Thượng viện Pháp thông qua dự luật hưu trí mới

Kế hoạch của Chính phủ Pháp về cải cách quy mô lớn đối với hệ thống lương hưu đã tiến thêm một bước để trở thành luật, sau khi được đa số các nhà lập pháp tại Thượng viện nước này ủng hộ. Là một trọng tâm chính sách của Tổng thống Emmanuel Macron, song kế hoạch trên vẫn gây lo ngại đối với các nghiệp đoàn tại Pháp.
0:00 / 0:00
0:00
Thượng viện Pháp thảo luận trước khi thông qua dự luật cải cách hưu trí. Ảnh: AFP
Thượng viện Pháp thảo luận trước khi thông qua dự luật cải cách hưu trí. Ảnh: AFP

Vượt “cửa ải Thượng viện”

Với 195 phiếu thuận và 112 phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu ngày 11/3, Thượng viện Pháp đã thông qua dự luật hiện gây tranh cãi về cải cách hệ thống lương hưu của Pháp. Nhận được sự ủng hộ của Thượng viện, dự luật đã tiến gần hơn đích đến chính thức trở thành luật.

Dự luật sẽ được gửi lại Hạ viện để tiếp tục thông qua, trước khi có thể được ban hành thành luật. Theo truyền thông Pháp, tại Hạ viện, Chính phủ Tổng thống Emmanuel Macron có thể vận dụng một điều khoản đặc biệt trong Hiến pháp để thông qua dự luật, mà không cần các hạ nghị sĩ phải tiến hành biểu quyết.

Trước đó, hôm 8/3, Thượng viện Pháp đã thông qua kế hoạch do chính phủ đệ trình về tăng tuổi nghỉ hưu thêm hai năm. Thượng viện cũng đã thảo luận các điều khoản sửa đổi còn gây tranh cãi trong dự luật nêu trên, nhằm đáp ứng hạn chót thông qua dự luật vào ngày 12/3.

Kế hoạch cải cách hưu trí là một trọng tâm trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Macron năm 2022 và tiếp tục là ưu tiên trong chương trình nghị sự nhiệm kỳ mới của Tổng thống. Theo kế hoạch chi tiết được Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne công bố hồi tháng 1, tuổi nghỉ hưu sẽ được nâng từ 62 lên 64 vào năm 2030 và cơ chế lương hưu tối thiểu sẽ được áp dụng. Theo kế hoạch, từ năm 2027, người lao động Pháp phải có ít nhất 43 năm lao động mới đủ điều kiện hưởng lương hưu đầy đủ.

Biểu tình tiếp diễn

Cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện được tổ chức trong bối cảnh hàng trăm nghìn người trên khắp nước Pháp tiếp tục xuống đường phản đối kế hoạch cải cách gây tranh cãi của chính phủ Tổng thống Macron. Bộ Nội vụ Pháp ước tính, khoảng 368.000 người đã tham gia các hoạt động tụ họp, biểu tình trong ngày 11/3. Con số này giảm mạnh so dự kiến của các nghiệp đoàn. Trước đó, tổ chức nghiệp đoàn lớn nhất Pháp là CGT thông báo có tới một triệu người đăng ký tham gia biểu tình trên cả nước.

Tuy nhiên, theo Công ty đường sắt quốc gia SNCF, dịch vụ đường sắt trong những ngày cuối tuần qua gián đoạn nghiêm trọng do hoạt động biểu tình. Song, hệ thống tàu điện ngầm và các dịch vụ vận tải công cộng khác vẫn duy trì hoạt động theo lịch trình.

Trước đó, từ ngày 7/3, làn sóng biểu tình phản đối cải cách đã diễn ra trên quy mô lớn, khiến giao thông đường sắt, hàng không và hoạt động vận chuyển nhiên liệu gián đoạn và các cảng biển cũng bị ảnh hưởng do người biểu tình phong tỏa. Theo Bộ Nội vụ, khoảng 1,28 triệu người tham gia biểu tình trên cả nước trong ngày 7/3. Các tổ chức nghiệp đoàn cũng lên kế hoạch tiếp tục kêu gọi đình công. Dự kiến khoảng 260 cuộc đình công sẽ được các nghiệp đoàn tổ chức.

Theo Tổng thống Macron, cải cách chế độ hưu trí là điều cần thiết với nước Pháp trong những năm tới. Ông Macron lập luận rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu và siết chặt các quy định đối với người lao động để được hưởng lương hưu đầy đủ sẽ giúp ngăn chặn hệ thống lương hưu của Pháp rơi vào tình trạng thâm hụt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, các nghiệp đoàn cho rằng, biện pháp đề xuất của chính phủ là không công bằng với người lao động trình độ thấp, làm các công việc nặng nhọc và bắt đầu làm việc từ sớm. Theo khảo sát của tổ chức Elabe, gần hai phần ba số người Pháp được hỏi bày tỏ phản đối các quy định thay đổi do chính phủ đề xuất.