Các tuyến di cư phức tạp

Quần đảo Canary thuộc Tây Ban Nha là nơi nhiều người di cư châu Phi cập bến, tìm đường vào sâu châu Âu. Hay, khu rừng Darien giữa Colombia và Panama được người di cư Nam Mỹ lựa chọn là “hành lang chính” để đến Mỹ. Diễn biến phức tạp nổi lên trên những tuyến đường này thúc đẩy các nước hợp tác nhằm ngăn chặn làn sóng di cư trái phép.
Một điểm tập kết người di cư Tây Phi tại quần đảo Canary. Ảnh: REUTERS
Một điểm tập kết người di cư Tây Phi tại quần đảo Canary. Ảnh: REUTERS

Từ “điểm nóng” phía nam EU…

Nằm cách bờ biển gần nhất phía tây bắc châu Phi chỉ 100 km, quần đảo Canary (gồm 7 đảo nằm trên Đại Tây Dương) là điểm dừng chân của những người di cư Tây Phi hướng đến Tây Ban Nha, Pháp và các nước châu Âu khác. Gần như hằng ngày, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Tây Ban Nha đều giải cứu thuyền chở hàng chục người di cư từ châu Phi tới quần đảo Canary.

Ngày 27/8, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez khởi động chuyến công du tới 3 nước Tây Phi, gồm Mauritania, Gambia và Senegal. Đây là những quốc gia chủ chốt có thể hợp tác trong cuộc khủng hoảng di cư.

Trước đó, tại cuộc gặp Thủ tướng Sanchez, người đứng đầu vùng Canary, ông Clavijo đã cảnh báo, quần đảo này đang “bên bờ vực sụp đổ” khi dự đoán số lượng người di cư có thể tăng lên 50.000 người trong năm nay. Ông Clavijo kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) hành động nhiều hơn, để quần đảo Canary không phải “đơn thương độc mã” chống chịu áp lực di cư của cả châu Âu.

Ngoài quần đảo Canary, các vùng Ceuta và Melilla của Tây Ban Nha cũng được xem là các điểm nóng về di cư ở biên giới phía nam của EU. Hai khu vực này cũng đang chứng kiến lượng người di cư gia tăng mạnh trong những tuần gần đây.

Theo Bộ Nội vụ Tây Ban Nha, từ đầu năm 2024 đến nay đã có hơn 22.000 người di cư từ Tây Phi đến quần đảo Canary, tăng 126% so mức cùng kỳ năm 2023 (gần 10 nghìn người). Trong khi đó, trên toàn Tây Ban Nha, con số này là 31.155 người, tăng 66,2% so con số 18.745 người trong cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, lượng người di cư từ Tây Phi tới Tây Ban Nha còn tăng thời gian tới, khi điều kiện thời tiết thuận tiện hơn để di chuyển trên Đại Tây Dương.

…đến “hành trình nguy hiểm” ở Trung Mỹ

Thống kê mới nhất của Bộ An ninh Panama cho thấy, kể từ đầu năm 2024, hơn 230.000 người di cư bất hợp pháp đã đến nước này sau khi vượt qua khu rừng rậm Darien, biên giới tự nhiên giữa Colombia và Panama để tìm đường đến Mỹ.

Cụ thể, từ ngày 1/1 đến 25/8, tổng cộng 231.089 người di cư trái phép từ Colombia đã vượt “hành trình nguy hiểm Darien” vào Panama, tiếp tục hướng đến điểm cuối là biên giới phía bắc của Mexico để tìm cách nhập cảnh Mỹ. Người di cư chủ yếu từ các nước như Venezuela, Colombia, Haiti...

Bộ An ninh Panama cũng xác nhận 133 trường hợp trẻ em vượt Darien đến Panama mà không có người thân đi cùng; và 42 người di cư thiệt mạng trong khi vượt qua khu rừng này.

Những con số di cư mới được đưa ra nhân dịp cuộc họp lần thứ 3 của Cơ chế ba bên về di cư được tổ chức ở thành phố Cartagena de Indias của Colombia. Các Bộ trưởng Ngoại giao Colombia và Panama cùng Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ chủ trì cuộc họp, thảo luận tăng cường hợp tác nhằm triệt phá các mạng lưới buôn bán người di cư.

Ba bên ra tuyên bố chung thừa nhận những mối đe dọa do các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia gây ra, khẳng định sẽ tìm cách triệt phá các mạng lưới này và đưa tội phạm ra trước công lý. Các bên nhất trí khuyến khích đối thoại với các nước để tăng cường các giải pháp an toàn, trật tự và nhân đạo nhằm giảm bớt tình trạng di cư trái phép. Ba nước cũng nhất trí tăng cường các chính sách hỗ trợ người di cư về các vấn đề pháp lý và hội nhập, tôn trọng và bảo vệ người di cư trong những điều kiện dễ bị tổn thương.

Ngoài ra, các bên cũng thỏa thuận triển khai hành động cụ thể và thực tế nhằm tăng cường sự hiện diện của các cơ quan chức năng Colombia và Panama trên biên giới chung; đồng thời cam kết cải thiện các cơ chế kiểm soát và quản lý cũng như trao đổi thông tin liên quan người di cư.