Tạo hành lang pháp lý phát triển khu công nghiệp sinh thái

Khu công nghiệp (KCN) sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Khu công nghiệp sinh thái đang được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Ảnh: NGUYỆT ANH
Khu công nghiệp sinh thái đang được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Ảnh: NGUYỆT ANH

Tại Việt Nam, giai đoạn 2015-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp LHQ (UNIDO) triển khai hỗ trợ 4 khu công nghiệp thí điểm chuyển đổi từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái, bao gồm: KCN Khánh Phú, KCN Gián Khẩu, KCN Hòa Khánh và KCN Trà Nóc 1, 2. Từ năm 2020 đến 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với UNIDO dưới sự tài trợ của Thụy Sĩ để nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái tại 3 địa phương là Hải Phòng, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh.

Tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư

Là một trong những điển hình của việc chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái từ năm 2019, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền tại Hải Phòng cho biết, báo cáo Phát triển bền vững (ESG) do PwC (một trong 4 đơn vị kiểm toán lớn nhất thế giới) đã chứng nhận sự vượt trội trong mô hình này. Tại đây, đã có hơn một triệu cây xanh được trồng, chiếm đến 33% diện tích đất khu công nghiệp. Hệ thống quan trắc nguồn thải tự động liên tục truyền dẫn thông tin về Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng (24/24 giờ) tất cả các ngày trong tuần…

Còn với KCN Deep C - nổi bật với hệ thống năng lượng tái tạo (điện mặt trời áp mái, điện gió), khu tổ hợp dịch vụ xã hội trong KCN, ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc KCN DEEP C Hải Phòng cho biết, các công trình sinh thái nơi đây đều dựa vào tự nhiên ứng phó biến đổi khí hậu. Các nguyên tắc phát triển hiện nay của KCN đều theo hướng bảo đảm rằng, các doanh nghiệp muốn đến đầu tư vì chủ đầu tư cung cấp khả năng tiếp cận các dịch vụ liên quan đến ESG, chứng chỉ carbon, các sáng kiến đầu tư hiệu quả về cả lợi nhuận và trách nhiệm xã hội.

Nhìn nhận quá trình chuyển đổi này, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ KH&ĐT cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của các KCN thời gian qua đã gây áp lực lớn đến môi trường sống của người dân. Có đến 13% KCN đang hoạt động chưa xây dựng nhà máy xử lý nước thải, gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, chất thải đe dọa sức khỏe và đời sống người dân quanh KCN. Cùng với đó, tại các KCN truyền thống hiện nay, doanh nghiệp trong cùng KCN cũng chưa tận dụng hết những lợi thế của nhau để cùng cộng sinh công nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả; đồng thời tiết kiệm chi phí, tận dụng tài nguyên sẵn có.

Vẫn có quá nhiều điều mới mẻ

Về mặt chính sách, ngày 22/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 82 quy định về quản lý KCN và khu kinh tế. Nghị định quy định rõ về KCN sinh thái cũng như những tiêu chí để trở thành KCN sinh thái. Ngày 28/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 35/2022 quy định về quản lý KCN và khu kinh tế. Theo đó, những tiêu chí cơ bản về KCN sinh thái được giữ nguyên theo Nghị định 82, nhưng làm rõ hơn về điều kiện, tiêu chí với từng nhóm đối tượng doanh nghiệp. Thêm vào đó, việc xây dựng KCN sinh thái hiện nay liên quan đến nhiều luật khác nhau như: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản... do vậy còn thiếu hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ của hệ thống chính sách.

Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng cho rằng, mặc dù đang hình thành và phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, nhưng các KCN sinh thái vẫn có quá nhiều điều mới mẻ. Các hệ thống về quy chuẩn, tiêu chuẩn cho KCN sinh thái cũng chưa hoàn thiện. Dẫn chứng về việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái trong KCN là một trong những giải pháp cho KCN sinh thái, song đến nay vẫn chưa có quy định về việc lắp đặt điện mặt trời áp mái tại KCN.

Đầu tháng 10, tại cuộc họp về chủ trương phân cấp, phân quyền dự án đầu tư hạ tầng KCN và dự án Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh sự cần thiết của hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất nhằm quản lý các loại hình KCN, khu kinh tế hiện nay; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chưa được quy định hoặc điều chỉnh trong luật chuyên ngành. Đồng thời, cũng cần có các tiêu chí xác định loại hình KCN, khu kinh tế mới, thuộc diện ưu tiên thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ lõi, lĩnh vực sản xuất nền tảng…

Trước yêu cầu đặt ra, Bộ KH&ĐT phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan rà soát các quy định pháp lý, có ý kiến góp ý cụ thể đối với việc sửa quy định pháp luật như quy định pháp luật về môi trường, các quy định pháp luật về tài nguyên nước... để bảo đảm có tiếng nói đồng bộ, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động cộng sinh công nghiệp.

Đồng thời, bộ cũng tham mưu cho Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng dự án Luật Khu công nghiệp, Khu kinh tế nhằm khắc phục kịp thời hạn chế, vướng mắc và bổ sung quy định mới mà pháp luật hiện hành chưa có về điều kiện, cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế (trình tự, thủ tục, thẩm quyền đầu tư các loại hình mới); hoàn thiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Cùng với đó là làm rõ điều kiện thành lập, hoạt động trong nội bộ khu công nghiệp, khu kinh tế; chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp; tổ chức bộ máy quản lý của đồng thời điều chỉnh các loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế mới như khu công nghiệp sinh thái, thông minh, công nghệ cao đặc thù; mối quan hệ với các luật chuyên ngành…