Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngày 4/10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có Báo cáo đầy đủ số 980/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
Quy định về tiêu chí xác định các giao dịch phải công chứng
Về quy định các loại giao dịch phải công chứng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số ý kiến tán thành với dự thảo Luật do Chính phủ trình, không quy định về các loại giao dịch phải công chứng trong Luật Công chứng. Một số ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về các loại giao dịch phải công chứng như: Giao dịch đối với bất động sản; Giao dịch đối với tài sản có đăng ký; Giao dịch liên quan đến doanh nghiệp; Các giao dịch khác mà pháp luật quy định bắt buộc phải công chứng.
Theo UBTVQH, tương tự như nhiều quốc gia khác trên thế giới, pháp luật nước ta cũng quy định công chứng bắt buộc đối với một số giao dịch quan trọng liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, một số loại tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng và một số giao dịch quan trọng khác. Các giao dịch phải công chứng hiện được quy định trong các luật có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và một số văn bản dưới luật…
Dự thảo Luật do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 7 kế thừa quy định của Luật Công chứng hiện hành, không quy định các loại giao dịch phải công chứng mà tập trung điều chỉnh các vấn đề về công chứng viên (CCV), tổ chức hành nghề công chứng.
Quá trình thảo luận, tiếp thu chỉnh lý nội dung này còn có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất tán thành quan điểm không quy định cụ thể các loại giao dịch phải công chứng trong Luật Công chứng để tránh trùng lặp với quy định của pháp luật chuyên ngành. Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định cụ thể danh mục các giao dịch phải công chứng trong Luật Công chứng nhằm bảo đảm minh bạch, thuận lợi trong áp dụng pháp luật của người dân, doanh nghiệp.
UBTVQH nhận thấy cả hai loại ý kiến nêu trên đều có ưu điểm và hạn chế. Đối với phương án không quy định cụ thể các loại giao dịch phải công chứng sẽ tạo linh hoạt hơn cho việc sửa đổi quy định về giao dịch phải công chứng tại các văn bản quy phạm pháp luật khác. Hạn chế của phương án này là các giao dịch phải công chứng được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, gây khó khăn trong việc nắm bắt để tuân thủ.
Đối với phương án quy định cụ thể danh mục các giao dịch phải công chứng trong Luật Công chứng có ưu điểm là bảo đảm minh bạch, thuận lợi trong áp dụng pháp luật nhưng hạn chế là sẽ luật hóa một số quy định của nghị định, thông tư là nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, không bảo đảm tính ổn định của Luật khi cần điều chỉnh nội dung, phạm vi các loại giao dịch phải công chứng.
Trên cơ sở phân tích các ưu điểm, hạn chế của từng loại ý kiến nêu trên, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo hướng kết hợp các điểm tích cực của cả hai loại ý kiến để chỉnh lý nội dung này.
Theo đó, bổ sung khoản 2 Điều 1 quy định về tiêu chí xác định các giao dịch phải công chứng, cụ thể là: “2. Giao dịch phải công chứng là giao dịch quan trọng, đòi hỏi mức độ an toàn pháp lý cao và được pháp luật quy định phải công chứng”. Đồng thời giao Chính phủ chỉ đạo rà soát các giao dịch phải công chứng đang được quy định trong các luật, nghị định, thông tư hiện hành để sửa đổi, bổ sung. Bộ Tư pháp có trách nhiệm rà soát, cập nhật, đăng tải các giao dịch phải công chứng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ. Phương án này bảo đảm tính ổn định của Luật Công chứng vì không quy định cụ thể các loại giao dịch phải công chứng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các loại giao dịch này do phải phù hợp với tiêu chí quy định tại Luật Công chứng, bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi trong việc áp dụng pháp luật.
Thảo luận về mô hình tổ chức Văn phòng công chứng
Một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình về mô hình của văn phòng công chứng (VPCC) tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Một số ý kiến đề nghị quy định VPCC tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân trên phạm vi cả nước hoặc được áp dụng đối với VPCC thành lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, còn đối với các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định VPCC được tổ chức theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn.
UBTVQH nhận thấy, Luật Công chứng hiện hành và dự thảo Luật đều không quy định về mô hình tổ chức VPCC là công ty trách nhiệm hữu hạn hay có thành viên góp vốn trong công ty hợp danh... Qua thảo luận, do còn có ý kiến khác nhau về nội dung này, UBTVQH tổng hợp thành hai phương án.
Phương án 1: Đề nghị bên cạnh các VPCC được tổ chức theo mô hình công ty hợp danh như Luật hiện hành, tại các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập VPCC theo loại hình công ty hợp danh theo quy định của Chính phủ, VPCC còn được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.
Phương án 2: Một số ý kiến tán thành với phương án như Chính phủ trình, đề nghị kế thừa Luật Công chứng hiện hành quy định VPCC được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty hợp danh.
Nhiều đại biểu tán thành với phương án 1. Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đánh giá, phương án 1 là sự đổi mới hết sức cần thiết, tạo điều kiện cho công chứng viên phát triển hoạt động công chứng ở quy mô nhỏ, phù hợp với địa phương có nhu cầu công chứng thấp. Đại biểu Bình đề nghị dự thảo luật quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm pháp lý của công chứng viên khi hành nghề dưới loại hình này.
Bên cạnh đó một số đại biểu đề nghị, cần làm rõ thêm thế nào là mật độ dân số thấp; thế nào là cơ sở hạ tầng, dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, có thể giao cho Chính phủ hoặc UBND tỉnh quy định cụ thể về nội dung này để tránh trường hợp các văn phòng công chứng hiện nay đang hoạt động theo loại mô hình hợp danh xin chuyển đổi sang loại mô hình doanh nghiệp tư nhân sau khi luật có hiệu lực thi hành, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương.
Tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 gồm 79 điều, trong đó, đã sửa đổi, bổ sung 73 điều; giữ nguyên 5 điều; bổ sung 1 điều 36a; số lượng điều tăng lên 1 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội.