Nhu cầu tuyển dụng tăng 19%
Báo cáo của Navigos Group về Lương và thị trường lao động 2025 dựa trên khảo sát hơn 3.400 ứng viên và 500 doanh nghiệp đến từ Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và cả doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn nhất với 67,09% và phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát đang hoạt động tại hai trung tâm kinh tế lớn là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương đang có đà phát triển cao.
Kết quả khảo sát của các doanh nghiệp và người lao động đủ các thành phần trong một số ngành nghề trọng điểm cho thấy hầu hết các doanh nghiệp trong năm 2025 đều đưa ra kế hoạch tuyển dụng thêm.
Cụ thể, 81,21% số doanh nghiệp dự kiến tăng nhân sự, trong đó: 37,36% tuyển dưới 10%; 29,81% tuyển thêm từ 10% - 20%; 10,75% tuyển thêm từ 20% - 40%; 3,4% tuyển thêm trên 40%; 1,89% chỉ tuyển nhân sự thời vụ, lao động tự do. Đáng chú ý, có 14,53% số doanh nghiệp vẫn duy trì quy mô quân số hiện tại không có kế hoạch tuyển dụng thêm và 2,27% số doanh nghiệp dự kiến cắt giảm khoảng dưới 10% nhân sự.
Tại thị trường Việt Nam, chuyên gia khảo sát Xu hướng tuyển dụng quý II/2025 của ManpowerGroup Việt Nam đánh giá, nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng lên ở nhiều ngành trong quý II/2025, tiêu biểu là lĩnh vực sản xuất.
Bà Võ Thị Bích Thủy, Giám đốc Dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp cao, miền nam của ManpowerGroup Việt Nam chia sẻ, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã nhận được yêu cầu tuyển dụng lao động có trình độ nhiều nhất ở lĩnh vực công nghiệp và vật liệu, bao gồm sản xuất (38%), tiếp theo là tài chính và bất động sản, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, công nghệ thông tin.
Đáng lưu ý, riêng lĩnh vực công nghệ thông tin đang có xu hướng tuyển dụng nhiều ở những vị trí có chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm để dẫn dắt các dự án chuyển đổi số và những ý tưởng công nghệ mới. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng nhân lực trẻ, mới ra trường ở lĩnh vực này có dấu hiệu chững lại. “Các doanh nghiệp vẫn đang theo dõi sát sao tình hình kinh tế trước khi quyết định mở rộng quy mô nhân lực, bên cạnh việc ưu tiên nâng cao hiệu suất của đội ngũ hiện có thay vì tuyển mới”, bà Nguyễn Thị Thu Thanh, Giám đốc Dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp cao, miền bắc của ManpowerGroup Việt Nam lý giải.
Còn Báo cáo “Tóm lược thị trường lao động Việt Nam đầu năm 2025” được Vieclam24h công bố cho thấy nhu cầu tuyển dụng tăng 19% so với cùng kỳ năm 2024.
Theo báo cáo, những nhóm ngành như bán lẻ và thương mại, bất động sản và xây dựng, sản xuất - chế biến và chế tạo là những nhóm ngành đang có nhu cầu tuyển dụng rất lớn, chiếm gần 60% tổng số vị trí tuyển dụng. Đặc biệt, nhóm ngành bán hàng - kinh doanh tiếp tục dẫn đầu với hơn 20% nhu cầu tuyển dụng, cho xu hướng doanh nghiệp đẩy mạnh mở rộng thị trường và tăng doanh thu.
Cũng theo báo cáo, ngành công nghiệp - chế biến và chế tạo ghi nhận mức tăng tuyển dụng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ngành này đối diện khó khăn do thị trường đang thiếu hụt lao động có tay nghề cao. Lĩnh vực dệt may - da giày - thời trang có nhu cầu tuyển dụng tăng 7%. Ngành bất động sản và xây dựng khởi sắc với mức tăng tuyển dụng trên 40%. Ngành logistics và chuỗi cung ứng có nhu cầu tuyển dụng tăng khoảng 35% và doanh nghiệp nhóm này vẫn khó tìm được ứng viên có kỹ năng phù hợp. Ngành tài chính và kế toán - kiểm toán có mức tăng 18% về nhu cầu tuyển dụng. Bán lẻ và thương mại ghi nhận mức tăng tuyển dụng 14%.
Vieclam24h đánh giá thị trường lao động Việt Nam đang cho thấy những tín hiệu phục hồi tích cực với nhu cầu tuyển dụng tăng 19% so với cùng kỳ năm 2024, phản ánh sự mở rộng quy mô nhân sự của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự gia tăng không đồng đều giữa các ngành nghề, dẫn đến tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động. Đáng chú ý, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông tăng hơn 10% sau Tết Nguyên đán và chiếm tới 44% tổng nhu cầu tuyển dụng cả nước. Tuy nhiên, nhánh này cũng đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân lực. Theo phân tích của Vieclam24h, thị trường lao động phổ thông năm 2024 đã có dấu hiệu khởi sắc nhờ nhiều nhà máy và khu công nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, trong đó ngành linh kiện điện tử và bán dẫn phát triển vượt bậc, thu hút lượng lớn lao động.
Cần nâng cao chất lượng nguồn cung
Tham gia tuyển dụng lao động trực tiếp tại sàn việc làm Hà Nội, bà Vũ Thị Thùy, Bộ phận tuyển dụng của Viettel Post Hà Nội cho biết, sau Tết, nhất là thời điểm tháng 2, tháng 3 hằng năm, nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh nhất để chuẩn bị cho các hoạt động kinh doanh mới. Hiện đơn vị này đang cần tuyển rất nhiều vị trí với số lượng lớn, riêng nhân viên bưu tá khoảng 700 người cho địa bàn Hà Nội chỉ trong quý I này.
Các vị trí trưởng bưu cục sẽ có mức lương từ 20 - 30 triệu đồng/tháng, nhân viên vận hành từ 12 - 15 triệu đồng, lái xe 15 triệu đồng trở lên, bưu tá trung bình 15 triệu đồng, nhân viên kinh doanh sẽ có lương cứng 8 triệu đồng cộng với hoa hồng. Theo bà Thùy, các vị trí sẽ không khống chế về mức thu nhập, người lao động đạt năng suất, hiệu quả cao thì mức thu nhập càng tăng và ngược lại. Điều này sẽ tạo động lực cố gắng cho tất cả mọi người lao động dù ở bất kỳ vị trí nào. “Từ đầu năm đến nay mới tuyển được khoảng 100 nhân sự. Nhu cầu lao động hiện cần rất lớn nên chúng tôi phải sử dụng nhiều kênh từ chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội, đăng bài tại các page, qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, thậm chí nhờ người quen giới thiệu”, đại diện Viettel Post Hà Nội cho hay.
Cũng có nhu cầu tuyển dụng lên đến hàng trăm chỉ tiêu, bà Lương Thu Hiền, phụ trách nhân sự Công ty TNHH Ninsing Logistics, thông tin hiện đơn vị này cần tuyển 4 vị trí với hơn 200 chỉ tiêu, trong đó các vị trí giao hàng cần hơn 100 lao động phổ thông với mức thu nhập từ 9 - 10 triệu đồng/tháng. Nếu lao động gắn bó lâu dài sẽ có các khoản hỗ trợ bảo hiểm xã hội. Các vị trí kho, điều phối hàng hóa đòi hỏi trình độ từ trung cấp trở lên.
Bà Đào Thu Phương, CEO Vieclam24h cho rằng, thị trường lao động Việt Nam đầu năm 2025 đang cho thấy những tín hiệu phục hồi tích cực, phản ánh sự thích ứng linh hoạt của doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh kinh tế dần ổn định. Sự gia tăng trong nhu cầu tuyển dụng cho thấy niềm tin vào tăng trưởng đã phần nào trở lại, nhưng vẫn tồn tại những thách thức về cân bằng cung - cầu.
“Sự mất cân đối giữa cung - cầu lao động không chỉ là bài toán tuyển dụng, mà còn là thách thức dài hạn về phát triển nhân lực. Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì cần phải có một chiến lược nhân sự dài hạn. Theo dõi và phân tích xu hướng thị trường, đầu tư vào đào tạo kỹ năng, ứng dụng công nghệ tuyển dụng và cải thiện chính sách giữ chân nhân tài chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp bảo đảm nguồn lực chất lượng, sẵn sàng thích ứng và phát triển bền vững”, bà Đào Thu Phương nói.
Giám đốc miền bắc Navigos Search (Công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự) Ngô Thị Ngọc Lan cho rằng, làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam đang tạo ra những cơ hội việc làm cho lao động. Tuy vậy, khi thị trường lao động càng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng lao động thì đây cũng là một rào cản. Dù có lực lượng lao động đông đảo, nhưng trình độ chuyên môn chưa cao, khiến Việt Nam xếp thứ 11/12 nước châu Á về chất lượng nguồn nhân lực, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới. “Một thực tế mà chúng tôi nhìn thấy là trước đây với mỗi yêu cầu tuyển dụng, số lượng người ứng tuyển tương đối thấp, chỉ khoảng vài ba chục người thì bây giờ, số lượng người ứng tuyển đã cao lên gấp đôi nhưng chưa chắc doanh nghiệp đã tuyển được người. Vì tiêu chí tuyển dụng của họ đã nâng cao hơn trước đây rất nhiều”, bà Lan cho hay. Do đó, nâng cao chất lượng nguồn cung là vấn đề rất cấp thiết.
Theo bà Lan, thị trường lao động hiện nay đã có một số ngành nghề mới phát triển. Vậy vai trò của Nhà nước là vừa định hướng thu hút đầu tư, vừa đưa ra những định hướng cho các cơ sở giáo dục. Có cơ chế đào tạo hoặc mở thêm các cơ sở đào tạo phục vụ đúng ngành đó. Ngoài ra, Nhà nước cần có cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường được thuận lợi.
Báo cáo Tương lai việc làm 2025 của Diễn đàn Kinh tế thế giới dự báo, do sự tác động của chuyển đổi cơ cấu, từ 2025 đến 2030 sẽ có 8% việc làm bị mất đi, tương đương với 92 triệu việc làm, cùng với đó là sự ra đời của 14% việc làm mới, tương đương khoảng 170 triệu việc làm. Những nhóm kỹ năng phát triển nhanh nhất là AI, mạng và an ninh mạng, kiến thức công nghệ; bên cạnh đó, các kỹ năng cốt lõi được nhà tuyển dụng đánh giá cao nhất là tư duy phân tích, khả năng thích ứng và linh hoạt, lãnh đạo và ảnh hưởng xã hội.