Thiếu cán bộ tham vấn tâm lý chuyên trách

Nhiều trường học đã có phòng tư vấn tâm lý học đường nhưng hoạt động kém hiệu quả, chủ yếu do giáo viên kiêm nhiệm phụ trách. Chỉ có cán bộ tâm lý chuyên trách mới đủ thời gian và chuyên môn để thiết kế và vận hành các chương trình tham vấn tâm lý theo đúng chuẩn khoa học.
0:00 / 0:00
0:00
Thiếu cán bộ tham vấn tâm lý chuyên trách

Xóa bỏ những lầm tưởng

Sợ bị kỳ thị là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều học sinh ngại ngần, không dám yêu cầu sự trợ giúp tâm lý từ phòng tư vấn tâm lý học đường. Mặc dù biết bản thân gặp rắc rối về tâm lý. Chính những suy nghĩ sai lầm về sức khỏe tâm thần là rào cản lớn nhất trong việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần học sinh. Do đó, theo chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam, công tác truyền thông nâng cao nhận thức của giáo viên và phụ huynh về sức khỏe tâm thần phải bắt đầu từ việc xóa bỏ những định kiến và niềm tin sai lầm về sức khỏe tâm thần.

Suốt ba năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của các em học sinh và sinh viên. Theo các chuyên gia tâm lý, những trải nghiệm mà các em trải qua bao gồm: sợ hãi, lo âu, bất an, giận dữ kèm theo các suy nghĩ tự làm hại hoặc tự tử và các hành vi nguy cơ như sử dụng chất gây nghiện, đồ uống có cồn và gia tăng các hành vi bạo lực. Những rối loạn tâm thần được chẩn đoán bao gồm: Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), lo âu, tự kỷ, rối loạn lưỡng cực, rối loạn cư xử, trầm cảm, rối loạn ăn uống... có thể gây tổn hại đáng kể đến sức khỏe, việc học tập, kết quả cuộc sống và năng lực tạo ra thu nhập sau này của trẻ em và thanh, thiếu niên. Một nghiên cứu mới đây của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) chỉ ra rằng, việc học online trong thời gian dài đã khiến những đứa trẻ quá tải về mặt tinh thần, luôn cảm thấy cô đơn, trở nên nghiện game và mạng xã hội. Những trải nghiệm tiêu cực, những tổn thương sức khỏe tâm thần này được mang trở lại trường. Do vậy, nếu không được phát hiện và chăm sóc đúng cách, những tổn thương này sẽ bùng phát thành những hành xử bốc đồng, dẫn tới nguy cơ bạo lực nghiêm trọng.

Theo Phó Cục trưởng Trẻ em Vũ Thị Kim Hoa, chúng ta chưa có chương trình riêng về chăm sóc sức khỏe tâm thần, có sự can thiệp đa ngành về y tế, giáo dục, an sinh xã hội để khắc phục những ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh, thiên tai. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam có từ 8-20% trẻ em và vị thành niên gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần nói chung. Và dịch Covid-19 có thể sẽ tác động đến sức khỏe tâm thần và điều kiện sống của thanh, thiếu nhi trong nhiều năm tới.

Cần sự chuyên nghiệp

Trước thềm năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Văn bản số 4225 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường triển khai hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông. Trong đó, nhấn mạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục cũng như hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh tại các tổ chức, đơn vị, cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan. Những nỗ lực trên được kỳ vọng sẽ mang lại sức sống mới cho các phòng tư vấn tâm lý học đường, góp phần hỗ trợ hiệu quả cho học sinh.

Hiện nay, trong hầu hết các trường, công tác tham vấn tâm lý chủ yếu do các giáo viên kiêm nhiệm. Ở một số trường, nhân viên y tế sẽ phụ trách sức khỏe của học sinh, nhưng họ thường là nhân viên bán thời gian và không được trang bị về lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Theo các chuyên gia tâm lý, để công tác tư vấn tâm lý hiệu quả thì các trường cần có cán bộ tâm lý chuyên trách phụ trách phòng tâm lý học đường và triển khai công tác tư vấn tâm lý trong toàn trường.

Theo chuyên gia tâm lý Đỗ Trang, Trưởng phòng tham vấn học đường, Trường Marie Curie, để thay đổi hành vi của một đứa trẻ không chỉ ngày một ngày hai mà cần cả một quá trình. Một cán bộ tâm lý chuyên trách sẽ thiết kế và điều phối các chương trình phòng ngừa cho các cấp độ học sinh toàn trường, thiết lập quy trình hệ thống định kỳ sàng lọc các vấn đề khó khăn trong tâm lý và học tập để phân loại và trợ giúp chuyên biệt cho những nhóm học sinh có nguy cơ cao. Chỉ những chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản mới đủ các kỹ năng và kiến thức cần thiết để tiến hành can thiệp hỗ trợ tâm lý có định hướng cho nhóm học sinh có khó khăn tâm lý nhất định. Cũng theo cô Trang, can thiệp tâm lý cần thời gian và kỹ năng. Ít nhất một học sinh gặp vấn đề tâm lý cần ít nhất 10-12 buổi tham vấn tâm lý liên tục mới có thể xử lý được vấn đề các em gặp phải. Đa số cần thời gian lâu hơn để học sinh hồi phục. “Người làm tư vấn học đường mà không có chuyên môn thì có thể để lại hậu quả không tốt cho người được tư vấn tâm lý”, một chuyên gia tâm lý nhấn mạnh.