Thách thức cho một tiến trình

Ngày 24/5, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) triệu tập một phiên họp khẩn cấp. Mục tiêu hướng tới là bàn thảo phương thức giải quyết các "diễn biến nguy hiểm" ở Jerusalem, cũng như những hành động leo thang của Israel trên khắp các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.
0:00 / 0:00
0:00

Một ngày trước đó, sáng 23/5 (giờ địa phương), theo hãng thông tấn WAFA (Palestine), quân đội Israel đã bắt giữ ít nhất 10 người Palestine, trong một loạt hành động quân sự diễn ra khắp khu vực Bờ Tây, sử dụng cả đạn, vũ khí âm thanh, hơi cay và các công cụ trấn áp khác.

Trước đó nữa, sáng 22/5, quân đội Israel tiến công Trại Balata ở thành phố Nablus, khiến ba người Palestine tử vong. Theo thống kê của hãng tin AFP, kể từ đầu năm đến nay, ít nhất 156 người Palestine đã thiệt mạng do các cuộc đột kích, bố ráp của Israel.

Và cuộc họp khẩn của OIC được triệu tập, theo yêu cầu từ cả chính quyền Palestine lẫn chính phủ Jordan, bởi cả những vụ đột kích liên tục của Israel vào đền thờ Al-Aqsa cũng như chuyến thăm mới nhất của Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel Itamar Ben Gvir tới địa điểm này.

Đây là lần thứ hai ông Gvir đến thăm đền Al-Aqsa kể từ khi nhậm chức trong chính phủ cực hữu của Israel, khiến không chỉ Palestine mà cả cộng đồng Arab và nhiều nước trên thế giới cùng lên tiếng phản đối.

Đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa (mà phía Israel gọi là Núi Đền) ở Jerusalem đã luôn là một địa danh tạo nên nhiều tranh cãi, bởi tính chất linh thiêng của nó đối với cả hai tôn giáo. Cũng như cả quần thể cổ thành Jerusalem, Al-Aqsa là một biểu tượng. Do đó, bất cứ động thái khinh suất nào cũng có thể bị xem là sự khiêu khích.

Thế nhưng, mới hôm 18/5, hàng chục nghìn người Do Thái đã tập trung tại Jerusalem, để tổ chức lễ diễu hành Quốc kỳ kỷ niệm Ngày Jerusalem, đánh dấu sự kiện Israel chiếm được thành phố này trong cuộc chiến tranh năm 1967.

Được dẫn đầu bởi một số quan chức Israel, đoàn người diễu hành qua Đông Jerusalem (phần lãnh thổ được luật pháp quốc tế quy định là thuộc về Palestine), thậm chí một số người đã xông vào sân đền Al-Aqsa để ăn mừng.

Đương nhiên, sự kiện này vấp phải phản ứng gay gắt, từ cả Palestine lẫn khối Arab. Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh cho rằng đây là hành động nhằm thay đổi nguyên trạng lịch sử của Jerusalem. Và Ai Cập, quốc gia thường xuyên đóng vai trò trung gian hòa giải cho các cuộc xung đột Israel-Palestine thời gian qua, cũng phản đối lễ diễu hành Quốc kỳ của Israel. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cùng Jordan cho rằng hành động này có nguy cơ làm leo thang căng thẳng.

Rất nhanh chóng, căng thẳng thật sự tăng vọt. Ở Bờ Tây cũng như dải Gaza, người dân Palestine tổ chức biểu tình phản đối. Trong khi đó, suốt những ngày qua, quân đội Israel cũng liên tục giao tranh và tiến công lực lượng Hamas cùng Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ). Những thỏa thuận ngừng bắn mong manh cũng nối nhau bị xé vụn, dưới bánh xích xe tăng của phía này, hay những làn hỏa tiễn từ bên kia. Hệ thống phòng thủ Vòm Sắt (Iron Dome) tối tân của Israel đã phải liên tục hoạt động.

Tuy nhiên, chẳng ai dám chắc, những quyết định phản đối cứng rắn từ OIC liệu có thay đổi được gì trong hiện thực hay không, bởi từ khi lập quốc năm 1947, việc mở rộng lãnh thổ luôn là chiến lược của mọi chính phủ Israel. Gần đây, không chỉ những khu định cư mới được thiết lập gấp gáp bất chấp mọi sự phản đối từ cộng đồng quốc tế, mà Israel còn đưa công dân dân sự vào định cư tại một số tiền đồn quân sự, như cách lặng lẽ hợp pháp hóa và kiên cố hóa các bước tiến đó.

Sâu xa hơn, nhiều nhà quan sát cho rằng việc chuyển sự chú ý của dư luận quốc tế ra các tranh chấp bên ngoài là phương thức để Tel Aviv che lấp các bất ổn nội bộ, khi phong trào phản đối cải cách tư pháp vẫn còn đang nóng bỏng.

Nhưng cuối cùng, với những diễn biến sặc mùi khói súng đã và đang diễn ra trong hiện tại, sẽ còn cơ hội nào cho "giải pháp hai nhà nước" và một tiến trình hòa bình khả thi nào đó, cho Jerusalem cũng như cho Trung Đông?