TS Nguyễn Kiều Oanh, Phó Chủ nhiệm Khoa các khoa học liên ngành:
“Giải bài toán về nhân lực cho ngành di sản”
Di sản nói chung, di sản Việt Nam nói riêng là lĩnh vực vô cùng rộng lớn và đa dạng. Nhu cầu nguồn nhân lực trong quản lý, thực hành di sản của thị trường, ở cả các đơn vị quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu cũng như các cơ sở thực hành di sản, các tổ chức nhà nước và tư nhân (du lịch, bảo tàng, bảo tồn…) là vô cùng to lớn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu này, còn thiếu và yếu về chuyên môn ở nhiều mảng.
Chúng tôi kỳ vọng đóng góp vào thị trường lao động nguồn nhân lực phù hợp. Thay vì đào tạo đơn ngành về bảo tồn, bảo tàng, phục chế… như hiện nay, chương trình cung cấp các kiến thức liên ngành, dựa trên ba trụ cột kiến thức: khối kiến thức khoa học xã hội và nhân văn (lịch sử, văn hóa, xã hội học, lưu trữ,…), khối kiến thức khoa học tự nhiên (địa chất, địa lý, môi trường,…) và khối kiến thức kiến trúc - xây dựng, kết hợp với các công cụ tích hợp (luật, kinh tế, công nghệ thông tin). Chương trình còn trang bị cho người học các kỹ năng nghề nghiệp có tính thực tiễn cao. Nhờ đó, người học có đủ khả năng nhận diện, phân loại, đánh giá và giải quyết các vấn đề thực tiễn trong nghiên cứu, thực hành và quản lý di sản.
Khoa đã khảo sát đối với người sử dụng lao động và chuyên gia để tìm ra nhu cầu thực tế về nhân sự ở lĩnh vực di sản. Chúng tôi cũng làm việc với nhiều nhà khoa học, nhà quản lý ở các đơn vị quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo, các tổ chức nhà nước và tư nhân về di sản nhằm xây dựng cơ sở khoa học cho chương trình đào tạo bao gồm cả phần lý thuyết và thực tiễn bao trùm từ bối cảnh, giá trị di sản, quản lý di sản. Cùng với đó là mở rộng mạng lưới giảng viên, cộng tác viên để mỗi học phần đều có thể được giảng dạy bởi những chuyên gia nhiều kinh nghiệm.
TS nhân học Frank Proschan, chuyên gia về di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (2006 - 2015):
“Phải đào tạo được người biết làm việc với cộng đồng”
Như các quốc gia khác, Việt Nam phải đối mặt nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực di sản. Nhu cầu này ngày càng cấp bách trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng về kinh tế, xã hội.
Lĩnh vực di sản trên toàn cầu đang chứng kiến tầm quan trọng ngày một tăng của việc huy động cộng đồng vào bảo vệ di sản của chính họ. Đó là lực lượng tích cực, là tuyến đầu trong công cuộc chăm lo di sản. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ của việc đào tạo chuyên gia và giảng viên ở lĩnh vực này giờ đây bao phủ từ giảng dạy, triển khai, định hướng cho đến hợp tác với cộng đồng.
Quan điểm chuyên gia là người làm mọi thứ, nắm tất cả kiến thức và chịu trách nhiệm bảo vệ di sản đã tồn tại trong nhiều thập kỷ trên thế giới. Nhưng đến nay, chúng ta biết rằng bảo vệ di sản không chỉ là nhiệm vụ của chuyên gia, mà đó là nhiệm vụ của chính cộng đồng. Do đó, chúng ta cần đào tạo để có những người có thể làm việc hiệu quả, kề vai sát cánh với người dân và cộng đồng địa phương. Như thế công việc bảo vệ di sản mới hiệu quả và tạo ra kết quả tích cực.
TS Phạm Cao Quý (Cục Di sản văn hóa):
“Cách tiếp cận mới đối với di sản”
Những sai sót trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là nhân lực của ngành di sản thiếu và yếu. Mấu chốt để ra ngành học này nằm trong sự phát triển chung của xã hội, của thế giới hiện nay. Bởi giờ đây người ta sẽ tiếp cận di sản theo hướng mới hơn, tổng hòa hơn.
Việc mở ra ngành di sản học sẽ xây dựng nên một cách tiếp cận mới, đó là bảo vệ và phát huy giá trị di sản gắn phát triển bền vững. Nghĩa là di sản phải hòa nhập, phục vụ đời sống, đem lại nguồn lực, sinh kế cho chính con người ngày hôm nay, ứng phó lại những vấn đề bất bền vững trong mối quan hệ giữa di sản và cuộc sống đương đại.
Riêng về lĩnh vực bảo vệ văn hóa phi vật thể vào Việt Nam gần 20 năm nay, nhưng vẫn đang thiếu cơ sở lý luận và phương pháp triển khai việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Chưa có nhận thức đồng đều của các nhà chuyên môn trong việc phải bảo vệ và phát huy giá trị di sản đó như thế nào. Chính vì vậy, phải xây dựng một hệ thống cơ sở lý luận cũng như đào tạo những đội ngũ có kiến thức, hiểu biết thật sự và coi di sản văn hóa phi vật thể như một môn khoa học.
Tôi cho rằng, học ngành này không chỉ là những người đang làm trong ngành di sản, và cũng không phải chỉ học ra để làm về di sản. Bởi còn nhiều ngành có mối quan hệ với di sản văn hóa như phát triển bền vững, môi trường, phát triển kinh tế… Mong rằng chương trình học sẽ thu hút được nhiều đối tượng khác nhau vì kiến thức ngành học sẽ áp dụng rộng rãi trong thực tế chứ không phải chỉ ở trong ngành di sản văn hóa.