Tăng cường các chính sách hỗ trợ lao động

Để hướng tới xây dựng một hệ thống an sinh xã hội bao phủ, toàn diện, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang xúc tiến sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều phiên giao dịch việc làm được tổ chức góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp.
Nhiều phiên giao dịch việc làm được tổ chức góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp.

Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư còn lớn

Bộ LĐ-TB&XH vừa tổ chức Hội thảo “Thông tin chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội” nhằm thông tin rộng rãi những nội dung sửa đổi Luật và những điểm mới về các lĩnh vực này tới các bộ, ngành, địa phương, đối tác quốc tế và doanh nghiệp FDI.

Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ LĐ -TB&XH được giao chủ trì soạn thảo Đề án xây dựng Luật Việc làm và Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi trong năm 2023-2024. Thời gian qua, Luật Việc làm và Luật Bảo hiểm xã hội đã góp phần đáng kể trong việc hỗ trợ tạo, duy trì, mở rộng việc làm từ nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ các đối tượng đặc thù đã cho thấy rõ tính hiệu quả. Mỗi năm, có hàng triệu lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề.

Các trung tâm dịch vụ việc làm thuộc ngành LĐ-TB&XH cũng thực hiện tiếp nhận và giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Đã có 14,33 triệu người tham gia và đóng bảo hiểm thất nghiệp, 6,58 triệu người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, 13,25 triệu người được tư vấn, giới thiệu việc làm… Kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến ngày 31/12/2022 là 59.375 tỷ đồng…

Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hiện cả nước có hơn 14,33 triệu lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Chính sách bảo hiểm phát huy vai trò quan trọng là cơ chế chống sốc tự động, hỗ trợ một phần thu nhập cho người thất nghiệp. Tuy nhiên, bà Quyên cũng chỉ ra rằng chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, đối tượng chưa bao phủ hết nhóm lao động có quan hệ lao động. Quy định chế độ hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng khá chặt chẽ, cơ chế quản lý tài chính tổ chức bộ máy còn nhiều bất cập, quỹ bảo hiểm thất nghiệp quỹ ngắn hạn nhưng kết dư còn lớn.

Để khắc phục những hạn chế của bảo hiểm thất nghiệp, bà Quyên cho biết: “Khi sửa Luật Việc làm sắp tới sẽ hoàn thiện thêm chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tăng cường việc dự báo thất nghiệp, các chính sách hỗ trợ lao động... Dự báo cụ thể các ngành nghề có thể sa thải lao động, các ngành nghề thiếu lao động... để Chính phủ có chính sách chủ động điều hành”.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được tập trung hoàn thiện theo hướng sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm và điều kiện, đối tượng cho vay giải quyết việc làm; mở rộng đối tượng vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… Đặc biệt, chú trọng chính sách hỗ trợ việc làm cho các nhóm lao động đặc thù. “Khi sửa Luật Việc làm sẽ quy định cụ thể, trực tiếp điều chỉnh nhóm đối tượng lao động phi chính thức như: Lái xe công nghệ; lao động làng nghề; lao động tự do quản lý lao động...”, bà Quyên cho biết.

Ngoài ra, do Việt Nam đang bước vào quá trình già hóa dân số nên tới đây Bộ LĐ-TB&XH sẽ đưa thêm nội dung việc làm cho người cao tuổi vào luật để quản lý, hỗ trợ. Theo kế hoạch, dự án Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ trình hồ sơ lên Chính phủ vào tháng 6/2024 và được kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV cho ý kiến (tháng 10/2024).

Hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân

Thông tin về những nội dung quan trọng của Đề án xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hướng sửa đổi là “hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân”.

Dự thảo Luật sửa đổi cũng quy định xây dựng hệ thống đa tầng. Bên cạnh tầng lương hưu, có thêm tầng về trợ cấp hưu trí xã hội, “bảo đảm cho các đối tượng không có điều kiện tham gia đóng góp để nhận khoản trợ cấp hưu trí từ Quỹ bảo hiểm xã hội”, ông Nam cho hay. Về vấn đề sửa đổi quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần đang còn nhiều ý kiến, trong hồ sơ Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất hai phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần. “Vừa qua, Quốc hội cũng đã cho ý kiến về các phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần, cơ quan soạn thảo sẽ hoàn thiện và sẽ có những phương án lồng ghép giữa hai phương án hoặc lựa chọn phương án thứ ba. Nhưng lựa chọn phương án nào, chúng ta cũng hướng tới mục tiêu người lao động ở lại hệ thống để có lương hưu bảo đảm an sinh lâu dài”, ông Nam nói.

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhấn mạnh: “Bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và xã hội, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Qua đó, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030”.