Bức tranh kinh tế nhiều màu sắc của châu Âu

Nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đạt tăng trưởng nhanh hơn dự kiến, dù triển vọng vẫn yếu do niềm tin của người tiêu dùng giảm sút. Đáng chú ý, hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức và Pháp đều ghi nhận tín hiệu khả quan, góp phần tích cực vào bức tranh kinh tế nhiều màu sắc của châu Âu.
0:00 / 0:00
0:00
Kinh tế Đức tăng trưởng nhẹ trong quý III. Ảnh: TOVIMA
Kinh tế Đức tăng trưởng nhẹ trong quý III. Ảnh: TOVIMA

Tăng trưởng khả quan nhưng còn mong manh

Theo số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) vừa công bố, GDP tại 20 quốc gia sử dụng đồng euro tăng 0,4% trong quý III, vượt mức kỳ vọng là 0,2% nhưng vẫn cho thấy sự mong manh khi ngành công nghiệp vẫn trong suy thoái và mức tiêu dùng gia đình hầu như không tăng. So cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khối đạt 0,9%, duy trì mức tăng trưởng cả năm xấp xỉ 1%, thấp hơn ngưỡng mà các nhà kinh tế coi là “tiềm năng” hay tốc độ tăng trưởng tự nhiên mà không có cú sốc hoặc kích thích.

Nguy cơ căng thẳng thương mại với các đối tác lớn cũng khiến triển vọng kinh tế Eurozone trở nên bấp bênh. Trong các tuyên bố tranh cử, ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả quốc gia. EU cũng đang nỗ lực giảm nhẹ căng thẳng với Trung Quốc liên quan quyết định tăng thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất lên tới 45,3%. Những thông tin không mấy tích cực đã làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, cũng như doanh nghiệp châu Âu.

Trong khi đó, nền kinh tế Pháp đang phát đi tín hiệu tích cực khi tỷ lệ lạm phát có xu hướng đi xuống. Cơ quan Thống kê quốc gia Pháp (INSEE) cho biết, tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng 9 vừa qua ở mức 1,1% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức dự báo tăng 1,2% INSEE đưa ra trước đó và giảm so mức 1,8% ghi nhận vào tháng 8 vừa qua. Tỷ lệ lạm phát trong tháng 9 là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021, chủ yếu do giá năng lượng giảm mạnh và lạm phát đối với ngành dịch vụ có xu hướng chậm lại. Trước đó, Ngân hàng Trung ương Pháp (BdF) vẫn duy trì dự báo tỷ lệ lạm phát năm 2024 ở mức 2,5%.

Nền kinh tế Đức thoát hiểm ngoạn mục

Bất ngờ lớn nhất đến từ Đức, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), đã tránh được cuộc suy thoái kinh tế trong gang tấc. Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) cho biết, kinh tế Đức đã tăng trưởng nhẹ 0,2% trong quý III năm nay. Thông tin này khiến các chuyên gia ngạc nhiên do kết quả đảo chiều so dự báo nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái kỹ thuật. Đức là nền kinh tế lớn duy nhất có GDP sụt giảm trong năm 2023 và chính phủ dự báo sẽ tiếp tục giảm nhẹ vào năm 2024. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất “lục địa già” có thể ghi nhận sự phục hồi từ năm 2025, khi lạm phát giảm và mức lương cao hơn sẽ thúc đẩy tiêu dùng. Lạm phát của Đức giảm xuống 1,6% trong tháng 9/2024, mức thấp nhất kể từ năm 2021.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Destatis, GDP của Đức được thúc đẩy nhờ chi tiêu của chính phủ và gia đình gia tăng. Tuy nhiên, Destatis cũng điều chỉnh số liệu trong quý II, theo đó cho biết nền kinh tế giảm 0,3% thay vì ước tính trước đó là giảm 0,1%. Mặc dù tăng trưởng nhẹ, song những “cơn gió ngược” đã gây thiệt hại cho ngành công nghiệp quan trọng, chiếm tới 20% GDP của Đức. Trong báo cáo mới nhất, Liên đoàn các ngành công nghiệp Đức (BDI) cho biết, lĩnh vực sản xuất đang thiếu trầm trọng đơn đặt hàng. BDI nhận thấy sản lượng công nghiệp trong quý III giảm 3% so cùng kỳ năm 2023, lưu ý đây là lần giảm thứ ba liên tiếp, trong đó sự giảm sút đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực chế tạo ô-tô hàng đầu của Đức.

Áp lực lên chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz ngày càng gia tăng, trong khi liên minh ba đảng mong manh đang mâu thuẫn về giải pháp tốt nhất nhằm xoay chuyển tình hình kinh tế vốn đang ảm đạm. Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck, thuộc đảng Xanh, vừa đề xuất khoản đầu tư trị giá nhiều tỷ euro để hỗ trợ doanh nghiệp Đức. Tuy nhiên, ý tưởng này lập tức bị Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner thuộc đảng Dân chủ Tự do (FDP) bác bỏ.

Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Alfred Kammer khẳng định, Đức cần cải cách cơ cấu cũng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng công cộng. Để đạt được điều này, Đức có thể phải nới lỏng quy định trần nợ.