Tết tháng Mười

Thời tôi còn nhỏ, kinh tế đất nước khó khăn lắm. Mỗi năm chỉ cấy hai vụ, vụ chiêm và vụ mùa sáu tháng mới được thu hoạch.
0:00 / 0:00
0:00

Không có giống lúa ngắn ngày, không biết xen canh gối vụ, năm nào cũng thiếu lương thực, lúa chưa chắc hạt đã hết gạo ăn. Tháng ba ngày tám là cách nói để chỉ cái thiếu đói của mùa giáp hạt. Tết mồng mười tháng mười là tết cơm mới, lớn lên khi thì trong quân ngũ khi thì trong trường đại học, cái thiếu cái đói cứ bám theo dai dẳng, nên hay nhớ nhà, nhớ quê, nhớ cái tết cơm mới tháng mười.

Cứ khoảng tháng ba tháng tư âm lịch là nhà tôi thể nào cũng có mấy chú gà trống dò để thiến, năm thì thiến được hai con, năm thì ba con. Gà thiến xong phải nuôi cả năm qua rơm rạ vụ mùa mới ra mã gà thiến, bầu mỡ tròn căng, chân đi khệ nệ, lông đuôi quét đất. Gà thiến chỉ để dành cho lễ, Tết, cho việc quan trọng như cưới hỏi, còn ngày thường không ai hoang phí mà mổ gà thiến bao giờ. Tháng mười âm lịch, trời chuyển lạnh, nứa non đã thành bánh tẻ, ngọn dài vút cần câu, những cái bẹ bao cây phần gốc bong ra, là lúc rất vừa chặt để đúc lam. Bố tôi bảo đúc lam phải chọn búi nứa mọc thấp gần khe, gần suối nứa mới dày, khi đốt không lo cháy, dóc vỏ ngoài mới dễ. Còn đan vách thì chọn những búi nứa mọc trên cao, nứa đều cây lại mỏng dễ đan dễ uốn theo ý của mình. Miền núi không có các cánh đồng rộng, có khi một khu đồng chỉ có vài sào ruộng, một khu dân cư có hàng chục khu ruộng nằm xen kẽ giữa các quả đồi. Làng, xóm bảo nhau để ra hẳn khu đồng chuyên để cấy lúa nếp mà rặt một thứ là nếp cái hoa vàng.

Làng tôi ăn Tết cơm mới không to nhưng nhà nào ít nhiều cũng có, nhà làm sớm, nhà làm chiều, Tết mồng mười phải có con gà, chõ xôi, chai rượu. Nhà có điều kiện thì cơm lam, bánh dày, có nhà còn đụng nhau thêm cả tí lòng sốt tiết canh cho ngày Tết thêm phần rôm rả. Chiều mồng tám là bố tôi nhắc đi chặt nứa để tối đúc gạo ngâm, chiều mồng chín đốt lam. Miền núi tháng mười lưng chiều đã thấy sương xuống mờ mờ, bố tôi chặt khúc gỗ tươi kê cao hai đầu ở góc sân để lấy chỗ dựa các ống lam hai bên, cho trấu và rơm vào đốt. Chúng tôi ríu rít chung quanh sưởi lửa, nhân thể nướng thêm củ khoai, củ sắn, còn nghịch ngợm đốt ống nứa tươi làm pháo nổ.

Lam chín để nguội dóc vỏ ngoài, tiện thành chũa mười lăm hai mươi phân bó thành từng bó sáu chũa, để bày mâm cúng Tết, chúng tôi chỉ được ăn trước phần đầu thừa đuôi thẹo. Gà thiến mới béo làm sao, da dày vàng ngộm, xôi gạo trắng tinh thơm lựng cả nhà. Nhà nông vất vả chân lấm tay bùn, bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, chờ lúa ra đòng, chờ mùa lúa chín, còn bọn trẻ chúng tôi chờ cho đến Tết tháng Mười. Những bàn tay chai sạn cầm trên nắm xôi trắng nõn, dẻo thơm chấm nước thịt gà rang thắm mỡ vàng xộm, cái ngon có nắng, có gió, có thời gian đợi chờ nên thật đậm đà, ấm áp chất quê.

Cứ bảo kể vụn vặt mãi, chẳng biết nhưng chính những điều vụn vặt đã nuôi dưỡng nên tâm hồn, tình cảm chúng tôi. Để rồi sau này cầm súng, rồi quyết tâm phấn đấu thoát cảnh nghèo hèn lạc hậu cũng bắt nguồn từ tâm hồn tình cảm của những điều vụn vặt ấy…