Thách thức về kiểm soát AI

OpenAI, công ty phát triển công cụ trò chuyện ChatGPT đang được quan tâm hiện nay và nhiều doanh nghiệp sở hữu hệ thống sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) khác đã công bố kế hoạch mở rộng dịch vụ cho cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Sức tăng trưởng “nóng” của AI đang khiến giới chức quản lý phải gấp rút đẩy mạnh xây dựng chính sách kiểm soát “cuộc cách mạng” này.
0:00 / 0:00
0:00
CEO Sam Altman của Công ty OpenAI (phải) tại một buổi chia sẻ tầm nhìn về ứng dụng AI. Ảnh: GETTY IMAGES
CEO Sam Altman của Công ty OpenAI (phải) tại một buổi chia sẻ tầm nhìn về ứng dụng AI. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo Reuters, ngày 9/3, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của OpenAI, ông Sam Altman công bố công ty công nghệ này sẽ xây dựng nền tảng Giao diện lập trình ứng dụng (API) cho các công ty khác và phát triển những ứng dụng tương tự ChatGPT. API được hiểu là một hệ thống máy tính sử dụng AI có thể tự tạo ra các chương trình máy tính khác, hoặc cho phép trao đổi dữ liệu qua lại giữa các chương trình đó. Kể từ khi ra mắt vào tháng 11 năm ngoái, ChatGPT - AI tạo ra văn bản hội thoại giống như con người, đã thu hút sự chú ý của cả thế giới. Ước tính ứng dụng này đã có hơn một tỷ lượt truy cập trong tháng 2 vừa qua, tăng so mức 616 triệu trong tháng 1.

Tương tự, vốn là một ứng dụng hội thoại dành cho trò chơi, Tập đoàn công nghệ Discord đã phát triển nó thành “trung tâm” của hàng loạt AI có thể chuyển từ văn bản thành ghi âm, sáng tác hội họa, âm nhạc và cả video. Theo CNN, hàng triệu người đã sử dụng các ứng dụng AI trên Discord mỗi tháng để tạo nội dung như lập trình trò chơi, viết chung tiểu thuyết và khoảng 10% người dùng mới tham gia nền tảng này để đăng ký làm thành viên các cộng đồng AI khác nhau. Tại Hội nghị công nghệ, truyền thông và viễn thông Morgan Stanley (Mỹ), Tập đoàn Discord sở hữu nền tảng AI Midjourney nổi tiếng với hơn 13 triệu người dùng, đã công bố một loạt kế hoạch mở rộng các dịch vụ AI khác.

Việc sử dụng AI đang nở rộ nhanh chóng và thu hút chú ý rộng rãi của người sử dụng trong năm 2022, do vậy các doanh nghiệp đều muốn kết hợp công nghệ này vào sản phẩm nhằm thu hút khách hàng. Theo báo cáo của Ủy ban AI thuộc Phòng Thương mại Mỹ, hầu như mọi doanh nghiệp và cơ quan Chính phủ Mỹ sẽ sử dụng AI trong vòng 10 đến 20 năm tới.

Tuy nhiên, những đột phá công nghệ này mang đến cả cơ hội và nguy cơ. Công nghệ AI mang lại một thị trường lớn hấp dẫn, hứa hẹn tăng tốc nghiên cứu khoa học đời sống với chi phí giảm và đơn giản hóa cuộc sống của con người. Với nhiều tiềm năng đổi mới, các tổ chức đầu tư vào hoạt động theo định hướng AI đã và đang đẩy mạnh những sáng kiến ​​giúp tăng năng suất để duy trì tính cạnh tranh. Song, như các công nghệ đột phá trước đây, những công cụ AI đang làm dấy lên lo ngại rằng có thể sớm thay thế công việc của con người và đẩy nhiều người vào cảnh mất việc.

Giám đốc điều hành OpenAI, Sam Altman cho rằng, quy định của chính phủ về AI là rất quan trọng khi các hệ thống này đang phát triển mạnh mẽ và có nhiều đột phá. CEO của Discord, Jason Citron cũng không phủ nhận lo ngại này khi nhấn mạnh: “Nếu được khai thác đúng cách, về cơ bản AI có thể tăng cường và thúc đẩy kết nối thực sự hiệu quả giữa con người với nhau”. Các chuyên gia công nghệ cảnh báo nếu giới chức các quốc gia không nhanh chóng xây dựng hành lang pháp lý phù hợp và triển khai biện pháp bảo vệ, thì nguy cơ AI có thể ảnh hưởng xấu đến quyền riêng tư, quyền tự do cá nhân hoặc thúc đẩy sự bất bình đẳng… là rất rõ ràng.

Vì vậy, trong báo cáo vừa qua, Ủy ban AI của Mỹ đã gấp rút kêu gọi Quốc hội và chính quyền nước này đặt ưu tiên hàng đầu là xây dựng quy định kiểm soát các công cụ AI. Cơ quan này khuyến nghị các nhà lãnh đạo cần xây dựng luật và quy định chặt chẽ nhằm phát triển AI có trách nhiệm và sử dụng công cụ này một cách có đạo đức. Ủy ban AI cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên tập trung vào việc khắc phục những lỗ hổng trong luật, cũng như thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và chuẩn bị lực lượng lao động trong môi trường lấy AI làm trung tâm.