Một buổi sáng, ông Cường tỉnh dậy sớm hơn lệ thường, ông không thấy vợ ông, bà Việt, ở căn bếp quen thuộc. Nhìn xuống tầng 1 chỗ cửa cuốn, ông thấy vợ mình cứ đứng thất thần bấm cửa lên xuống liên tục. Ông gọi vợ nhưng không thấy trả lời.
Vội vàng chạy xuống, vừa bấm điện thoại gọi điện cho con trai đang sống cách đó hơn 10 km. Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, ông nhận được chẩn đoán vợ ông bị đột quỵ não khá nghiêm trọng. Từ giờ bà Việt sẽ cần chế độ điều trị đặc biệt và chăm sóc tích cực.
Sau khi nghỉ hưu, hai ông bà dời trung tâm về sống tại vùng ven Hoài Đức, Hà Nội. Dù có bầu không khí trong lành hơn, nhưng xa con cháu, lại xa các trung tâm y tế lớn nên đôi khi ông Cường cảm thấy khá bất tiện mỗi khi ốm đau, đi khám, chữa bệnh.
Giờ đây, khi bà Việt bị bệnh, gia đình ông Cường chắc chắn phải tìm kiếm dịch vụ chăm sóc y tế tại nhà. Tuy nhiên với khoảng cách khá xa nội đô, việc tìm kiếm dịch vụ, thậm chí người giúp việc có kinh nghiệm cũng khá khó khăn.
Người Việt đang thọ hơn nhưng không khỏe mạnh
Thiếu cơ sở hạ tầng, dịch vụ thiết yếu cho người cao tuổi là câu chuyện khá phổ biến hiện nay khi ngày càng có nhiều người cao tuổi sống thọ hơn nhưng lại không khỏe mạnh do không được chăm sóc đầy đủ.
Tại Bệnh viện Hữu Nghị có từ 700- 900 bệnh nhân điều trị mỗi ngày, trong đó hơn 90% số bệnh nhân là người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Mỗi bệnh nhân đến khám và điều trị đều có ít nhất 2 bệnh lý nền kèm theo.
7 năm kể từ ngày bắt đầu nghỉ hưu cũng là ngần ấy năm ông Đinh Quang Định chung sống với nhiều bệnh mạn tính: tiểu đường, mỡ máu, đại tràng. Vì vậy, định kỳ 3 tháng ông phải tái khám một lần và nhập viện điều trị khi có bất thường.
Ông cho biết, tuổi già phát sinh rất nhiều bệnh nhưng sợ nhất là phải nằm viện bởi vì bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. “Hiện ở Hà Nội cũng có những bệnh viện tư nhân có dịch vụ cao cấp hơn nhưng chưa nhiều và giá thành khá cao. Trong khi đó, những người khám, chữa bệnh bảo hiểm như chúng tôi thì không có nhiều lựa chọn. Nhiều khi phải nằm ghép giường với nhau mà ốm thêm”, ông Định chia sẻ.
Theo ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Dân số (Bộ Y tế), một người cao tuổi mắc nhiều loại bệnh mạn tính, chi phí y tế và gánh nặng chăm sóc gấp 7-10 lần người trẻ. Hiện, Việt Nam có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,86% dân số. Những năm trở lại đây, số người cao tuổi tăng nhanh trong cơ cấu dân số, số người hơn 60 tuổi dự báo đến năm 2050 sẽ đạt 28%.
Chúng ta chỉ còn hơn 10 năm để đối mặt với già hóa dân số, đây là thách thức rất lớn. Điều đó đặt ra yêu cầu cần phát triển hệ thống an sinh xã hội tích hợp, đa tầng và hiện đại thích ứng với già hóa dân số nhanh.
Tuổi già không phải là “gánh nặng” mà là “cơ hội”
Nền kinh tế “bạc” bao gồm tất cả hoạt động cung cấp các sản phẩm, dịch vụ được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của những người hơn 50 tuổi. Khái niệm này bắt nguồn từ thuật ngữ “silver tsunami - sóng thần bạc” xuất hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản - quốc gia có tỷ lệ người hơn 65 tuổi cao nhất trong những năm 70 thế kỷ trước để chỉ thị trường người cao tuổi, tập hợp các lĩnh vực đa dạng như y tế, ngân hàng, năng lượng, nhà ở, viễn thông, giải trí, du lịch và nhiều lĩnh vực khác (theo Iberdrola, 2023)
Nền kinh tế “bạc” có người cao tuổi là đối tượng chính sử dụng sản phẩm, đây là những đối tượng mang nhiều đặc trưng cụ thể gồm: Có sức mua cao và không phải chịu gánh nặng kinh tế; sử dụng thời gian của mình để làm những gì mong muốn (đi du lịch, tận hưởng những trải nghiệm mới, tự thưởng cho mình...); có xu hướng trung thành với những thương hiệu đã sử dụng và thường yêu cầu các sản phẩm, dịch vụ cụ thể, được cá nhân hóa.
Bên cạnh đó, nền kinh tế “bạc” cũng được đặc trưng bởi sự chi phối từ phát triển công nghệ. Do đó, công nghệ là một trong những chìa khóa của nền kinh tế “bạc”, giúp nền kinh tế “bạc” phát triển vượt bậc từ thông qua các sản phẩm tự động hóa công việc gia đình, chăm sóc sức khỏe điện tử (eHealth) và nhiều dịch vụ khác.
Theo Ủy ban châu Âu (năm 2022), ngoài việc tạo ra nguồn lợi nhuận khổng lồ, nền kinh tế “bạc” sẽ đóng góp đáng kể vào việc tạo việc làm và giá trị gia tăng gộp (GVA) cho toàn thế giới. Nền kinh tế “bạc” cũng mang lại nhiều cơ hội lớn, như tạo ra nhiều ngành nghề mới, đồng thời thúc đẩy chính phủ các nước xây kế hoạch chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội để phù hợp với xu hướng già hóa dân số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.
Tại Việt Nam, các chuyên gia đánh giá, khả năng chi tiêu, người cao tuổi đang có thu nhập ngày càng được cải thiện với nguồn thu lương hưu, tiết kiệm và đầu tư; khả năng chi tiêu của họ phụ thuộc vào mức độ ổn định tài chính và kế hoạch tài chính cá nhân. Về thói quen tiêu dùng, những năm gần đây đã có sự chuyển dịch trong hành vi tiêu dùng của người cao tuổi, với xu hướng tăng chi tiêu cho sức khỏe, du lịch, giáo dục và giải trí. Có thể nói, sự già hóa dân số, những đặc điểm riêng của nhóm đối tượng người cao tuổi ở Việt Nam đặt ra nhiều thách thức về kinh tế - xã hội nhưng cũng là "cơ hội vàng" để Việt Nam phát triển nền kinh tế "bạc".
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã nhìn thấy tiềm năng và cơ hội để sản xuất các sản phẩm phục vụ nhu cầu của nền kinh tế "bạc" song còn mang tính nhỏ lẻ. Theo ông Zubin Trikha, Trưởng ngành hàng Dinh dưỡng đặc biệt, Nestlé Health Science Việt Nam, xu thế già hóa dân số của Việt Nam đang mở ra cơ hội đáng kể để phát triển các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với người cao tuổi.
Với sự cải thiện về chăm sóc sức khỏe và mức sống, dân số cao tuổi tại Việt Nam đang tăng cả về quy mô và sức mua. Hơn nữa, các giá trị văn hóa của Việt Nam nhấn mạnh đến việc chăm sóc các thành viên lớn tuổi trong gia đình, khiến các gia đình sẵn sàng đầu tư vào các sản phẩm giúp cải thiện sự thoải mái và sức khỏe của người thân lớn tuổi. Do vậy, tiềm năng tăng trưởng trong danh mục này là rất lớn trong những năm tới.
Tại Trung Quốc, các công ty và dịch vụ đang thích nghi để phục vụ nền kinh tế "bạc" khi lần đầu tiên những người hơn 60 tuổi chiếm hơn 1/5 dân số, đưa nước này trở thành một xã hội siêu tuổi vào thập kỷ tới. Theo Ngân hàng Thế giới, điều này hoàn toàn trái ngược với Trung Quốc của 40 năm trước, khi dân số chủ yếu là trẻ, tạo ra lực lượng lao động dồi dào và rẻ, giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước. Nhiều chuyên gia cho rằng, câu chuyện của Trung Quốc cũng chính là tương lai không xa mà Việt Nam cần tính tới.
Với nhiều quốc gia trên thế giới, tuổi già đã không còn là gánh nặng mà chính là cơ hội cho nền kinh tế. Chẳng hạn tại châu Âu, kinh tế "bạc" đang đóng góp tới 25% GDP.