Thảm họa kép ở Syria

Các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, với hàng chục nghìn người chết, hàng triệu người cần hỗ trợ khẩn cấp ở cả hai bên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, sức tàn phá của thảm họa động đất là “không thể diễn tả”. Với riêng Syria, thảm họa chồng khủng hoảng có nguy cơ tạo ra một “thế hệ mất mát”.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: OGUZ GUREL
Biếm họa: OGUZ GUREL

Theo Giám đốc khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO, TS Ahmed Al Mandhari, người vừa có mặt tại thành phố Aleppo của Syria, sự tàn phá của trận động đất hôm 6/2 là vô cùng lớn, khó mô tả bằng lời. Hậu quả tàn khốc của thảm họa thiên nhiên càng làm tăng tác động dai dẳng của nội chiến đang trong năm thứ 12 ở Syria. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng từng nói, người dân Syria đang đối mặt “ác mộng chồng ác mộng”.

Con số nạn nhân thiệt mạng tăng mỗi ngày, theo báo cáo của LHQ cuối tuần trước, tại Syria đã có hơn 4.300 người chết; khoảng 25 triệu người bị ảnh hưởng của thảm họa. Lực lượng cứu hộ vẫn kiên trì tìm kiếm những người còn mắc kẹt trong đống đổ nát, tuy nhiên, công tác cứu hộ gặp khó khăn trong bối cảnh thời tiết lạnh giá và điều kiện thiếu thốn tại Syria. Những người còn sống sau động đất phải đối mặt nguy cơ mà WHO gọi là “thảm họa thứ phát”, khi thiếu lương thực và nơi trú ẩn. Thách thức lớn nữa là khủng hoảng nhiên liệu, khiến các bệnh viện không thể cung cấp điều kiện tốt cho bệnh nhân cũng như bảo đảm hoạt động chữa bệnh. Trong khi đó, nguy cơ dịch bệnh lây lan, ô nhiễm nguồn nước... cũng chực chờ.

Tình hình bất ổn do xung đột và khủng hoảng kéo dài nhiều năm qua cũng tạo rào cản khiến công tác cứu trợ khẩn cấp gặp nhiều khó khăn. Nhiều vùng bị động đất tàn phá vốn đang trong tình trạng mất an ninh lương thực. Theo LHQ, khoảng bốn triệu người sinh sống ở các khu vực do lực lượng đối lập kiểm soát ở khu vực tây bắc Syria hiện sống dựa vào viện trợ nhân đạo, được vận chuyển qua cửa khẩu Bab Al-Hawa, lối duy nhất vào Syria được chấp thuận trong khuôn khổ hoạt động viện trợ xuyên biên giới do Hội đồng Bảo an LHQ bảo trợ.

Tuy nhiên, cửa khẩu trên từng bị đóng cửa sau động đất và hoạt động viện trợ chỉ được khôi phục hôm 9/2, khi một đoàn gồm sáu xe tải của LHQ được phép qua biên giới. Một ngày sau, đoàn xe thứ hai của LHQ tiếp tục vào Syria, mang theo hàng viện trợ cung cấp cho khoảng 1.100 gia đình tại tỉnh Idlib. Ngày 11/2, chuyến hàng cứu trợ đầu tiên của WHO với 37 tấn vật tư y tế khẩn cấp cũng đã đến được Syria. WHO cho biết sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ và vật tư y tế tới Syria trong những ngày tới.

Trong bối cảnh nhu cầu cứu trợ nhân đạo khẩn cấp, Tổng Thư ký LHQ nhiều lần kêu gọi Hội đồng Bảo an nỗ lực điều phối để mở thêm các điểm nhận viện trợ qua biên giới vào Syria. Chương trình Lương thực LHQ cũng kêu gọi mở thêm điểm tiếp nhận viện trợ tại các cửa khẩu biên giới Syria, trong bối cảnh nguồn lương thực cứu trợ tại tây bắc Syria dần cạn kiệt. Đáp lại, Tổng thống Syria Bashar Al-Assad tuyên bố mở hai cửa khẩu Bab Al-Salam và Al-Raee tạm thời trong ba tháng, cho phép vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo vào vùng tây bắc, khu vực duy nhất do lực lượng đối lập kiểm soát ở Syria. Tổng Thư ký LHQ hoan nghênh quyết định của chính quyền Syria, đồng thời kêu gọi các bên ở Syria tạo thuận lợi cho hoạt động cứu trợ nhân đạo.

Cuộc xung đột đã kéo dài gần 12 năm qua tại Syria, hiện tại mức độ xung đột không còn nghiêm trọng, song giao tranh vẫn nổ ra. Trong khi đó, chịu cú sốc đại dịch và ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu, Syria đang đối mặt khủng hoảng kinh tế, với đa số người dân sống dưới mức nghèo. Hệ thống cơ sở hạ tầng, y tế chưa phục hồi sau xung đột, cùng khủng hoảng lương thực càng khiến công tác cứu trợ nạn nhân động đất tại Syria thêm khó khăn.

TS Ahmed Al Mandhari nhận định: Thảm họa động đất đưa đến “cuộc khủng hoảng bổ sung” với Syria. Người dân Syria không thể chịu đựng thêm các cú sốc và rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để không đánh mất thế hệ tương lai của đất nước.