Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mặc dù ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp, song tính đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,49 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 4,73% so cuối năm 2022. Cũng tính đến mốc thời gian này, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh giảm khoảng 1,0%/năm so cuối năm 2022.
Khát vốn nhưng không thể tiếp cận vốn
Tại Hội thảo "Tăng cường khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp" vừa mới diễn ra, các chuyên gia kinh tế, ngân hàng và đại diện nhiều doanh nghiệp đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến nghịch lý nói trên. Đó là, giảm lãi suất nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện về tài sản bảo đảm, hay gặp khó khăn trong cơ cấu nợ, điều chỉnh trả nợ để được vay tiếp hoặc không quản lý được dòng tiền. Đối tượng gặp khó khăn nhiều nhất chính là các doanh nghiệp mới thành lập, dù đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng đến nay, vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn. Không ít doanh nghiệp có tài sản thế chấp gặp vướng mắc pháp lý,...
![]() |
Nguồn: BỘ CÔNG THƯƠNG |
Là đối tượng được ưu tiên áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn, nhưng để được tiếp cận chính sách ưu tiên theo quy định, hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa không đáp ứng được các điều kiện về tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, vướng mắc về mặt pháp lý của các dự án là một trong những nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp không thể vay được nguồn vốn từ ngân hàng. Dẫn chứng về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản của các ngân hàng vẫn chưa giải ngân được bao nhiêu, theo ông Hùng, đó là do Bộ Xây dựng giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh phê duyệt các danh mục dự án đủ điều kiện để cho vay. Đến nay, mới chỉ có một số địa phương đã phê duyệt danh sách và gửi cho Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, khi rà soát 15 dự án được gửi đến trong danh sách này thì đều chưa đạt được cơ sở về pháp lý để có thể giải ngân cho vay.
Nhìn từ góc độ của các ngân hàng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trần tình: "Trên thực tế, kinh tế khó khăn, nguồn lực của doanh nghiệp bị cạn kiệt dẫn tới việc không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay mà vẫn phải tuân thủ quy định của pháp luật nhằm bảo đảm quản trị rủi ro, an toàn hệ thống".
Giảm lãi suất mới chỉ là một chìa khóa
Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ: "Dù ngành ngân hàng đã bốn lần giảm lãi suất điều hành, nhưng chúng tôi vẫn không có nhu cầu vay vốn. Đối với May 10, chỉ đến khi nào, thị trường hồi phục trở lại, nhiều đơn hàng mở ra, thì doanh nghiệp mới tăng nhu cầu vay vốn ngân hàng".
Nhấn mạnh rằng, việc tăng trưởng tín dụng mới chỉ phản ánh yếu tố đầu vào chứ chưa phải là hiệu quả đầu ra, vào số lượng chứ chưa phải vào chất lượng, TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng: Việc giảm lãi suất là thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và cũng là biện pháp để kích thích cầu tín dụng. Nhưng, giảm lãi suất mới chỉ là một chìa khóa để mở cánh cửa tín dụng giúp tăng trưởng kinh tế trở nên mạnh mẽ hơn. Năng lực hấp thụ vốn, hay nói cách khác là năng lực sử dụng vốn hiệu quả của chính các doanh nghiệp, nhu cầu vay vốn và sử dụng vốn của người dân là chìa khóa thứ hai. Sự hồi phục về tốc độ tăng trưởng tín dụng không thể chỉ xuất phát từ nỗ lực duy nhất của ngành ngân hàng, mà cần sự vào cuộc và chung tay của các ngành, nghề khác. Tín dụng cho lĩnh vực thương mại chỉ có thể được duy trì, tăng cao khi các hoạt động thương mại, tiêu dùng trong nước, hay xuất, nhập khẩu được cải thiện. Hoặc, tín dụng cho thị trường bất động sản chỉ hóa giải được những khó khăn, khi vấn đề pháp lý dự án được giải quyết.
"Thúc đẩy tín dụng trong khi năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế còn hạn chế, doanh nghiệp, người dân hay các cơ sở kinh tế chưa sẵn sàng về năng lực sử dụng, khi đó cũng khó bảo đảm được tín dụng với tư cách là nhân tố đầu vào sẽ được chuyển hóa hiệu quả thành tăng trưởng", TS Lê Duy Bình nhấn mạnh.
Để giúp doanh nghiệp tăng khả năng hấp thụ vốn, theo ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Các bộ, ngành cần có các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các hiệp định thương mại tự do, qua đó thúc đẩy xuất khẩu và gia tăng các đơn hàng xuất khẩu; thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp. Xử lý triệt để các vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, để qua đó góp phần đẩy mạnh cả hai phía cung-cầu tín dụng,... Tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Riêng đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần nâng cao năng lực trong quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất, kinh doanh và minh bạch tình hình tài chính,...
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để có thể giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn hết sức khó khăn này, cần có sự đồng bộ trong các giải pháp. Điều đó sẽ giúp khơi thông hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi phương án kinh doanh khả thi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, từ đó nâng cao khả năng hấp thụ vốn.
Ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội:
Cần có những chính sách giảm áp lực đầu vào
Nguồn vốn ví như máu chảy trong cơ thể con người. Máu lưu thông tốt thì cơ thể mới thật sự khoẻ mạnh và phát triển. Doanh nghiệp cũng vậy, nguồn vốn có lưu thông tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh của họ mới trơn tru, hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề đối với doanh nghiệp hôm nay không còn dừng ở bài toán nguồn vốn nữa mà điều quan trọng hơn là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, là vấn đề thị trường, đầu ra cho sản phẩm... Điều doanh nghiệp cần hiện nay, bên cạnh hỗ trợ tiếp sức từ ngân hàng, là các chính sách hỗ trợ thúc đẩy cung ứng hàng hóa, sản phẩm; giảm áp lực chi phí đầu vào. Đặc biệt với những doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, công nghiệp hỗ trợ cần nhiều hơn nữa sự quan tâm về cơ chế chính sách, hạ tầng đất đai sản xuất, công nghệ mới…
Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:
Ðề nghị xem xét tăng cường bảo lãnh tín chấp
Trong số hơn 6 triệu tỷ đồng cho vay toàn nền kinh tế, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt khoảng 2,3 triệu tỷ đồng. Xét về tỷ lệ cho vay thì dư nợ tín dụng năm sau cao hơn năm trước. Song, hiện nay có một thực trạng là số lượng các doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng vẫn còn tương đối nhiều. Có nhiều quỹ không "xài" được; nhiều gói tín dụng ưu đãi đưa ra nhưng doanh nghiệp không mặn mà.
Về nguyên nhân chủ quan, chúng ta cứ nói nhiều đến đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhưng tốc độ cải cách thủ tục hành chính đang diễn ra rất chậm. Để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai. Bây giờ chúng ta có hạ thấp điều kiện cho vay được không? Nếu các ngân hàng không thể hạ tiêu chuẩn do vướng quy định pháp luật hay tiêu chuẩn Basel quốc tế, thì cần có giải pháp để tăng cường bảo lãnh tín chấp và nâng cao năng lực doanh nghiệp.
Ông Ketut Ariadi Kusuma - Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:
Việt Nam còn dư địa tài khóa kích thích tổng cầu
Tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm như hiện nay là do sức cầu yếu, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái khiến hoạt động thương mại yếu kém, ảnh hưởng xấu đến sản xuất trong nước, qua đó ảnh hưởng xấu đến thu nhập và tiêu dùng.
Theo chúng tôi, nhu cầu yếu như vậy nên được giải quyết bằng các chính sách kích thích tổng cầu. Điều này đạt được tốt nhất thông qua các công cụ chính sách tài khóa mở rộng hơn. Chúng tôi tin rằng, Việt Nam có dư địa tài khóa để làm được điều này. Đối với những người đi vay nhỏ như các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nông nghiệp, những lĩnh vực mà nhiều ngân hàng coi là quá rủi ro, thì sự hỗ trợ của Chính phủ rất quan trọng thông qua việc cung cấp các bảo đảm bảo vệ cho các ngân hàng. Các cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét giới thiệu một số công cụ chia sẻ, giảm rủi ro hiệu quả và xem xét ban hành chính sách với các mục tiêu tương tự.