Thách thức từ “dân số ngoại tuyến”

Theo báo cáo của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), tỷ lệ người sử dụng internet đã tăng đáng kể, song hai phần ba dân số các nước kém phát triển nhất thế giới (LDC) vẫn ngoại tuyến. Con số này chiếm tới 27% tổng số người ngoại tuyến toàn cầu, trong khi các nước nhóm LDC chỉ chiếm 14% dân số thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: CHAPPATTE
Biếm họa: CHAPPATTE

Báo cáo đặc biệt được ITU công bố tại Hội nghị lần thứ 5 của Liên hợp quốc về các quốc gia kém phát triển (LDC5) đang diễn ra ở Doha (Qatar). Trong đó, ITU chỉ rõ khoảng cách về kỹ thuật số giữa nhóm LDC và phần còn lại của thế giới vẫn không có dấu hiệu được thu hẹp. Tỷ lệ dân số ở các nước thuộc nhóm LDC sử dụng internet đã tăng từ mức 4% năm 2021 lên 36% vào năm 2022, với khoảng 407 triệu người. Tuy nhiên, vẫn còn 720 triệu người, tức là gần hai phần ba dân số các nước này vẫn không có kết nối mạng, chiếm khoảng 27% tổng “dân số ngoại tuyến” toàn cầu.

Nghiên cứu của ITU cũng nêu rõ, thách thức đưa các cộng đồng lên mạng ngày càng phức tạp, không đơn thuần chỉ là tạo dựng các cơ sở hạ tầng kết nối. Ngay cả trong số những người có thể tiếp cận internet, thì nhiều người vẫn không “trực tuyến” vì nhiều rào cản, từ nhận thức, kỹ năng đến chi phí dịch vụ.

Báo cáo của ITU thu hút sự chú ý đặc biệt tại LDC5, hội nghị của Liên hợp quốc bàn về thực hiện Kế hoạch hành động Doha được thông qua hồi tháng 3/2022. Báo cáo cũng chỉ ra một trong những thách thức toàn cầu khó khăn nhất hiện nay, đó là thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số hiện ở mức độ lớn đáng kinh ngạc, giữa các quốc gia giàu và nghèo trên thế giới. Một loạt cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo thế giới, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội đã làm nổi bật các rào cản mà các nước kém phát triển đang phải đối mặt. Trong đó, bài toán cấp bách đặt ra là làm thế nào để nhóm LDC có thể tận dụng tốt hơn kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ và đổi mới trong việc thúc đẩy chuyển đổi cấu trúc.

Với dân số khoảng 1,1 tỷ người, chiếm 14% dân số thế giới, 46 nước thuộc nhóm LDC là các quốc gia có chỉ số thấp về dinh dưỡng và sức khỏe, song lại được xếp hạng cao về tính dễ bị tổn thương. Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị quốc tế có nhiều thay đổi nhanh chóng, sâu sắc và mang tính bước ngoặt, các nước nhóm LDC càng đối mặt nhiều thách thức to lớn, nhất là khủng hoảng nợ, bất bình đẳng xã hội có xu hướng gia tăng, tác động của thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp…

Theo Liên hợp quốc, khoa học - công nghệ và đổi mới đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của các nước kém phát triển nhằm xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên, nhóm các nước dễ bị tổn thương này lại không thể tận dụng đầy đủ lợi ích kinh tế - xã hội từ sự phát triển của khoa học - công nghệ, chủ yếu do hạn chế về cơ cấu, cũng như sự chênh lệch quá lớn về phát triển so với các nước khác.

Nhiều ý kiến diễn giả tại LDC5 chỉ rõ, chìa khóa để thu hẹp khoảng cách số trong nhóm LDC không chỉ là tìm cách kết nối những người còn đang ngoại tuyến, mà còn giảm mạnh sự bất bình đẳng ngay trong các cộng đồng. Vì thế cần có cam kết mới, mạnh mẽ hơn nữa dành cho các nước kém phát triển nhất. Trong đó, Liên hợp quốc cùng các quốc gia, các đối tác cung cấp hỗ trợ bổ sung, giúp các nước nhóm LDC bảo đảm khả năng truy cập đáng tin cậy và giá phải chăng đối với tất cả các dịch vụ mạng di động, băng thông rộng, wi-fi...

Phát biểu ý kiến tại tọa đàm bàn tròn, Tổng Thư ký ITU Doreen Bogdan-Martin nhấn mạnh: Phát triển kỹ thuật số tại các nước kém phát triển nhất thông qua khoa học - công nghệ và đổi mới không phải là lựa chọn, mà là mệnh lệnh - mệnh lệnh đạo đức. Trách nhiệm của cộng đồng quốc tế là gia tăng kết nối tại các nước nhóm LDC, giúp tiến trình chuyển đổi số bền vững hơn ”.