết cách phát huy giá trị của di sản. Từ góc độ của một chuyên gia, tôi thấy việc hiểu đúng về di sản tư liệu ở nước ta còn cần phải được lưu ý ở một số điểm sau:

Thứ nhất, di sản tư liệu là di sản vật thể, bao gồm vật mang tin cùng các thông tin được chứa đựng trên đó; chứ không phải là di sản phi vật thể như một số người đã hiểu. Thí dụ: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) bao gồm toàn bộ bản gỗ (vật mang tin) và các ký tự khắc trên đó (thể hiện nội dung thông tin). Thứ hai, UNESCO xếp di sản tư liệu trong lĩnh vực Thông tin-Truyền thông bởi nó chứa đựng thông tin cụ thể, truyền lại được cho đời sau thông qua ký tự hoặc một dạng thức mã hóa thông tin tại thời điểm lịch sử mà nó ra đời. Thứ ba, tùy vào điều kiện từng quốc gia mà có thể đưa di sản tư liệu vào lĩnh vực lưu trữ hay văn hóa nói chung để quản lý được tốt nhất.

Trong thực tế đây đó, vẫn có những cán bộ văn hóa cấp cơ sở lợi dụng sự tin tưởng của người dân mà "mượn" tư liệu quý, như sắc phong của dòng họ rồi không mang trả lại. Có những di sản mà người dân mới chỉ tiếp cận ở góc độ tín ngưỡng, đến chiêm bái mà chưa có đủ thông tin về các giá trị lịch sử, giao thoa văn hóa, giá trị nghệ thuật của di sản. Ở nhiều nơi, người dân còn chưa được hướng dẫn đầy đủ cách bảo quản tư liệu quý của mình để có thể gìn giữ được lâu dài. Thí dụ, với các sắc phong trên vải lụa, gia phả hàng trăm năm tuổi, người dân chỉ biết cất trong hộp quý, khóa lại, để nơi kín đáo như trên xà nhà, thể hiện sự trân quý nhưng họ chưa hiểu được nguy cơ cháy nổ dễ xảy ra... Đây là những vấn đề lớn, rất cần chiến lược tuyên truyền đầy đủ, với sự vào cuộc của các nhà quản lý và nhà chuyên môn, để tất cả các bên hiểu đúng, góp phần nâng cao nhận thức về di sản tư liệu.

Tiềm năng di sản tư liệu ở nước ta rất lớn ảnh 1
Cán bộ Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV hỗ trợ chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc

Giang) bảo quản Mộc bản cổ tại đây. Ảnh: NVCC

Vai trò của người ra quyết định

- Di sản tư liệu có điểm đặc biệt khác với các loại hình di sản khác là tư nhân sở hữu và có thể lập hồ sơ trình UNESCO ghi danh. Điều này cho thấy tiềm năng di sản tư liệu nói chung trên thế giới là rất lớn. Vậy ở nước ta thì sao, thưa Tiến sĩ?

- Tiềm năng Di sản tư liệu của nước ta là rất lớn. Người Việt ta từ ngàn xưa đã rất hiếu học, hơn nữa, nước ta lại có tới 54 dân tộc anh em, các dạng tư liệu trên vật mang tin vô cùng đa dạng, phong phú như giấy, gỗ, đá,... Ngoài tài liệu, tư liệu đang được các cơ quan nhà nước quản lý, có nhiều tư liệu quý hiếm-tiềm năng di sản tư liệu còn đang ở trong khu vực tư nhân, gia đình, dòng họ. Chia sẻ với bạn, năm nay, lần đầu, Việt Nam có hồ sơ của một cá nhân được xây dựng và trình UNESCO xem xét ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu thế giới.

- Để bảo vệ tốt nhất loại hình di sản đặc biệt này, theo Tiến sĩ, cần phải áp dụng cách thức như thế nào? Việc số hóa có phải là phương pháp hữu hiệu hơn cả?

- Đối với loại hình di sản này, phải áp dụng cả hai hình thức: bảo quản hiện vật gốc một cách bài bản, phù hợp chất liệu tạo tác để di sản được "sống" lâu dài nhất có thể với chúng ta và số hóa. Việc số hóa di sản tư liệu dưới dạng hình ảnh 3D hay 4D nhằm bảo quản bản gốc, lưu trữ dữ liệu và phục vụ công tác nghiên cứu, nhất là với những người không có điều kiện đến nơi lưu trữ di sản gốc. Đây cũng chính là mục tiêu của Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO: bảo quản, tiếp cận di sản tư liệu và nâng cao nhận thức của xã hội về di sản tư liệu.

- Có thể thấy, vai trò của các nhà quản lý và chuyên môn là rất quan trọng trong việc đồng hành cùng người dân bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình di sản đặc biệt này, thưa Tiến sĩ?

- Ngay trong Khuyến cáo của UNESCO về việc bảo vệ di sản tư liệu cũng đã chỉ rõ vai trò quan trọng nhất thuộc về người ra quyết định, tức là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và những người xây dựng chế độ, chính sách về di sản tư liệu. Các chuyên gia, các nhà khoa học như chúng tôi có thể đưa ra ý kiến về mặt chuyên môn nhưng sẽ không thực hiện một cách hiệu quả nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương với một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chặt chẽ. Đó chính là lý do để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan chủ trì xây dựng dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung), đã đưa vấn đề Di sản tư liệu vào bản dự thảo lần này.

- Chân thành cảm ơn Tiến sĩ!